Dược sĩ Hồ Thu - người cán bộ Mặt trận tận tụy, kiên cường
Nhắc đến dược sĩ Hồ Thu là nhắc đến một trí thức yêu nước tiêu biểu, một dược sĩ đam mê, tận tụy với nghề, một lãnh đạo Mặt trận tâm huyết, đầy trách nhiệm với đất nước, với nhân dân. Ông là một trong những 'cánh chim đầu đàn' một lòng một dạ với cách mạng, tận tâm, tận lực cống hiến cho Tổ quốc.
Dược sĩ Hồ Thu sinh năm 1910 tại Phan Rang, Ninh Thuận. Ông là một trí thức dân tộc, sớm giác ngộ và đi theo cách mạng. Trước năm 1945, ông tích cực tham gia Mặt trận Việt Minh và Thanh niên Tiền Phong, tham gia trong nhóm Trí Thức do Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát phụ trách tại Sài Gòn và Bến Tre. Mặc dù hoạt động bí mật nhưng dược sĩ Hồ Thu là chủ một hiệu thuốc Tây lớn ở Bến Tre, có quan hệ rộng và rất được tín nhiệm nên ông đã tích cực vận động giới thân hào, nhân sĩ, trí thức… ủng hộ cách mạng. Bản thân ông đã đóng góp tiền riêng của gia đình vào việc mua vũ khí của Nhật để chuẩn bị Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945.
Trong kháng chiến chống Pháp, dược sĩ Hồ Thu hoạt động Trí vận - Mặt trận trong đô thị Sài Gòn và làm Trưởng ban quân dược Quân khu 7. Ông là một trong những người tham gia thành lập Chi bộ trí thức đầu tiên ở Sài Gòn. Với tầm ảnh hưởng và uy tín của mình, dược sĩ Hồ Thu đã cùng bạn bè, đồng chí quyên góp tiền bạc, thuốc men, dụng cụ y tế bí mật vận chuyển lên chiến khu. Đồng thời, ông cũng đã tích cực tham gia vận động nhiều trí thức Sài Gòn ký vào bản kiến nghị đòi chính quyền Sài Gòn thương lượng với Chính phủ Hồ Chí Minh, để chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình. Kiến nghị này đã gây tiếng vang rất lớn ở trong nước cũng như trên thế giới, tăng thêm uy tín và vị thế cho Chính phủ kháng chiến. Với vai trò là Trưởng ban quân dược Quân khu 7, ông là một trong những thầy thuốc đầu tiên ở miền Nam chú ý việc kết hợp Đông Tây y, tích cực nghiên cứu các loại cây làm thuốc, tích cực tìm các dược liệu có sẵn ở các địa phương để chữa bệnh cho chiến sĩ, cán bộ và đồng bào. Trong điều kiện chiến tranh vô cùng khó khăn, gian khổ và thiếu thốn, ông đã cùng các cộng sự ngày đêm tìm tòi, nghiên cứu, thử nghiệm sản xuất thành công các loại thuốc chống sốt rét, chống viêm gan, viêm đường ruột….
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông là Phó Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Trưởng ban quân dược Quân khu 7. Trước khi được đón ra chiến khu tham dự Đại hội thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ngày 20/12/1960 và được cử làm Phó Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, dược sĩ Hồ Thu đã trải qua những năm tháng gian khổ, nguy hiểm, đau thương khi địch ráo riết lùng sục, bao vây, tìm bắt cán bộ của ta, trong đó có ông. Vợ, con và anh ruột của ông bị địch bắt tạm giam. Không nao núng tinh thần, ông đã sống lưu động trong các gia đình cơ sở cách mạng, bền gan, vững chí tiếp tục hoạt động. Với cương vị và trọng trách mới, dược sĩ Hồ Thu tiếp tục công tác Mặt trận đồng thời mở lớp đào tạo dược sĩ, dược tá, trang bị cho họ những kiến thức Đông Tây y kết hợp, biên soạn và phát hành các cuốn cẩm nang để các cơ sở y tế có thể tận dụng tối đa các cây thuốc sẵn có tại địa phương chữa trị cho thương, bệnh binh và nhân dân.
Sau ngày đất nước thống nhất, do điều kiện sức khỏe yếu, dược sĩ Hồ Thu nghỉ hưu. Không đầu hàng trước hoàn cảnh bệnh tật, với kiến thức sâu rộng của một dược sĩ và bản lĩnh, nghị lực phi thường của một trí thức yêu nước đã từng kinh qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cam go, ông lại kiên trì, bền bỉ luyện tập để cải thiện sức khỏe và nghiên cứu về y dược với tâm niệm còn được sống ngày nào còn có ích cho đất nước.
Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiện đang lưu giữ nhiều kỷ vật, tư liệu về cuộc đời hoạt động cách mạng của dược sĩ Hồ Thu. Tiêu biểu trong số đó là chiếc cân tiểu ly mà dược sĩ Hồ Thu đã sử dụng trong bào chế thuốc trong kháng chiến, dụng cụ khám sức khỏe (hộp và ống nghe), dụng cụ trị liệu cho bệnh nhân… Ba cuốn sổ viết tay ghi chép tỉ mỉ, chi tiết về vấn đề phòng, chống bệnh tật, cơ sở và công thức bào chế thuốc, các bài thuốc, cách chữa bệnh, bắt mạch... Điều đặc biệt ở cuốn sổ ghi chép chi tiết về bệnh suyễn trên tình trạng cụ thể của người bệnh là những lời dặn dò, tình cảm và mong ước của một người thầy thuốc tài năng, tận tụy đối với từng bệnh nhân.
Kỷ vật của dược sĩ Hồ Thu để lại có nhiều hình ảnh, tư liệu, hiện vật về những năm tháng công tác Mặt trận mà ông không thể nào quên, trong đó bức ảnh Giáo sư Bạch gửi tặng năm 1982 với lời đề tựa:“Kính tặng ông Hồ Thu hình ảnh của Hồ Thu năm 1962 để tưởng nhớ đến lúc anh và anh Tư Phan, hai người đầu tiên, trách nhiệm đã mang Cương lĩnh của Mặt trận Dân tộc giải phóng đi liên hệ cùng các đoàn thể nhân dân khắp miền Nam Việt Nam và đã thành công xây dựng Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam vào năm 1960”. Tấm thẻ chứng nhận dược sĩ Hồ Thu là Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam được bầu tại Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất tháng 2/1977. Giấy mời gặp mặt của UBTƯ MTTQ Việt Nam gửi cho ông. Trọn cuộc đời cống hiến cho đất nước, dược sĩ Hồ Thu đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huân chương Quyết thắng hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất… Những phần thưởng cao quý đó đã được ông và gia đình trân trọng gìn giữ nguyên vẹn đến ngày nay.
Ngày 25/5/1992, dược sĩ Hồ Thu tạ thế sau gần nửa thế kỷ tận tâm, tận lực, nhiệt thành, cống hiến và hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cho sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, cho nền y dược Việt Nam. Những kỷ vật mà dược sĩ Hồ Thu để lại cùng với những câu chuyện xúc động về cuộc đời của một trí thức yêu nước tiêu biểu, một người cán bộ Mặt trận tận tụy, tận trung với nước, tận hiếu với dân, bản lĩnh kiên cường vượt lên mọi nghịch cảnh sẽ mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.