Được thanh toán trực tiếp chi phí khám chữa bệnh BHYT?
Trong trường hợp cấp cứu (tình trạng cấp cứu do cơ sở khám chữa bệnh xác nhận), người tham gia BHYT có thể đến bất cứ cơ sở khám chữa bệnh nào để điều trị (bao gồm cả cơ sở không ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với cơ quan BHXH) và vẫn được cơ quan BHXH thanh toán trực tiếp chi phí điều trị trong phạm vi và mức hưởng trên thẻ BHYT.
Bà Cao Thị Hậu (TPHCM) có thẻ BHYT theo diện hưởng chế độ thất nghiệp có hạn đến ngày 25/9/2019, ngày 23/9/2019 bà bị tai nạn cấp cứu tại 1 Phòng khám đa khoa, không khám theo thẻ BHYT nên bà phải trả 100% chi phí.
Bà Hậu hỏi, bà có được thanh toán trực tiếp chế độ BHYT không? Bà cần những thủ tục gì khi đi thanh toán? Địa chỉ trên thẻ BHYT khác với nơi ở thường trú thì nộp hồ sơ thanh toán ở đâu?
Về vấn đề này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời như sau:
Theo quy định tại Luật BHYT thì trong trường hợp cấp cứu (tình trạng cấp cứu do cơ sở khám chữa bệnh xác nhận), người tham gia BHYT có thể đến bất cứ cơ sở khám chữa bệnh nào để điều trị (bao gồm cả cơ sở không ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với cơ quan BHXH) và vẫn được cơ quan BHXH thanh toán trực tiếp chi phí điều trị trong phạm vi và mức hưởng trên thẻ BHYT.
Để được thanh toán trực tiếp, đề nghị bà mang hồ sơ gồm có: Các giấy tờ là bản chụp (kèm theo bản gốc để đối chiếu) của thẻ BHYT, Giấy tờ chứng minh nhân thân và Giấy ra viện, Phiếu khám bệnh, Sổ khám bệnh của lần khám chữa bệnh đến nộp tại cơ quan BHXH cấp huyện nơi cư trú để được xem xét, giải quyết.