Được thuê đất nông nghiệp dài hạn, nông dân yên tâm đầu tư
Ngày 22/2, Hội Nông dân TP Hà Nội tổ chức hội nghị lấy ý kiến của cán bộ, hội viên nông dân thành phố về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Các ý kiến đóng góp tập trung kiến nghị phải đảm bảo người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn ở nơi ở cũ cũng như nâng thời gian cho thuê thầu đất nông nghiệp thời hạn từ 30 năm trở lên.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nhất trí về chủ trương sửa đổi Luật Đất đai và khẳng định: Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã đáp ứng yêu cầu bức thiết trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và phù hợp với xu thế phát triển hiện nay. Các đại biểu đã tham gia ý kiến vào một số vấn đề: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ tái định cư; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất...
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Xuyên Phạm Văn Hùng phân tích, tại Điều 36, dự thảo Luật đã bổ sung quyền đối với trường hợp thuê đất trả tiền hằng năm theo hướng người được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hằng năm được quyền thế chấp, bán, cho thuê tài sản gắn liền với đất thuê và quyền thuê trong hợp đồng thuê đất. Điều 50, dự thảo luật đã quy định khi thực hiện quyền này phải bảo đảm các tiêu chí sau: Tài sản gắn liền với đất thuê được tạo lập hợp pháp theo quy định của pháp luật; đã hoàn thành việc xây dựng đúng quy hoạch xây dựng chi tiết và dự án đầu tư đã được phê duyệt, chấp thuận, trừ trường hợp phải thực hiện theo bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực thi hành hoặc kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về thanh tra, kiểm tra; ứng trước tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng mà chưa khấu trừ hết vào tiền thuê đất phải nộp.
“Đây là quy định mới cần được cân nhắc, xem xét kỹ, đánh giá tác động của việc cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê đất trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm trên các khía cạnh kinh tế, xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, việc thẩm định, quản lý và xử lý tài sản thế chấp của các tổ chức tín dụng”, ông Hùng kiến nghị.
Với khoản 2 điều 89 dự thảo luật quy định nguyên tắc về bồi thường đất khi Nhà nước thu hồi đất, ông Hùng kiến nghị phải đảm bảo người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn ở nơi ở cũ thông qua quy định trước khi thu hồi phải xây dựng khu tái định cư. “Về việc xây dựng các phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, Nghị quyết 18-NQ/TWđã nêu lên chủ trương phải phê duyệt toàn bộ phương án trước xong rồi mới tiến hành thu hồi đất. Tuy nhiên, hiện tại chưa có tiêu chí cụ thể nào về việc cấp tái định cư như chưa quy định phải hoàn thành khu tái định cư bao nhiêu ngày trước khi tiến hành thu hồi đất. Nếu không hoàn thành thì phải có phương án bồi thường thay thế. Ngoài ra cần quy định thời gian người dân sinh sống trong khu tái định cư tối đa bao lâu để tránh tình trạng "ở tạm thành ở thật"”, ông Hùng phân tích.
Cũng theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Xuyên, chính sách đất đai, phân cấp thẩm quyền cụ thể là cấp huyện về việc đầu tư cho thuê thầu đất nông nghiệp cần có thời hạn từ 30 năm trở lên để các nhà đầu tư thuê đất nông nghiệp công nghệ cao gắn với việc chính sách về đất đai trong xây dựng cơ sở vật chất để đáp ứng phù hợp trong lĩnh vực đầu tư. Lãnh đạo Hội Nông dân huyện Phú Xuyên nêu ý kiến, cần có chính sách ưu đãi khi đầu tư tích tụ ruộng đất trong sản xuất nông nghiệp nói chung, nông nghiệp công nghệ cao nói riêng.
Cũng tại Hội nghị, anh Trần Văn Thắng, Chủ trang trại nuôi bò công nghệ cao ở xã Thọ An, huyện Đan Phượng giãi bày, khi đầu tư làm nông nghiệp công nghệ cao, người nông dân phải bỏ ra rất nhiều vốn. Chính vì vậy, TP nên có chính sách thuê đất nông nghiệp dài hạn trên 5 năm để bà con nông dân yên tâm đầu tư sản xuất nông nghiệp nói chung, nông nghiệp công nghệ cao nói riêng. Ngoài ra, đại diện Hội Nông dân các huyện cũng kiến nghị: Cần làm rõ hơn các tiêu chí, điều kiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Ví dụ như “phù hợp với điều kiện, phong tục, tập quán của từng vùng, miền”, đối với những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số thì phong tục, tập quán có sự khác biệt so với đại đa số địa phương.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội Phạm Hải Hoa khẳng định: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là đạo luật rất quan trọng, tác động trực tiếp đến mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh của đất nước nói chung và từng bộ, ngành, địa phương nói riêng, đặc biệt là đối với ngành Nông nghiệp và các hộ nông dân bởi đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt, tham gia vào tất cả lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp và các hộ sản xuất nông nghiệp. Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội đề nghị Hội Nông dân các huyện, thị tích cực tuyên truyền, vận động và phát động cán bộ, hội viên nông dân thuộc đơn vị mình tích cực nghiên cứu, tham gia, đóng góp ý kiến về dự thảo Luật Đất đai.