Được và chưa được của 'Đất rừng phương Nam'
Trong giai đoạn đầy ảm đạm của thị trường điện ảnh với những tác phẩm không đủ lớn để lôi kéo khán giả ra rạp, Đất rừng phương Nam như một điểm sáng thu hút sự chú ý của cả giới chuyên môn và dư luận chung.
Còn hạn chế nhưng đáng xem
Dù mới chỉ chiếu 3 ngày nhưng phim đã thu về gần 45 tỉ đồng - con số rất đáng kể. Một lần nữa, phim có sự góp mặt của Trấn Thành lại khuấy động thị trường. Dù phim còn nhiều hạn chế nhưng không thể phủ nhận đây là một tác phẩm tốt, giúp xóa bỏ định kiến về phim Việt Nam.
Lấy cảm hứng từ tiểu thuyết của nhà văn Đoàn Giỏi và cảm hứng từ tác phẩm truyền hình "Đất phương Nam" của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn, "Đất rừng phương Nam" của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng và biên kịch Trần Khánh Hoàng đã cải biên khá nhiều tuyến truyện và nhân vật, để phù hợp hơn với một tác phẩm điện ảnh có thời lượng giới hạn, dù khán giả vẫn tìm thấy khá nhiều cái tên quen thuộc như Võ Tòng (Mai Tài Phến), thằng Cò, ông Tiều (Tiến Luật), thầy Bảy (Hứa Vĩ Văn)...
Dựa trên hành trình đi tìm cha của bé An cùng sự giúp đỡ của tay trộm vặt không gia đình Út Lục Lâm, đạo diễn có tham vọng lồng ghép trong đó tinh thần yêu nước, cũng như vẻ đẹp của vùng đất Nam Kỳ lục tỉnh vốn đa dạng về văn hóa với nhiều dân tộc sống cùng nhau để cùng gây dựng nên sự bình yên của vùng đất này trước khi thực dân Pháp tới. Vẻ đẹp qua hành trình của An là những con kênh, những khu rừng, những khu chợ nổi, những số phận người và những nghề nghiệp khác nhau đậm chất miền Tây như Sơn Đông mãi võ, đoàn hát tuồng của thầy giáo Bảy...
Chưa mang lại nhiều cảm xúc
Bối cảnh được xây dựng tốt, nhiều đại cảnh, tạo cảm giác rất thích mắt qua góc máy của nhà quay phim Diệp Thế Vinh. Tuy nhiên, đôi khi cái đẹp quá hoàn hảo lại tạo cảm giác không thật và đơn điệu, khi các khung cảnh duy mỹ không có nhiều sự thay đổi về bố cục, cũng như sự khác biệt nhau nhiều giữa các bối cảnh trong hành trình của An.
Là một phim hành trình, điểm đặc sắc nhất là chờ đợi sự chuyển biến tâm lý của nhân vật chính, khi đã trải qua rất nhiều biến cố để trưởng thành nhưng điều này không thấy ở An. Có chăng, nếu đặt Út Lục Lâm lên làm nhân vật chính thì ta có thể thấy được sự biến đổi của một tên trộm vặt vốn chỉ quan tâm đến bản thân trở thành người sống có tình, có nghĩa và sẵn sàng hy sinh cho người khác. Điều này khiến khán giả hơi khó tập trung theo dõi hành trình của An, do nhân vật này vốn rất đặc sắc trong bộ phim truyền hình trước kia, nay đã bị chìm hẳn so với Út Lục Lâm.
"Đất rừng phương Nam" có khá nhiều lời thoại về lòng yêu nước, việc chống lại thực dân Pháp đô hộ, mang đến đau thương cho mảnh đất Nam Kỳ lục tỉnh, tuy nhiên, tình yêu nước được kể trong phim chưa mang lại nhiều cảm xúc, do bộ phim có quá nhiều nhân vật và những cái chết của họ, sự hy sinh vì nghĩa lớn của những tổ chức yêu nước tự phát không chạm được vào trái tim khán giả vì người xem gần như chỉ biết các nhân vật đó chết vì đất nước, còn chưa kịp hiểu đó là ai, tính cách ra sao, chưa xây dựng được những cảm xúc sơ khởi để khiến những sự hy vọng đọng lại nhiều ý nghĩa hơn.
Dù vậy, "Đất rừng phương Nam" là một tác phẩm giải trí đáng xem. Hình ảnh được đầu tư kỹ, diễn viên làm tròn nhiệm vụ của mình, những phân cảnh chiến đấu thể hiện khá hấp dẫn như những phim thuần về hành động, âm nhạc trong phim đã dẫn dắt cảm xúc khán giả theo bước chân của bé An một cách tròn trịa. Bộ phim sẽ còn tiếp phần 2, như nhà sản xuất chia sẻ. Hy vọng rằng khi đó, những điểm chưa được ở trên sẽ được cải thiện để bộ phim mang lại nhiều cảm xúc hơn.
Phim có kinh phí lên tới 50 tỉ đồng, trong khi ở thị trường Việt Nam những tác phẩm 20-30 tỉ đồng đã có thể gọi là những phim bom tấn Việt. Quy mô sản xuất lớn như vậy là những trải nghiệm chưa có nhiều của cả ê-kíp sản xuất, nên những khung hình của "Đất rừng phương Nam" đang chiếu là sự nỗ lực, rất cần khuyến khích để những tác phẩm như thế này không còn là của hiếm nữa.
Điện ảnh vốn là một thể loại hư hư thực thực, mang tính giải trí cao, nên hãy coi nó như một tác phẩm nghệ thuật của người làm nghệ thuật, để họ mặc sức tưởng tượng trong một khuôn khổ cho phép của luật pháp.
Sửa lời thoại phim sau khi bị dư luận phản ứng
Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), cho biết bản sửa lời thoại phim "Đất rừng phương Nam" đáp ứng yêu cầu và được ra rạp trong chiều tối 16-10. Sau phản ứng của dư luận về những hoạt động và lời thoại nhắc đến "Nghĩa Hòa Đoàn" và "Thiên Địa Hội" có thể làm người xem liên tưởng hội, nhóm của nước ngoài, nhà sản xuất đã chuyển từ Nghĩa Hòa Đoàn thành Nam Hòa Đoàn, từ Thiên Địa Hội thành Chính Nghĩa Hội.