Được và mất từ cuộc gặp Mỹ-Trung tại Thiên Tân
Cuộc gặp giữa quan chức ngoại giao Mỹ-Trung không thể hóa giải bất đồng, song vẫn tạo dư địa để hai nước tìm hiểu, tiếp tục đối thoại thời gian tới.
Ngày 25-26/7, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đã thăm Thiên Tân (Trung Quốc), nơi bà gặp gỡ các quan chức ngoại giao hàng đầu của Bắc Kinh gồm Thứ trưởng Tạ Phong và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.
Đây là lần đầu tiên hai bên ngồi lại với nhau sau cuộc gặp tại Alaska, trong bối cảnh quan hệ song phương không có dấu hiệu cải thiện. Nó cũng là chuyến công du mở màn của một quan chức ngoại giao Mỹ tới Trung Quốc từ khi ông Joe Biden lên nắm quyền.
Trước cuộc gặp, quan chức hai bên cùng tỏ rõ thái độ cứng rắn. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman khẳng định sẽ cho Bắc Kinh biết thế nào là “cạnh tranh lành mạnh”. Đáp lại, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố nước này có trách nhiệm “dạy dỗ” Mỹ cư xử bình đẳng với các nước khác. Cuộc gặp tại Thiên Tân ngày 25-26/7 đã diễn ra với tinh thần căng thẳng này.
Khác biệt lớn
Đầu tiên, cuộc họp giữa các nhà ngoại giao không mang lại kết quả cụ thể nào đáng chú ý. Điều đọng lại chỉ là những cáo buộc liên miên mà quan chức, truyền thông hai bên dành cho nhau.
Theo báo chí Trung Quốc, Thứ trưởng Ngoại giao Tạ Phong khẳng định quan hệ Mỹ-Trung bế tắc nghiêm trọng là do một số nhân vật ở Washington coi Bắc Kinh là “kẻ thù tưởng tượng”. Ông cũng chỉ trích “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ” chỉ có lợi cho Mỹ, theo đó Trung Quốc sẽ chỉ tuân thủ theo luật nếu có lợi cho nước này. Ông Tạ cũng cáo buộc Washington một mặt kêu gọi thúc đẩy hợp tác song phương, nhưng mặt khác lại đang tập hợp lực lượng để “hạ gục” Bắc Kinh.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên phát biểu, “yêu cầu Mỹ ngừng ngay việc can thiệp vào công việc nội bộ, tác động tới lợi ích quốc gia của Trung Quốc”.
Trả lời phỏng vấn AP, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman kêu gọi Bắc Kinh, thay vì chỉ nhìn vào khác biệt, có thể phối hợp với Washington trong những vấn đề chung mang tính toàn cầu như Covid-19 và biến đổi khí hậu, thực hiện “trách nhiệm toàn cầu của một cường quốc”.
Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price mô tả Trung Quốc đang cố gắng đứng ngoài luật pháp quốc tế, có hành động đi ngược giá trị chung như chính sách Tân Cương (Trung Quốc) hay từ chối hợp tác điều tra nguồn gốc virus SARS-CoV-2 gây nên dịch Covid-19.
Quan trọng hơn, trước thềm cuộc gặp, quan chức hai bên được cho là sẽ thảo luận về một cuộc gặp thượng đỉnh giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden. Tuy nhiên, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, chủ đề này đã không được thảo luận tới.
CNN nhận định rằng tuyên bố sau cuộc họp cho thấy bất đồng Mỹ-Trung từ cuộc gặp tại Alaska hồi tháng 3 chẳng những không được giải quyết, mà thậm chí còn trở nên ngày một lớn. Khác biệt trong nhiều vấn đề giữ Mỹ và Trung Quốc đang cản trở nỗ lực tìm tiếng nói chung, nhất là về nhân quyền, trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang kêu gọi Trung Quốc hợp tác điều tra nguồn gốc dịch Covid-19, còn Bắc Kinh đang hướng tới tổ chức Thế vận hội mùa Đông 2022.
Thêm vào đó, trong bối cảnh quan hệ song phương duy trì sự căng thẳng như hiện nay, triển vọng về một cuộc gặp giữa lãnh đạo Mỹ-Trung ở tương lai gần đang ít nhiều mông lung hơn.
Dư địa cho tương lai
Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu cho rằng cuộc họp giữa quan chức ngoại giao cấp cao Mỹ và Trung Quốc tại Thiên Tân không đạt được kết quả, dựa vào một số điểm sau.
Đầu tiên, cuộc gặp có thể diễn ra trong bối cảnh quan hệ song phương căng thẳng như hiện nay đã là thành công với cả hai bên. Trước khi Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman lên đường tới Thiên Tân (Trung Quốc), quan chức Washington và Bắc Kinh đã tranh cãi về chuyến thăm này.
Phía Mỹ mong muốn gặp quan chức thân tín nhất của Chủ tịch Tập Cận Bình, tuy nhiên Trung Quốc lại từ chối và chỉ đến những ngày cuối, hai bên mới nhất trí chi tiết và nội dung cuộc gặp.
Dù không có tiếng nói chung trong nhiều vấn đề, song cuộc gặp giữa bà Sherman và hai quan chức ngoại giao Trung Quốc là dịp để hai bên hiểu rõ hơn về “giới hạn đỏ” của nhau.
Theo CCTV, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đưa ra ba yêu cầu: Washington không được thách thức mô hình quản trị Bắc Kinh; Mỹ không được can thiệp vào quá trình phát triển của Trung Quốc. Đồng thời, Washington cần tránh có hành động xâm phạm chủ quyền Bắc Kinh.
Cụ thể hơn, ông Tạ Phong đề nghị Mỹ dỡ hạn chế thị thực với đảng viên đảng Cộng sản Trung Quốc và gia đình, bỏ hạn chế thị thực với sinh viên và lưu học sinh; dừng trừng phạt nhắm vào quan chức Bắc Kinh; gỡ rào cản với các viện Không tử, công ty và truyền thông Trung Quốc.
Đồng thời, quan chức này yêu cầu chính quyền Tổng thống Joe Biden rút lại yêu cầu dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu, Giám đốc tài chính của Tập đoàn Huawei từ Canada về Mỹ. Ông cũng đề nghị Washington có hành động quyết liệt hơn chống làn sóng bài người Á và người Hoa trên đất Mỹ.
Đáp lại, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman cho biết Washington cam kết cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ quyền con người, giá trị dân chủ, tăng cường trật tự quốc tế dựa trên luật pháp có lợi cho tất cả. Bà nhấn mạnh rằng ông Joe Biden không muốn xung đột với Bắc Kinh.
Theo ông Ngô Tâm Bá, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Đại học Phúc Đán, cuộc họp Mỹ-Trung tại Thiên Tân là cần thiết để hai bên hiểu ý đồ của nhau trước khi hoạch định chính sách cho giai đoạn tiếp theo của quan hệ.
Ông cho rằng cuộc họp giữa hai Thứ trưởng Mỹ-Trung là cách Trung Quốc thể hiện quan điểm và đề nghị Mỹ điều chỉnh cách nhìn về mình. Trong khi đó, buổi gặp gỡ giữa bà Wendy Sherman và ông Vương Nghị là dịp để hai bên thảo luận về quan hệ song phương giai đoạn tiếp theo.
Cuối cùng, dù còn nhiều bất đồng, song trong cuộc họp, các bên đều cố gắng giữ hòa khí để tiếp tục hội đàm. Cả hai cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của đường dây liên lạc mở và thông suốt.
Bởi lẽ, nó cho phép quan chức Mỹ và Trung Quốc tiếp tục trao đổi về những vấn đề còn tồn tại, cùng tìm kiếm giải pháp. Đặc biệt hơn, các kênh liên lạc này có thể tạo tiền đề cho các cuộc gặp gỡ tới của Ngoại trưởng, hay thậm chí lãnh đạo cấp cao song phương tại thời điểm thích hợp.
Xét cho cùng, cuộc gặp quan chức ngoại giao Mỹ-Trung tại Thiên Tân (Trung Quốc) đã cho thấy rõ khác biệt lớn giữa hai bên. Tuy nhiên, nó cũng hé mở cánh cửa để Washington và Bắc Kinh hiểu rõ giới hạn của nhau, duy trì đối thoại, kiểm soát bất đồng trong khuôn khổ vì lợi ích chung.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/duoc-va-mat-tu-cuoc-gap-my-trung-tai-thien-tan-152914.html