Dưới ánh mặt trời
Ngô là một người thích nắng, đọc sách gặp đoạn tả nắng thường đọc đi đọc lại mấy lần trước khi sang đoạn mới, tỉnh giấc thấy nắng sẽ nằm chút nữa để ngắm thêm, thi thoảng lang thang phố xá nhìn nắng mơn man trước mặt sẽ đi mê mải mà không quan tâm đích đến...
Lúc buồn khi vui, Ngô vẫn lấy nắng làm điểm tựa. Mấy lúc Sài Gòn mưa dầm, cứ ngóng hoài một cơn nắng lên.
Nắng vừa ấm vừa xóa đi bóng đêm, cũng như mỗi ban mai luôn chứa đựng niềm hy vọng tươi mới, hỏi làm sao mà không thích cho được. Cuối cùng, vì ưa nắng mà trộm nghĩ, dưới ánh mặt trời luôn có chỗ cho sự thật.
Lại trót mê thích Phùng Quán tiên sinh, thành ra mỗi khi nhắc lại cụm từ sự thật luôn cảm thấy xúc động bùi ngùi.
1. TP HCM đang ầm ĩ câu chuyện 110 biệt thư xây trái phép tại Quận 7. Quận 7, một dạo được xem như là khu thượng lưu của thành phố, nhưng rồi mùi hôi của nhà máy xử lý rác, tình trạng kẹt xe nghiêm trọng... quận 7 ngày càng xa hơn những thứ lấp lánh ban đầu.
Quy hoạch ở nước mình, thật sự là một điều gì đó vô cùng khó lý giải lẫn định nghĩa, dẫu phòng viện ban bệ đầy đủ cả. Quy hoạch đô thị hẳn là một khoa học, quy hoạch phải có chuyên môn, phải được đào tạo bài bản, phải được độc lập và tôn trọng, quy hoạch khu sinh sống cho mấy triệu người chứ có phải trẻ con chơi xếp lego đâu mà ông nào muốn chỉ đạo cũng được.
Nhất là trong bối cảnh, không hẳn cứ nắm giữ vị trí cao là có thể am tường về kiến trúc đô thị. Nhưng biết làm sao, vết hằn tư duy ở nước mình dường như đó đây trở thành quy chuẩn cứ chức cao hơn sẽ biết được vạn sự.
Trở lại câu chuyện 110 biệt thự, chuyện này đã ầm ĩ một dạo. 110 biệt thự là con số lớn, tính đơn giản mỗi biệt thự vài tỷ đồng (Ngô lấy giá trị nhỏ nhất) thì cũng đã hàng đống tiền ra đó. Vừa tiền vừa công sức vừa đất đai lại có cả quyền lợi của người mua nhà và chủ đầu tư. Nhưng rồi cuối cùng phải dừng vì có sai phạm.
Tại sao trước khi đồng ý cho xây dựng, trước khi động thổ khởi công, trước khi đổ cát, đổ xi măng lại không phát hiện ra sai phạm mà để nó sừng sững mới bảo, "Chủ đầu tư và cơ quan quản lý đều sai", ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP HCM đã kết luận như vậy.
Chủ đầu tư sai, cơ quan quản lý (tức UBND Quận 7) sai, cái sai này phối hợp với cái sai kia để hình thành nên cái sai lớn hơn. Hiểu đơn giản, đó là sự cấu kết của nhóm lợi ích. Nếu không phải là nhóm lợi ích, nếu không phải là có động cơ tư lợi, thì làm sao có chuyện 110 căn biệt thự lại mọc lên một cách hết sức tự nhiên như vậy.
Mấy đồng nghiệp đeo bám vụ việc ầm ĩ này bảo với Ngô, là vì ông Chủ tịch Quận ấy được cất nhắc làm Giám đốc Sở, nên chuyện này mới bị phanh phui. Chứ nếu ông Chủ tịch vẫn ở quận, ông Giám đốc Sở vẫn là người cũ thì đâu có chuyện gì xảy ra?
Thực hư chưa rõ nhưng chúng ta vẫn được chứng kiến những câu chuyện hết sức đau lòng thế này: Đó là khi phải chờ một vị nào đó về hưu, một vị nào đó trả áo mão cân đai ô sa kim bài, thì những sai phạm mới dần lộ diện. Mới thấy pháp luật trong tay của một vài người hệt như cân đường hộp sữa, toàn béo toàn ngọt, muốn thẳng là thẳng muốn cong là cong, muốn mềm mại là mềm mại, muốn cứng rắn là cứng rắn.
Mấy bữa trước, ông Chủ tịch UBND TP. HCM từng than thở, thành phố thiếu cấp phó quá. Một mình ông Chủ tịch phải làm bao nhiêu chuyện, họp hành chỉ đạo liên miên.
Ông Chủ tịch than thì được đáp ứng, thành phố có thêm mấy cấp phó nữa. Trong đó, có ông Võ Văn Hoan - người vừa phát ngôn chủ đầu tư và cơ quan quản lý đều sai trong vụ 110 biệt thự trái phép.
Ông Võ Văn Hoan trước khi phát ngôn câu này, từng có một phát ngôn "ấn tượng" hơn mặc dù rất trớt quớt, "Ngập là một đặc điểm rất tự nhiên của thành phố".
Rồi ông Hoan còn dẫn nhạc của Trịnh Công Sơn: "Em còn nhớ hay em đã quên/ Trong lòng phố mưa đêm trói chân/ Dưới hiên nhà, nước dâng tràn/ Phố bỗng là dòng sông uốn quanh"...
Thành phố không thể hết ngập dẫu có ném thêm nghìn tỷ vạn tỷ vào công tác chống ngập, khi mà những khu thoát nước tự nhiên đã nhường chỗ cho chung cư, khi mà tốc độ bê-tông hóa luôn được đẩy nhanh tiến độ hệt vận động viên điền kinh tung cú nước rút trước đích đến, khi những kênh rạch bị thu hẹp để nhường chỗ cho hạ tầng... Tuy nhiên, người làm vị trí lãnh đạo thành phố không thể nào tếu táo kiểu đó được.
Thị dân đã quá khổ ải với nước ngập, với sự sợ hãi trước những cơn mưa, với giữa đô thị sầm uất nhất nước thi thoảng xuất hiện một chiếc xuồng mong manh giữa tứ bề nước lớn.
Không chỉ có TP HCM tồn tại 110 biệt thự trái phép, còn rất nhiều những trái phép kiêu hãnh mọc lên ở nơi này nơi khác.
Ngay như Thủ đô Hà Nội, trung tâm chính trị của cả nước, một 8B Lê Trực vẫn ngày này qua tháng kia thách thức tất cả, thách thức từ phát ngôn của lãnh đạo Thủ đô cho đến thách thức tính nghiêm minh của pháp luật. Nhưng rồi đến hẹn lại lên, đến kỳ tiếp xúc cử tri hay hội họp lại nói rất nhiều về nó, nói rất mạnh về nó...
Xử lý những việc này có khó không, cũng khó mà cũng không khó. Xác định trách nhiệm của cá nhân trong hệ thống được phân công công tác quản lý cấp phép xây dựng, lỗi đến đâu phạt đến đó, phát hiện có tham nhũng tư túi thì kết luận khởi tố.
Xử lý ông này xong thì doanh nghiệp tiền có cao như núi, quan hệ có rộng như biển cũng thót người lại thôi. Giờ không tự tháo dỡ phần vi phạm thì chính quyền sẽ lập đoàn tháo dỡ, chi phí tháo dỡ tính vào tiền phạt vì doanh nghiệp vi phạm. Có vậy là xong thôi mà.
Chứ ông kia vẫn ngồi đó, thì doanh nghiệp có việc gì phải sợ. Chuyện ông này ông kia gật đầu không cần văn bản đồng ý cho doanh nghiệp thực hiện bất chấp pháp luật đâu phải chưa từng xảy ra, đến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng từng phản ứng, "Có ông 14-15 sân sau, đừng nói Thủ tướng không biết".
2. Nhìn những sự vụ tại các thành phố, tại những địa phương... mới thương Trung ương, mới thương những nỗ lực không mệt mỏi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Về quan hệ thì có lẽ không ai quan hệ rộng hơn người đứng đầu Đảng, đứng đầu Nhà nước, nhưng đúng là đúng, sai là sai, chuyện vi phạm pháp luật nhất định phải xử lý. Phải làm rốt ráo thì dân mới tin, phải làm đến cùng thì mới có một xã hội thượng tôn pháp luật, thì pháp luật mới dành cho tất cả mọi người chứ không phải pháp luật trở nên xa lạ với một nhóm người.
Người đứng đầu gương mẫu vậy, tại sao những cấp nhỏ hơn lại không thể gương mẫu, câu hỏi này thật quá đỗi xót xa.
Ngay như vụ việc của ông Đoàn Ngọc Hải - Nguyên Phó Chủ tịch Quận 1, TP HCM. Ông Hải một dạo là người hùng của thành phố khi hạ quyết tâm chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm lòng lề đường. Ông Hải đi trước, báo giới theo sau, hết đập công trình lấn chiếm vỉa hè rồi đến cẩu xe vi phạm. Rồi ông Hải từ chức, rồi ông Hải làm đơn xin ở lại. Rồi lãnh đạo thành phố điều động ông giữ vị trí khác, ông lại làm đơn xin nghỉ.
Ông làm đơn xin nghỉ thành phố để đó chưa duyệt, Đại biểu Quốc hội của TP HCM phê bình ông Hải thế này thế kia. Đại biểu Quốc hội của tỉnh khác thì lại khen ông Hải thế kia thế này. Trời ạ, Ngô đọc chính sử xưa kia, có chép về kiêu binh về sứ quân, lẽ đâu chuyện tưởng đã cũ lại lững thững tìm về nay hay sao?
Nhưng bấy nhiêu vẫn chưa phải là cao trào, cao trào chính là khi ông Bí thư Thành ủy TP HCM tiếp xúc với cử tri đã chốt hạ, "Trong công tác quản lý xây dựng trên địa bàn quận 1 giai đoạn 2016-2018 (thời điểm ông Hải làm Phó chủ tịch UBND quận 1, phụ trách lĩnh vực xây dựng) cũng xảy nhiều sai phạm.
Cụ thể, ông Hải đã ký các giấy phép xây dựng vượt thẩm quyền, tăng mật độ xây dựng không đúng quy định". Tất nhiên sai phạm này có trách nhiệm của cán bộ phòng tham mưu và vừa qua một số cán bộ cũng đã bị xử lý trách nhiệm. Tuy nhiên là phó chủ tịch phụ trách lĩnh vực, anh Hải cũng phải chịu trách nhiệm về những sai phạm này"", ông Bí thư Thành ủy TP HCM nói vậy.
Nếu ông Đoàn Ngọc Hải vi phạm, vậy tại sao không tổ chức họp hành xem xét mức độ vi phạm đến đâu, cần xử lý về mặt Đảng ra sao, xử lý về mặt chính quyền tương đương ra sao. Chứ người đứng đầu thành phố lại thản nhiên nói ông Hải vi phạm rồi cũng chính lãnh đạo thành phố lại muốn điều chuyển ông Hải về một vị trí lãnh đạo đơn vị khác thì hơi lạ.
Có phải chính vì công tác cán bộ như vậy nên mới có chuyện 110 biệt thự xây dựng trái phép hiện hữu hay không? Dĩ nhiên, câu trả lời sẽ là không bởi có ai thừa nhận điều mình làm sai cho đến khi có kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương hoặc Thanh tra Chính phủ.
Có điều, dưới ánh sáng của mặt trời, sự thật chỉ tạm thời bị che đậy chứ tuyệt nhiên không thể nào bị thủ tiêu.
Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/nhan-dam/duoi-anh-mat-troi-551421/