Dưới bom B52 ngày ấy

Tháng 12-1972, B52 rải thảm bom xuống Đông Anh, Yên Viên, xuống phố Khâm Thiên, đánh sập ga Hàng Cỏ. Đêm nào đất trời Hà Nội cũng chao đảo, rung lên bần bật. Chớp đỏ, chớp xanh lòe sáng đầy trời. Mảnh bom đạn rơi rào rào như mưa đá trên mái nhà. Đạn ta bắn lên. 'Rồng lửa' ta bay lên. Máy bay B52 bị xé xác cháy rực như những đống lửa trên bầu trời đêm.

Xác B52 bị bắn hạ trên bầu trời Hà Nội.

Hoa trở dạ, Phúc, Thành, Hạnh, bạn công nhân cùng xóm; ông bà lang Du ở cạnh nhà bế Hoa lên cáng. Ông lang Du cởi vội chiếc áo bông đang mặc ra trải rộng lót mặt cáng. Bà lang Du chạy về nhà, vơ chiếc mền đắp lên người Hoa, Hạnh ôm chiếu trải lót sàn hầm. Trải xong, cô chạy tắt lối xóm đến trường làng Yên. Cô gọi chị hộ sinh của trạm xá mới sơ tán về đó.

Hoa trằn trọc, đau đớn, kêu khóc trong tiếng bom rung. Bạn chưa ai "qua con vượt cạn". Phúc, Thành khóc nấc lên, thương Hoa lắm. Giá như cái gánh nặng thì mỗi đứa ghé vào chung vai san sẻ cho nó. Đằng này lại chưa ai từng trải... Hạnh đứng lặng cắn chặt vành môi. Cô đã từng nghe các cụ nói "đau đẻ, ngứa ghẻ, đòn ghen" là ghê gớm lắm. Nhưng đã qua cái đận ấy đâu mà biết. May quá, có bà Du, trăm sự nhờ bà. Hoa vỡ ối. Nước ướt đẫm cả sàn hầm bé nhỏ.

Tay bà Du cầm tấm mền thấm khô nước, mắt bà nhìn Hoa với vẻ ái ngại. Bà vừa thương vừa lo cho Hoa. "Con so. Vỡ ối trước. Đẻ khan là khó khăn lắm đấy. Nhiều ca không vượt nổi...". Bà nói như dỗ dành Hoa. "Cháu ơi. Gắng lên tý nữa. Thở đều. Cơn đau thì nín hơi lại, cháu nhé. Đừng kêu la mà mất sức...".

Tiếng bom dậy đất. Hầm kèo chữ A rung rinh. Đất rơi lả tả. Hạnh vội lấy tấm vải nhựa màu xanh căng che trần hầm. Đèn hoa kỳ vặn nhỏ ngọn, ánh sáng lung lay. Trong hầm, một màu sáng vàng xanh mờ ảo, ốm yếu. Cái rét tháng Chạp buốt đến xương. Gió mùa hun hút. Mưa dầm. Trong hầm kín ẩm, hôi hám. Thế nhưng lúc này, sự sống cái chết chỉ cách nhau nháy mắt, lại chứng kiến cảnh Hoa đau đớn như thế này, không ai còn thấy lạnh lẽo nữa. Cháu bé ra đời. Nó thiếu tháng. Èo ọt. Nhợt nhạt. Bà Du đặt nó lọt thỏm trong hai lòng bàn tay. Bà nâng lên trong tiếng thở phào nhẹ nhõm. Bà nói to như reo lên: "Thằng cu. Thằng cu". Bà vỗ nhẹ vào lưng nó vài cái. Đứa bé cất tiếng khóc oe oe chào đời. Tiếng khóc của trẻ sơ sinh lúc ấy như át tiếng bom B52 rung đất trời Hà Nội.

Bên ngoài, tiếng loa vẫn giục người xuống hầm trú ẩn. Chị hộ sinh đội mũ rơm chạy len lỏi băng vườn. Đến nơi, chị sờ bên hông thì túi đồ nghề đã rơi lúc chị bị ngã. Không có dao để cắt rốn cho cháu bé. Phúc lao vào nhà bấm đèn pin. Mặt gương đèn đã được che kín. Ánh sáng lọt ra chỉ bằng đồng xu. Cô loay hoay mới vớ được con dao tỉa hoa. Thành tìm phích nước nóng để rửa dao. Nhưng phích đã vỡ. Bí quá, ông lang Du đội mũ rơm ngồi ở cửa hầm lau con dao vào áo.

Rồi Phúc cầm lấy, đưa lưỡi dao lên miệng ngậm một lát. Cô nghĩ rằng, nước bọt cũng có thể làm sạch được lưỡi dao hoặc ít ra cũng diệt bớt vi trùng. Chị hộ sinh cởi chiếc áo đang mặc lau cho cháu bé. Chị gọi Hạnh đến. Chị chỉ tay vào ngực Hạnh. Hạnh ngơ ngác. Chị nói: "Cô cởi xu - chiêng ra đưa cho tôi!" Hạnh vẫn không hiểu. "Nhanh lên. Để quấn thêm vào giữ chặt rốn cho nó". Đôi mắt cháu bé ti hí. Nó nhìn ánh đèn...

Chớp lửa lại lóe đỏ liên hồi. Trời đêm sáng rực. Một thứ ánh sáng chấp chới, ma quái. Ba loạt bom nối nhau nổ rền ở phía Nam thành phố. Hầm kèo lại rung lên chao đảo như võng đưa. Hạnh ngồi quay lưng ra che cửa hầm. Loa phòng không của thành phố nói đứt quãng: "Đồng bào chú ý. Máy bay B52 đã rải bom hủy diệt Bệnh viện Bạch Mai và vùng phụ cận. Lực lượng Phòng không và Không quân ta đang đánh trả quyết liệt. Đồng bào bình tĩnh xuống hầm trú ẩn...".

Đêm ba mươi tháng mười hai, một đêm yên ả, tĩnh mịch đến lạ lùng. Sự tĩnh mịch làm cho giá lạnh như đẫm hơn. Tiếng khóc của cháu bé nghe như to hơn, vang hơn. Tiếng bom đạn đã im bặt.

Buổi sáng, Hoa bế con lên cửa hầm. Ánh nắng mùa đông hanh vàng nhưng Hoa cảm thấy chói chang lắm, lóa mắt. Lúc ấy, Hoa mới nhìn rõ mặt con. Ôi, đứa con trai của mẹ. Mẹ đã chịu trăm cơ nghìn cực. Mẹ đã đổi cả cuộc đời của mẹ để có con. Hoa ngắm nhìn con. Hoa nhìn từ cái trán, đôi mắt, cái mũi bé tí xíu, cái mồm chúm chím của con. Bỗng, cô ngửng lên nhìn mơ hồ về phía xa xa... Cái linh cảm trời phú cho chỉ có người mẹ mới có, chỉ có người mẹ mới biết đã thức dậy trong cô. Cô đã nhận ra đứa con bé bỏng của cô mang bóng dáng người cha đang ở trong chiến trường.

Buổi sáng ấy, bầu trời xanh ngắt. Không khí lạnh giá nhưng trong suốt. Ai cũng hít thở cho đầy lồng ngực, bõ những ngày nằm trong hầm ẩm tối và đầy lo âu. Lúc đó, người cả thành phố lũ lượt đổ về làng Ngọc. Người đông nghìn nghịt. Họ đứng vây quanh cái ao trước đền thờ ông "Tiến sĩ Thành hoàng làng". Nơi đó, máy bay B52 đã đâm đầu xuống chìm nghỉm trong bùn đen. Tiếng reo vui mừng chiến thắng vang dậy. Những luống hoa hồng, hoa thược dược trong các vườn làng Ngọc gần vào Tết, nửa tháng nay không có người chăm tưới thế mà vẫn đơm nụ, xanh chồi...

Tự vệ Hà Nội bảo vệ bầu trời Thủ đô. Ảnh: T.L

Nghỉ với con hơn tháng thì Hoa đạp xe đi làm. Thời đó, các bà mẹ sinh con chỉ được nghỉ hai tháng cả trước và sau khi sinh. Lương công nhân của Hoa chỉ vẻn vẹn 36 đồng. Phúc làm ở Nhà máy Cao su, lương có cao hơn chút đỉnh cũng chỉ 45 đồng. Hoa, Phúc và Hạnh thường đạp xe đi làm với nhau vì ba nhà máy cùng ở khu Cao - Xà - Lá. Phúc ái ngại cho cuộc sống của mẹ con Hoa. Con còn nhỏ, chồng đang trong chiến trường. Cái xe đạp hỏng cũng không đủ tiền để sửa. Đôi pê-đan hư đã rời rụng cao su. Hai cái lõi mòn nhọn như dùi cũng phải để chân lên mà đạp.

Mỗi lần đạp xe đi làm với nhau, Hoa, Phúc và Hạnh cứ quanh quẩn bàn thảo chuyện chi tiêu. Hạnh nhờ Phúc xếp hàng đặt sổ mua gạo. Hoa hỏi Hạnh cắt ô nào trong bìa gia đình thì được mua thêm cá biển; cửa hàng dầu nào vắng để lúc tan ca vào xếp hàng mua... Có bữa Hoa nhờ Phúc bán tem phiếu cả tháng đi mới lo được cho con thêm lạng đường trắng, lạng thịt thăn.

Được cái Phúc thểu thảo. Bạn nhờ gì, cô cũng sẵn sàng giúp. Chuyện gì cô cũng tếu, cũng ví von thành vần vè gây cười được. Hết vốn, Phúc bịa ra nghe cứ như thật. Nói về tiền lương, Phúc vận vào bậc lương của mình, của Hoa và các thang bậc lương ngày ấy rồi tếu táo: "Hai trăm thì phán, trăm tám thì nghe, tranh đài tranh xe là ông trăm rưởi, tất ta tất tưởi là chú chín mươi, dở khóc dở cười là chàng sáu chục, trong nhà lục đục là chị bốn lăm, túng thiếu quanh năm là cô ba sáu, canh suông mì cháo các cháu hăm hai, làm nhiều ít nhai là xã viên nông nghiệp...".

Ba cô cùng giòn tan, ngặt nghẽo. Cái túi xách bằng vải bạt đựng cặp lồng mì luộc với cái lược chải đầu treo lủng lẳng ở ghi đông như cũng vui lây, gõ nhịp. Và lần nào cũng vậy, cứ sau chuỗi cười giòn như thế, Phúc lại có câu kết ra điều triết lý "Thời chiến mà, chúng mày. Dưới bom B52, ta còn sống thì "đếch" có cái gì làm ta chết được!".

Trần Hữu Tòng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/duoi-bom-b52-ngay-ay/