Dưới bóng nhà dài…

Nơi miền sơn cước tỉnh Quảng Trị bây giờ chẳng còn nhiều những căn nhà dài truyền thống của người Pa Kô. Lạc vào những căn nhà dài hiếm hoi còn lưu giữ được giữa đại ngàn ấy, tôi như lạc vào một miền cổ tích xa xôi…

 Căn nhà dài của mẹ Hồ Thị Pên ở bản Cu Tài 1, xã A Bung còn khá nguyên vẹn và chắc chắn

Căn nhà dài của mẹ Hồ Thị Pên ở bản Cu Tài 1, xã A Bung còn khá nguyên vẹn và chắc chắn

Những người muôn năm cũ

Nhà dài truyền thống của người Pa Kô có từ lâu đời và phổ biến trong cộng đồng. Tuy vậy, trải qua sự tàn phá của chiến tranh, thăng trầm thời gian và cuộc sống đổi thay nên phần lớn những ngôi nhà dài đã bị phá hủy, mai một dần. Hòa bình lập lại, gia đình mẹ Hồ Thị Pên (95 tuổi) ở thôn Cu Tài 1, xã A Bung, huyện Đakrông thuê thợ dựng nhà dài sau khi đã tích trữ được lượng gỗ cần thiết. “Hồi ấy nhà mẹ thuộc hàng khá giả ở trong vùng, lại đông con cháu nên phải làm nhà dài để ở cùng nhau. Sau gần 2 năm ròng rã thì ngôi nhà dài cũng hoàn thành”, mẹ Pên kể. Theo mẹ Pên, hồi mới dựng căn nhà chỉ có 5 gian, là nơi sinh sống của gia đình mẹ và 4 gia đình anh chị em ruột thịt bên chồng mẹ. “Sau này nhà cứ nối dài ra thêm, đến tận 8 gian nhà và dài hơn 50 m như hiện nay. Từ năm 2000 trở về trước, nhà luôn đông người, vui lắm vì toàn thể con, cháu, chắt đều ở chung. Nhưng chục năm trở lại đây, cuộc sống thay đổi nhiều, con cháu đã ra ngoài dựng nhà riêng để ở, dần dần nhà dài cũng trở nên cô quạnh hơn”, mẹ Pên nói giọng trầm buồn.

 Căn nhà dài của ông Côn Liễu ở bản Ty Nê, xã A Bung, huyện Đakrông

Căn nhà dài của ông Côn Liễu ở bản Ty Nê, xã A Bung, huyện Đakrông

Bây giờ trong căn nhà dài bề thế của mẹ Pên đang hiện diện giữa mỏm đất cao bằng phẳng của bản Cu Tài 1 hầu hết chỉ còn những thế hệ lớn tuổi. Ngoài mẹ Pên thì hiện tại còn có người con dâu của mẹ là bà Hồ Thị Đẹp (hơn 80 tuổi); vợ chồng bà Hồ Thị Hóp (79 tuổi), em gái mẹ Pên... Theo anh Hồ Khun (32 tuổi), cháu ruột mẹ Pên ở cùng bản Cu Tài 1 kể thì anh hầu như hiếm thấy những người già trong căn nhà dài bước ra khỏi bản làng mình. Phần lớn thời gian của cuộc đời họ sống thầm lặng, ẩn mình trong căn nhà dài đã nhuốm màu thời gian và chứng kiến cuộc sống đổi thay qua khung cửa sổ. “Từ nhỏ đến giờ mình chỉ thấy đôi lần bà Pên và những người thân sống trong căn nhà dài bước ra khỏi bản. Đó những lần có việc trọng đại của dòng họ, của bản làng thì các bà, các dì mới mặc đồ đẹp đến dự, còn ngày này qua tháng khác hầu như chỉ quanh quẩn quanh nếp nhà xưa cũ này”, anh Khun kể. Ngồi lặng yên trong gian bếp bám đầy bồ hóng tối tăm trong căn nhà dài, bà Pên cùng em gái, con dâu quây quần bên bếp lửa lặng lẽ nướng những chiếc bắp ngô và rủ rỉ kể những câu chuyện xa xăm. Cuộc sống của họ cứ bình lặng trôi qua như thế, hết ngày này qua tháng khác, như căn nhà dài xưa cũ này là một thế giới riêng...

Nhà dài còn bao lâu?

Phó Chủ tịch UBND xã A Bung Hồ Văn Hiền tỏ ra trăn trở khi chúng tôi đề cập đến chuyện cần thiết phải bảo tồn những căn nhà dài hiếm hoi còn lại ở địa phương. Anh Hiền cho hay, hiện ở A Bung ngoài căn nhà dài của mẹ Pên ở bản Cu Tài 1 thì còn có căn nhà dài còn giữ được tương đối nguyên vẹn của ông Côn Liễu ở bản Ty Nê. “Hồi xưa nhà dài truyền thống của người Pa Kô ở xã mình nhiều lắm, nhà giàu thì làm nhà dài bề thế, khang trang bằng gỗ quý, kha khá thì cũng có căn nhà dài kiên cố. Tất cả những căn nhà dài này đều là nơi sinh sống của các đại gia đình nhiều thế hệ, có những căn nhà cả dòng họ ở cùng với nhau. Tuy vậy, theo xu hướng hiện đại, những căn nhà dài dần biến mất để thay bằng những căn nhà sàn nhỏ hoặc nhà xây. Quả thật để giữ gìn được những căn nhà dài quý giá này là điều không phải đơn giản, đặc biệt là về kinh phí và chính sách. Chúng tôi cũng lo lắng những căn nhà dài hiếm hoi còn lại ở địa phương không biết sẽ tồn tại được bao lâu nữa”, anh Hiền băn khoăn.

Căn nhà dài nguyên vẹn của mẹ Pên với khối lượng gỗ quý dựng nên lên đến cả trăm khối nên nhiều năm qua có rất nhiều lái gỗ, dân săn nhà cổ tìm đến gạ mua bán, đổi chác. Mẹ Pên cho hay, không biết đã bao nhiêu lần có người hỏi mua nhà với giá cao, rồi gạ đổi bằng căn nhà xây lớn bằng bê tông nhưng mẹ một mực từ chối. “Hầu hết thế hệ của mẹ sống trong căn nhà này hiện đã lớn tuổi, gần đất xa trời. Mẹ và các thành viên sống ở đây đều xem căn nhà dài này là báu vật để trao truyền lại cho con cháu. Tuy vậy mẹ cũng lo lắng không biết sau này con cháu có giữ gìn được căn nhà này hay không trước sức cám dỗ của vật chất, đồng tiền... Mẹ ước nguyện ngôi nhà này sẽ được bảo tồn mãi, để cháu con luôn nhớ về mái ấm truyền thống của tổ tiên”, mẹ Pên thở dài.

 Chủ nhân lớn tuổi của những căn nhà dài ít ỏi sót lại tại xã A Bung luôn đau đáu về số phận của nhà dài

Chủ nhân lớn tuổi của những căn nhà dài ít ỏi sót lại tại xã A Bung luôn đau đáu về số phận của nhà dài

Cùng chung tâm trạng, ông Côn Liễu với mái tóc đã bạc trắng cũng trầm ngâm nhìn ngắm căn nhà suốt đời mình gìn giữ. “Căn nhà thì vẫn nằm đó. Với bố nó hết sức quý giá, không chỉ vì nó là căn nhà cả đời gắn bó, mà nó còn chứa đựng linh hồn của quá khứ, của biết bao thế hệ đã đồng cam cộng khổ vượt qua khó khăn, dựng xây cuộc sống như bây giờ. Thế hệ của bố chắc chắn sẽ giữ gìn và cũng khuyên răn con cháu dù có khó mấy cũng cố giữ lại. Nhưng bố cũng không chắc chắn đến khi bố khuất núi, nhà dài sẽ về đâu...”, Côn Liễu giọng buồn buồn. Những căn nhà dài ở A Bung làm từ xa xưa nên chủ yếu làm bằng các loại gỗ quý như gõ, lim, lát hoa, hương, cẩm lai... sàn nhà được làm bằng những tấm đan tre nứa, phần mái lợp bằng tranh. Tuy vậy, trải qua thời gian dài, phần mái làm bằng tranh dễ bị mục nát nên các gia đình hiện nay thay thế bằng tấm lợp tôn phi- bờ- rô xi măng. Căn nhà có kết cấu chia làm 2 phần rõ ràng: Gian khách đặt ở vị trí trung tâm ngôi nhà là nơi tiếp khách và tổ chức các nghi lễ hằng năm của gia chủ, đồng thời là nơi sinh hoạt chung của mọi thành viên trong nhà. Gian thứ 2 gọi là gian ốc dùng để ở, gồm nhiều buồng nhỏ xếp theo thứ tự cấp bậc, trong đó giáp gian khách là của vợ chồng chủ nhà, sau đó là của vợ chồng các thành viên con cháu trong dòng họ. Ngoài bếp lửa chính đặt ở gian khách, thì trong tất cả các gian ốc đều có một bếp lửa riêng để tiện cho sinh hoạt của mỗi hộ gia đình.

Hai căn nhà dài truyền thống của mẹ Hồ Thị Pên và Côn Liễu vẫn hiện diện ở xã A Bung như minh chứng cho sự nỗ lực gìn giữ của các gia đình tâm huyết. Nhưng liệu những nếp nhà xưa cũ quý giá này sẽ tồn tại đến bao giờ giữa cuộc sống đổi thay chóng mặt và những cám dỗ của vật chất, đồng tiền. Đặc biệt là khi những chủ nhân cận kề trăm năm tuổi luôn đau đáu với số phận, tương lai của nhà dài lần lượt “về bên kia núi”…

Đức Việt

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=77&modid=412&itemid=140126