Theo người dân ở xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, nghề làm muối tại địa phương này có từ những năm 60 của thế kỷ trước, tập trung ở làng Phú Lộc.
Ban đầu, diện tích không đáng kể và chỉ có một số hộ gia đình trong thôn làm muối với quy mô nhỏ lẻ. Sau đó, người dân mạnh dạn mở rộng diện tích sản xuất, không chỉ phục vụ nhu cầu trong huyện Quảng Trạch mà dần mở rộng thị trường ra cả tỉnh.
Với nghề muối ở Quảng Phú, diêm dân thay vì dùng nước biển làm muối như những địa phương khác, người dân sẽ dùng nước từ cửa sông Loan (con sông bắt nguồn từ dãy Hoành Sơn đổ ra biển), vì vậy hạt muối Quảng Phú chứa nhiều khoáng chất, độ mặn vừa phải, không có vị chát.
Quảng Phú có cánh đồng muối diện tích khoảng 72ha với trên 260 hộ dân sản xuất, sản lượng mỗi năm ước tính đạt khoảng 5.000 - 7.000 tấn.
Công việc vất vả là vậy, nhưng vì đã quen và nghề cũng đem lại nguồn thu nhập chính cho gia đình, nên chưa khi nào diêm dân nghĩ đến chuyện sẽ bỏ nghề.
Ông Phạm Ngọc Chính, SN 1969, thôn Phú Lộc, chia sẻ: "Để làm ra được một mẻ muối phải trải qua nhiều công đoạn vất vả và tốn công sức. Bắt đầu từ việc chuẩn bị ruộng, đầm đất, lấy nước mặn vào ruộng, phơi cát, ngâm cát, cho đến lắng lọc nước rồi múc đưa lên ô nại phơi. Đến chiều, nước biển bốc hơi để lại những hạt muối tinh khiết trên nền bê tông, người dân sẽ dùng các dụng cụ tự chế để thu hoạch muối rồi chở về nhà kho".
"Năm nay nắng nóng kéo dài, dự kiến sản lượng muối tăng cao hơn so với năm ngoái. Với giá muối gần 2.000 đồng/kg, nhiều hộ làm muối có thu nhập từ 1 - 2 triệu đồng/ngày. Đặc biệt, bà con diêm dân đã tận dụng hết diện tích đất để làm muối chứ không bỏ hoang như trước", ông Nguyễn Ngọc Minh, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú, cho biết.
Được biết, chính quyền địa phương đã và đang nỗ lực kiến thiết lại ngành nông nghiệp, đặc biệt là nghề muối, góp phần xây dựng thương hiệu muối Phú Lộc, chất lượng muối và tạo thu nhập ổn định, lâu dài cho người dân.
Ngô Thị Huyền