Dưới chân đèo Hoa

ĐBP - Như một cơ duyên, những ngày tháng 3, khi những bông ban trắng tinh khôi bung nở khắp núi rừng, chúng tôi có dịp về với bà con người Khơ Mú, bản Bó Lếch, xã Mùn Chung (huyện Tuần Giáo). Trở lại lần này, nỗi day dứt về cuộc sống lam lũ, khổ cực, lay lắt trong vòng luẩn quẩn của đói nghèo, những mái nhà tranh, vách đất lụp xụp đã lùi vào dĩ vãng. Bằng ý chí và khát khao dựng xây, cộng đồng người Khơ Mú nơi đây đã đồng tâm vươn lên, vượt qua gian nan, thách thức để vun đắp cuộc sống mới no ấm, đủ đầy hơn.

Trưởng bản Lò Văn Tun sử dụng máy chế biến thức ăn cho gia súc, gia cầm.

Những ai đã từng đi dọc quốc lộ 6 (Tuần Giáo - TX. Mường Lay), có dịp nán lại khu vực đèo Hoa... chắc hẳn vẫn còn lưu giữ hình ảnh về bản người Khơ Mú nằm ven quốc lộ lay lắt trong cảnh đói nghèo; những đứa trẻ chân trần, gầy guộc, cơm không đủ no, áo không đủ mặc. Những ngôi nhà tranh tre, nứa lá mục nát, có những hộ phải chịu cảnh “màn trời chiếu đất”.

Hoài niệm chuyện xưa, chúng tôi cùng Trưởng bản Bó Lếch Lò Văn Tun ghé thăm gia đình cụ Lò Văn Bun (70 tuổi). Dù tóc đã bạc trắng nhưng cụ Bun vẫn còn nhớ như in những tháng ngày gian khó, cơ cực của người dân. Cụ Bun bảo: “Vốn là tộc người chỉ quen sống với núi rừng, cuộc sống khốn khó, du canh du cư, đốt nương sản xuất trở thành phương thức sinh tồn của cả cộng đồng người Khơ Mú nơi đây. Con đường di chuyển tìm nơi ở và sản xuất mới diễn ra liên tục và ròng rã qua hàng chục năm, khiến người Khơ Mú chẳng thể nhớ nổi những nơi mình đi qua, những nơi mình đã sống”. Vào những năm 1970 của thế kỷ trước cuộc sống của người Khơ Mú gian khó lắm! Có đất mà không biết cày bừa, có đồng cỏ rộng mà không biết chăn nuôi. Kinh tế của bà con chỉ dựa vào thiên nhiên là chính, săn bắt hái lượm trên rừng; dịch bệnh, mất mùa xảy ra thường xuyên khiến đói nghèo bủa vây.

Nhấp ngụm trà, Trưởng bản Lò Văn Tun tiếp lời: Bằng nhiều chính sách quan tâm, hỗ trợ của Ðảng và Nhà nước, đồng bào Khơ Mú đã về định cư tập trung, ổn định tại 2 bản: Ta Lếch và Bó Lếch, xã Mùn Chung (huyện Tuần Giáo). Bản Bó Lếch được tách ra từ bản Ta Lếch năm 2000 với 65 hộ. Khi ấy, cứ độ “tháng ba ngày tám” là từng đoàn người vào rừng tìm củ mài, rồi lấy củi gùi xuống chợ bán đổi gạo sống qua ngày. Sản xuất manh mún, canh tác lạc hậu, nhỏ lẻ, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm khiến tỷ lệ hộ nghèo của bản chiếm gần 100%; hơn 40% người dân mù chữ.

Qua rồi một thời gian khó. Ðể người Khơ Mú ổn canh, ổn cư, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh đầu tư hệ thống kênh mương thủy lợi; làm đường bê tông, đưa điện về bản, hỗ trợ cây, con giống, nông cụ sản xuất... Hiện Bó Lếch có 2 công trình thủy lợi, 2km tuyến kênh mương phục vụ tưới tiêu cho gần 10ha lúa 2 vụ. Từ năm 2017 tới nay, người dân đã được hỗ trợ 6 con bò cho 12 hộ nghèo; 21 máy phay, 8 máy xay xát; hỗ trợ trồng rừng sản xuất, khoanh nuôi bảo vệ rừng... Ðặc biệt, từ chỗ sinh sống dựa vào thiên nhiên, phá rừng để mưu sinh thì nay cộng đồng người Khơ Mú bản Bó Lếch đã đoàn kết, chung tay bảo vệ 182,226ha rừng; mỗi năm được chi trả hơn 70 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng.

Với tư duy mới trong làm ăn, cơ giới hóa nông nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất... cuộc sống của người dân nơi đây như bước sang trang mới no ấm, đủ đầy hơn. Diện mạo nông thôn mới ngày càng khởi sắc, nhiều ngôi nhà sàn mái ngói đỏ tươi đã mọc lên khắp bản, nhất là tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 48/102 hộ, số hộ khá chiếm hơn 20%; trên 90% hộ mua sắm được ti vi, xe máy, máy xay xát... Ðặc biệt, trong bản đã xuất hiện nhiều gương điển hình trong phát triển kinh tế, xây dựng gia đình văn hóa. Tiêu biểu như hộ chị Quàng Thị Huy, nhờ chăm chỉ làm ăn, phát triển mô hình VAC, bán hàng tạp hóa, sửa chữa xe máy... đã mang lại nguồn thu nhập từ 100 - 120 triệu đồng/năm. Chị Quàng Thị Huy phấn khởi nói: Tận dụng lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng, gia đình tôi đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư xây dựng chuồng trại, đào ao thả cá... Với kinh nghiệm tích lũy được qua từng năm, ứng dụng kỹ thuật vào chăm sóc nên đàn vật nuôi phát triển tốt với 10 con trâu, bò; gần 500m2 ao cá. Từ số tiền tích góp, gia đình tôi tiếp tục đầu tư thêm cửa hàng tạp hóa, chồng tôi sửa chữa xe máy phục vụ người dân trong bản và vùng lân cận.

Không chỉ giỏi lao động sản xuất mà hiện nay người Khơ Mú bản Bó Lếch đã tích cực học tâp, tham gia các lớp học nghề, tìm kiếm việc làm, tăng thu nhập ở các khu công nghiệp, khu chế xuất trong và ngoài tỉnh (hiện toàn bản có gần 20 lao động đang làm việc ngoài tỉnh, thu nhập từ 6 - 8 triệu đồng/người/tháng). Mỗi năm từ số tiền lao động gửi về đã góp phần giúp người dân cải thiện đời sống, vươn lên phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo bền vững.

Có thể khẳng định, vượt qua những cách trở, khó khăn, Bó Lếch giờ đây đang dần “thay da đổi thịt”, khoác lên mình tấm áo mới. Từ tỷ lệ thất học cao, đến nay 100% trẻ em trong độ tuổi được đến trường. Nỗi lo cơm gạo dần qua đi, người dân ở Bó Lếch đã chú trọng hơn việc khôi phục nét đẹp văn hóa truyền thống (trang phục truyền thống và các loại nhạc cụ của dân tộc Khơ Mú). Ðặc biệt, trong các buổi sinh hoạt bản, các già làng truyền cho các thế hệ con cháu những bài hát, điệu múa truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc mình.

Chia tay Bó Lếch cùng với cộng đồng người Khơ Mú dưới chân đèo Hoa, tôi nhớ đến lời khẳng định của Trưởng bản Lò Văn Tun: Dù phía trước còn nhiều khó khăn nhưng người Khơ Mú chúng tôi sẽ luôn sát cánh cùng nhau xây dựng cuộc sống ấm no. Từ đó góp phần cùng với Ðảng bộ, chính quyền xã đẩy nhanh chương trình xóa đói giảm nghèo, hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.

Sầm Phúc

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/185793/duoi-chan-deo-hoa