'Dưới có vững, trên mới bền, chắc' (Tiếp theo và hết)

Người Việt Nam có câu 'sâu rễ bền gốc'. Cây có bộ rễ rộng bám sâu vào lòng đất, gốc mới to, vững, thân mới chắc, khỏe, cành mới cao, tán lá mới xum xuê. Đội ngũ đảng viên của Đảng là những chùm rễ được nuôi sống từ 'lòng đất' nhân dân. Đảng viên mạnh là yếu tố cơ bản làm cho tổ chức đảng vững mạnh. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: 'Đảng mạnh là do chi bộ tốt, chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt'. Thực hiện lời Bác, Đảng ta đã có nhiều quyết sách xây dựng đội ngũ đảng viên và tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) trong sạch, vững mạnh, là nơi tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của Đảng, Nhà nước. Chùm bài của tác giả gồm 3 bài: Bài 1: Bảo đảm chất lượng đảng viên; Bài 2: Nâng cao chất lượng chi bộ; Bài 3: Nơi tạo nguồn cán bộ của Đảng, Nhà nước.

Bài 3: NƠI TẠO NGUỒN CÁN BỘ CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC

Thực tiễn qua 90 năm cách mạng Việt Nam, xây dựng đội ngũ cán bộ phải đặt trong tổng thể công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và giữa chúng có mối quan hệ mật thiết với nhau. Xây dựng Đảng có nhiều nội dung nhưng trung tâm vẫn là công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Quan điểm chung về vấn đề này là xây dựng đội ngũ đảng viên xuất phát từ yêu cầu của một đảng cầm quyền, bởi hầu hết cán bộ trong hệ thống chính trị là đảng viên. Chỉ khi gắn xây dựng đội ngũ cán bộ với đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng thì mới bảo đảm đồng bộ công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và phát huy tốt nhất phương thức lãnh đạo của Đảng. Thông qua việc quản lý giáo dục rèn luyện đảng viên, TCCSĐ có trách nhiệm phát hiện, bồi dưỡng rèn luyện cán bộ cho Đảng.

1. Phát hiện, bồi dưỡng và rèn luyện đội ngũ cán bộ cho Đảng

Từ việc thực hiện các nghị quyết lãnh đạo, qua công tác tư tưởng và tổ chức, bằng các biện pháp quản lý, duy trì các chế độ nền nếp sinh hoạt đảng, phân công nhiệm vụ cho đảng viên, tự phê bình và phê bình, công tác kiểm tra, giám sát đảng viên và chấp hành kỷ luật đảng để giáo dục, rèn luyện đảng viên. Với vai trò là cầu nối trực tiếp giữa Đảng và quần chúng, chi bộ ở cơ sở có trách nhiệm lựa chọn những quần chúng ưu tú, có đủ điều kiện, tiêu chuẩn để bồi dưỡng, giáo dục, rèn luyện, thử thách, kết nạp họ vào Đảng, tăng thêm nguồn sinh lực cho Đảng và lựa chọn để bồi dưỡng họ trở thành cán bộ. Ở Chi bộ Tổ dân phố Đống 2, trong 4 nhiệm kỳ đã phát hiện, bồi dưỡng và giới thiệu cho Đảng ủy và chính quyền phường được 4 cán bộ. Đây là những đảng viên được chi bộ phát hiện có những tố chất để bồi dưỡng trở thành những cán bộ của Đảng, hiện nay họ đều đã đảm nhiệm các chức vụ: 1 đồng chí giữ chức đảng ủy viên, Phó Chủ tịch UBND phường, một đồng chí giữ chức Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường, một đồng chí giữ chức đảng ủy viên, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường, một đồng chí giữ chức Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường.

Đảng viên là tiền đề, là cơ sở để phát hiện xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng, nhưng không phải ở đâu cũng làm tốt. Cần phải làm cho mọi đối tượng thấu hiểu rằng muốn trở thành cán bộ tốt thì trước hết phải là đảng viên tốt, trên cơ sở phát hiện của chi bộ, phải tiếp tục rèn luyện, bồi dưỡng mới có cơ hội trở thành cán bộ. Bởi vì mỗi cán bộ phải là người đại biểu cho mục tiêu, lý tưởng của Đảng, có khả năng tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, vận động, tập họp quần chúng, phát động các phong trào quần chúng, nhằm từng bước hiện thực hóa Cương lĩnh chính trị, đường lối, nghị quyết của Đảng trong từng giai đoạn và trong mọi hoàn cảnh. Chất lượng cán bộ được nâng cao sẽ quyết định đến hiệu quả thực hiện phương thức lãnh đạo của Đảng. Phương thức lãnh đạo của Đảng có phát huy được hay không đều do việc xây dựng, lựa chọn, bố trí cán bộ có đúng đắn phù hợp hay không.

2. Nơi trải nghiệm, kiểm nghiệm chất lượng cán bộ

Mọi cán bộ, đều phải tham gia sinh hoạt chi bộ. Chất lượng đội ngũ cán bộ đương chức tại đơn vị cũng như những cán bộ được luân chuyển đến đều phải được chi bộ xem xét về phẩm chất đạo đức, mối quan hệ giữa cán bộ với nhân dân. Kết quả công tác được các cơ quan chức năng đánh giá bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả và so sánh với chức danh tương đương, đánh giá cá nhân gắn với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị. Đây là khâu đột phá nhằm đánh giá đúng cán bộ để bố trí sử dụng có hiệu quả. Sự phản ảnh, đánh giá của TCCSĐ đối với cán bộ là căn cứ quan trọng để xem xét bố trí cán bộ đúng khả năng, hoàn cảnh, sở trường của cán bộ. Song điều cơ bản nhất là phải lấy lợi ích của nhân dân làm căn cứ để đánh giá những sáng tạo, đổi mới của cán bộ. Phong trào cách mạng là môi trường cho cán bộ rèn luyện, phấn đấu, đồng thời là nơi kiểm nghiệm, tôn vinh những cán bộ đem lại lợi ích cho nhân dân, được nhân dân ghi nhận, nhưng cũng là nơi sàng lọc những cán bộ yếu kém, thoái hóa, biến chất, đi ngược lại lợi ích của nhân dân. TCCSĐ cũng là nơi để cán bộ trải nghiệm thể hiện sự gương mẫu trước nhân dân, nói đi đôi với làm, thể hiện cái tâm, trí, đức, sự trung thành đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng. Thể hiện đạo lý chí công vô tư, mình vì mọi người, thực sự là công bộc của dân, tôn trọng lắng nghe ý kiến của nhân dân. Quá trình rèn luyện tại cơ sở là cơ hội để người cán bộ bộc lộ lập trường chính trị vững vàng, trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, với sự nghiệp đổi mới, có năng lực trí tuệ, am hiểu thực tiễn, có nhiệt tình cách mạng và năng lực hành động. Cũng qua đây loại bỏ được những cán bộ sa vào chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, bệnh thành tích, tự kiêu, tự đại, quan liêu, tham nhũng, xa rời quần chúng.

Tư tưởng dựa vào cơ sở, vào dân để xây dựng đội ngũ cán bộ thực chất là lấy dân làm gốc, tuy không mới nhưng trong bối cảnh hiện nay công tác cán bộ ở nơi này, nơi khác, lúc này, lúc khác chưa phản ảnh đúng quan điểm của Đảng; chưa huy động được sự tham gia của nhân dân, tình trạng quan liêu, xa dân, thờ ơ của cán bộ với nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân nhiều nơi đáng báo động, đây cũng là nội dung có ý nghĩa thời sự của Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII). Đảng chỉ hoàn thành sứ mệnh của mình khi cán bộ, đảng viên được nhân dân tin yêu ủng hộ.

3. Nơi đề cử cán bộ, đảng viên vào cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng

Đại hội đảng bộ các cấp vừa tiến hành xong cấp cơ sở và đang khẩn trương đại hội cấp trên cơ sở, nhiều đại hội đã thành công tốt đẹp. Nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên đã góp phần tích cực chuẩn bị nhân sự cho đại hội đảng bộ các cấp. Đảng viên được giới thiệu trúng cử vào cấp ủy, trong số đó sẽ có nhiều người được giới thiệu để bầu vào bộ máy chính quyền. Đảng viên được bầu vào cấp ủy, bổ nhiệm vào các chức danh của chính quyền đều có phẩm chất, năng lực tốt, có tín nhiệm cao. Trên cơ sở phân tích và phân loại TCCSĐ và đảng viên hằng năm, cấp ủy đảng, cán bộ chủ trì đã thực hiện có nền nếp công tác bồi dưỡng cán bộ, cấp ủy viên, đảng viên. Nhiều người đã ý thức rõ chức trách, nhiệm vụ của mình, tự giác, tích cực tu dưỡng, rèn luyện, chủ động khắc phục mọi khó khăn, không ngừng phấn đấu vươn lên tự khẳng định mình trên cương vị được giao, đồng thời mong muốn được học tập, đào tạo, rèn luyện để có điều kiện phát triển, tiến bộ trưởng thành.

Tuy vậy, ngay trong đại dịch COVID-19 vừa qua ở một số đảng bộ cơ sở đã có lịch đại hội phải hoãn để làm lại nhân sự, vì một số người nằm trong diện quy hoạch đưa người nhà, vợ, chồng, con, họ hàng, anh em không đúng đối tượng vào danh sách được thụ hưởng chính sách Nhà nước hỗ trợ khó khăn để trục lợi. Việc phải tạm hoãn thời gian đại hội ở một vài cơ sở là việc cần thiết nhằm sàng lọc, không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người không đủ tiêu chuấn, không có uy tín với nhân dân.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, phải làm tốt công tác nhân sự từ đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới làm tốt công tác nhân sự Đại hội XIII của Đảng, "dưới có vững thì trên mới bền chắc được". Đại hội đảng bộ các cấp, các ngành có tốt thì Đại hội đại biểu toàn quốc mới tốt được. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, công tác nhân sự là công tác vô cùng quan trọng, nhưng cũng vô cùng phức tạp, nhạy cảm, vì nó liên quan đến con người, danh dự, chế độ, chính sách… dễ nảy sinh vấn đề, tâm tư day dứt, vì vậy cần phải được tiến hành theo một quy trình khoa học, chặt chẽ, công tâm, khách quan. Trong quá trình lựa chọn phải lấy phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tiêu chuẩn, hiệu quả, uy tín của bản thân trong công việc… làm thước đo chủ yếu; không để lọt vào bộ máy những người không đáp ứng tiêu chuẩn, không đủ đức, đủ tài dẫn đến hại nước hại dân. Trong từng khâu, từng công đoạn phải làm thật chắc chắn, khoa học, đồng bộ, tránh tối đa sai sót, làm đến đâu chắc chắn đến đó, đừng thấy đỏ tưởng chín, đừng để mã bên ngoài che đậy cái sơ sài bên trong. Đặc biệt phải “có con mắt tinh đời” trong việc đánh giá, lựa chọn giới thiệu nhân sự.

Đảng Cộng sản Việt Nam trước hết là một tổ chức chính trị, được ví như "một cơ thể sống", cho nên toàn bộ sức mạnh của Đảng, năng lực và sức chiến đấu của Đảng đều được tạo thành từ mỗi đảng viên, từ mỗi tổ chức cấu tạo nên Đảng. Sức mạnh của Đảng phụ thuộc vào số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên ngày càng cao, nội bộ càng ổn định, thì uy tín của Đảng đối với nhân dân, xã hội ngày càng lớn. Đó là cội nguồn sức mạnh của Đảng để lãnh đạo đưa dân tộc ta thực hiện khát vọng thịnh vượng, hùng cường.

Trần Công Huyền và Nguyễn Văn Lương(Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân 1)

Nguồn Xây Dựng Đảng: http://www.xaydungdang.org.vn/home/lyluan-thuctien-kinhnghiem/2020/14066/duoi-co-vung-tren-moi-ben-chac-tiep-theo-va-het.aspx