Dãy núi đá Chung Chinh từ xã Hà Ngọc (Hà Trung) kéo dài theo hướng Tây Bắc xuống đến xã Hà Sơn với nhiều ngọn núi mang hình thù độc đáo, được người dân gọi tên núi Đụn, Đầu Voi, Đỉnh Bồ, Chum Vàng… Và dưới chân núi Chung Chinh (địa phận thôn Kim Đề, xã Hà Ngọc) có một ngôi đền thiêng vẫn được người dân gọi tên đền Cây Thị (còn gọi đền Trình, đền Chầu Đệ tứ) với nhiều huyền tích, chuyện kể.
Theo các tài liệu về Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, Chầu Đệ tứ hay Chầu Bà Đệ tứ Khâm sai là vị thánh thuộc Tứ phủ, đứng hàng thứ tư trong Tứ Phủ Chầu Bà, thường hầu cận bên Thánh Mẫu. Chầu Đệ tứ linh thiêng “giáng” ở nhiều nơi và được người dân lập dựng đền thờ. Một trong số đó là đền Chầu Đệ tứ ở Kim Đề xã Hà Ngọc (Hà Trung). Đền Chầu Đệ tứ tọa lạc trong không gian cảnh quan sông núi hữu tình: Dựa lưng vào núi đá Chung Chinh, soi bóng xuống sông Lèn.
Cũng theo truyền thuyết lưu truyền tại địa phương, thuở xa xưa ở Kim Đề có đôi trai gái yêu nhau tha thiết nhưng vì "nợ nước" nên chàng trai đã gác lại chuyện riêng, lên đường đi đánh giặc. Họ hẹn ước khi giặc tan, chàng trai trở về sẽ cùng nên duyên vợ chồng. Cô gái là một người rất yêu thích quả thị, vì chờ đợi người yêu mà hóa thành cây thị. Tuy nhiên, cây thị chỉ ra một quả duy nhất. Một ngày, chàng trai trở về, đi qua cây thị thì trái thị bỗng rơi vào tay áo chàng trai. Cảm mến sự thủy chung của cô gái, người dân đời sau đã lập đền thờ phụng, thường gọi đền Cây Thị. Trong lịch sử, đền Cây Thị nhiều lần được các triều đại phong kiến ban sắc phong.
Đền Chầu Đệ tứ hay đền Cây Thị nằm soi bóng xuống sông Lèn, nằm trong không gian của thắng tích Hàn Sơn. Theo sách
Địa chí huyện Hà Trung,
đền Cây Thị ở cuối xã Hà Ngọc mà dân gian vẫn gọi là Đền Trình còn thờ tướng sĩ thời Lê Trung hưng chết trận ở tuyến sông Lèn.
Trải qua thời gian, ngôi đền linh thiêng dưới chân núi đá Chung Chinh đã được tôn tạo song vẫn theo lối kiến trúc của người xưa.
Cũng theo người dân địa phương, ở nơi cây thị năm xưa, ngày nay đã trồng lên cây thị mới nhằm lưu giữ lại cảnh quan vốn có của ngôi đền linh thiêng. Trong những ngày nắng hạ, đền Chầu Đệ tứ còn được “phủ” bởi sắc đỏ của hoa phượng khiến cho không gian di tích thâm nghiêm mà vẫn rực rỡ.
Đền Chầu Đệ tứ là điểm đến tâm linh được du khách gần xa biết đến. Đặc biệt, nằm trong không gian của thắng tích Hàn Sơn, nên vào cuối tháng 5 và nửa đầu tháng 6 (âm lịch) hàng năm - dịp diễn ra lễ hội Hàn Sơn, di tích đền Chầu Đệ tứ đón lượng khách rất lớn về dâng hương, chiêm bái.