Đường 20 Quyết thắng - Mỗi cây số đường đều thấm máu, mồ hôi và nước mắt

Mỗi cây số đường, mét ngầm trên đường 20 đều thấm máu, mồ hôi, nước mắt của những người xây dựng, bảo vệ và vận hành tuyến đường.

Chỉ riêng trên Đường 20 Quyết thắng, nơi từng đoàn xe chở hàng, đạn dược vượt bom đạn ác liệt, nối hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến miền Nam, biết bao nhiêu câu chuyện bi hùng được sử sách khắc ghi.

Trọng điểm Cà Roòng ATP trên đường 20 Quyết thắng

Trọng điểm Cà Roòng ATP trên đường 20 Quyết thắng

Ở tuổi 75, giọng nói đã trầm lặng theo năm tháng, nhưng mỗi khi nhắc đến ngày 30/4/1975, cựu chiến binh Đinh Xuân Vụ, quê ở xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình lại như sống dậy những ký ức hào hùng một thời trai trẻ.

Ông Vụ nhập ngũ ngày 19/5/1971, khi vừa tròn 21 tuổi. Rời quê hương nghèo với những ước mơ còn dang dở, ông và thanh niên cùng trang lứa đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", mang trong tim niềm tin tất thắng vào ngày non sông thống nhất.

Cựu chiến binh Đinh Xuân Vụ nhớ lại khoảnh khắc lịch sử ngày 30/4/1975

Cựu chiến binh Đinh Xuân Vụ nhớ lại khoảnh khắc lịch sử ngày 30/4/1975

Khoảng 11h trưa 30/4 của 50 năm về trước, tin xe tăng quân ta đã húc đổ cổng Dinh Độc Lập, cảm xúc vỡ òa, ai cũng reo lên “Chiến thắng rồi! Giải phóng rồi!, và điều ông Vụ xúc động nhất là sẽ không còn ai hy sinh nữa.

Ông cùng đơn vị bộ binh tiến nhanh về trung tâm Sài Gòn, theo sau đội hình xe tăng. Cảnh tượng hiện ra trước mắt là một Dinh Độc Lập thật xúc động. Trên nóc dinh, lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay kiêu hãnh, đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của chính quyền Sài Gòn.

Sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, từ năm 1976, ông Vụ với những vết thương trên cơ thể, trở lại với đời thường. Người cựu chiến binh từng một thời xông pha lửa đạn tiếp tục phát huy tinh thần xung kích trên mặt trận chống đói nghèo.

Cựu chiến binh Đinh Xuân Vụ tâm sự, mỗi dịp tháng 4 về, khi ôn lại những ngày tháng chiến đấu oanh liệt, ông vẫn xúc động rơi nước mắt khi thương nhớ đồng đội đã nằm xuống để có hòa bình hôm nay.

Cựu chiến binh Đinh Xuân Vụ tiếp tục phát huy tinh thần xung kích trên mặt trận chống đói nghèo

Cựu chiến binh Đinh Xuân Vụ tiếp tục phát huy tinh thần xung kích trên mặt trận chống đói nghèo

“Lúc đó 5 mũi tiến về Sài Gòn, xe tăng đi trước, bộ binh đi sau tiến vào chiếm được Dinh Độc Lập và đài phát thanh, lúc này người dân rất vui mừng hô to “hòa bình rồi”, quân ta cũng rất vui sướng. Vào dinh, bộ đội ta lên treo cờ, hạ lá cờ của chúng xuống rồi cắm lá cờ Mặt trận Giải phóng của mình lên. Đông đảo người dân rất mừng, tập trung đông để mừng giải phóng, mừng hòa bình, còn bộ đội ta càng vui mừng hơn nữa vì không phải đánh nhau, không hy sinh nữa”, cựu chiến binh Đinh Xuân Vụ tâm sự.

Đền thờ các Anh hùng liệt sĩ tại trọng điểm Cà Roòng ATP

Đền thờ các Anh hùng liệt sĩ tại trọng điểm Cà Roòng ATP

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, không chỉ những người con quê hương Quảng Bình lên đường đánh giặc, mà mảnh đất nơi đây còn là tiền tuyến lớn của hậu phương miền Bắc đêm ngày chi viện cho chiến trường lớn miền Nam.

Đường 20 Quyết thắng là tuyến quan trọng trong việc chi viện cho chiến trường miền Nam đánh thắng đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước. Cũng chính trên con đường này, biết bao bộ đội, thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến mãi mãi nằm lại ở tuổi 20 để làm nên huyền thoại Trường Sơn.

Tỉnh Quảng Bình có 4 con đường cắt ngang dãy Trường Sơn hùng vĩ nối với nước bạn Lào gồm Đường 12, 20, 10 và 16. Đây là tuyến đường chi viện huyết mạch cho chiến trường miền Nam, phá thế độc đạo nối liền Đông Trường Sơn và Tây Trường Sơn thuộc hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh trên “đất lửa” Quảng Bình. Từ cuối năm 1964, bộ đội Trường Sơn bắt đầu chuyển từ gùi thồ sang vận chuyển cơ giới. Cũng từ đó, Đường 20 trở thành tọa đổ lửa, trọng điểm đánh phá của địch.

Nhân dân, cán bộ, chiến sĩ dâng hương tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ tại Di tích lịch sử hang Tám Cô

Nhân dân, cán bộ, chiến sĩ dâng hương tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ tại Di tích lịch sử hang Tám Cô

Cựu chiến binh Trần Xuân Bình (78 tuổi), quê ở huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình tâm sự, trên đường 20 Quyết thắng, mỗi cây số đường, mỗi con suối khét mùi bom đạn, trộn lẫn thép gang, mồ hôi và máu với đầy ắp những chiến tích và cả những hy sinh không sao diễn tả hết, nhất là ở các trọng điểm đánh phá của địch. Thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch là nơi bắt đầu (km0) của đường 20, đi thêm 1 đoạn nữa là tới bên phà Xuân Sơn.

Trên tuyến đường xanh mãi tuổi 20 đó hiện nay, có rất nhiều đền tưởng niệm liệt sĩ, bia đá khắc ghi kỳ tích làm nên con đường, làm nên những nốt nhạc trầm bổng hòa thành bản hùng ca Trường Sơn huyền thoại.

Hòa bình, cựu chiến binh Trần Xuân Bình đã nhiều lần đến bến phà Xuân Sơn để thắp hương tưởng nhớ đồng đội. Hơn 50 năm về trước, dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù, bến phà vẫn bảo đảm nhiệm vụ đưa người, các phương tiện vận chuyển hàng hóa, vũ khí, quân lương, quân trang qua sông Son, chi viện cho chiến trường miền Nam.

Mỗi cân gạo, mỗi khẩu súng đến đích kịp thời sẽ góp phần quyết định sự thắng bại của mỗi trận đánh. Trong những năm tháng ác liệt đó, ông Trần Xuân Bình đã đến nhiều trọng điểm từ Trọng điểm Cà Roòng- ATP, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch về tới bến phà Xuân Sơn.

“Con đường này là huyết mạch chia lửa cho các tuyến khác trên hệ thống đường Trường Sơn- Hồ Chí Minh. Quảng Bình trở thành túi đựng bom, là đòn gánh 2 đầu đất nước và bây giờ để có được cơ ngơi, cuộc sống như hôm nay thì máu và nước mắt đã đổ xuống rất nhiều”, ông Trần Xuân Bình xúc động.

Tượng đài bên bến phà Xuân Sơn

Tượng đài bên bến phà Xuân Sơn

Tháng 3/1973, cán bộ, chiến sĩ bộ đội Trường Sơn vinh dự đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thay mặt Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương vào thăm. Đứng trên trọng điểm ATP còn nguyên màu đất đỏ, Đại tướng từng nói: “Đường 20 xứng đáng là “một kỳ công, kỳ tích, kỳ quan”.

Tài liệu của Hội truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh Việt Nam cho biết, Đường 20 là trục ngang có mật độ bom đạn trên 1km đường thuộc loại cao nhất Trường Sơn. Có thời điểm như khoảng cuối tháng 11/1969, suốt 15 ngày đêm, địch sử dụng B-52 kết hợp với máy bay cường kích F-105, F-4 đánh liên tục vào trọng điểm.

Nếu di tích quốc gia đặc biệt đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh có 46 điểm di tích thì riêng Đường 20 Quyết thắng có 6 di tích là phà Xuân Sơn, hang Tám Cô, dốc Ba Thang, ngầm Cà Roòng, hang Thông tin, hang NH là di tích quốc gia đặc biệt; Trạ Ang là di tích quốc gia. Có gần 8.000 cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến tham gia mở đường 20.

Di tích lịch sử hang Tám Cô là tọa độ lửa trên đường 20 Quyết thắng

Di tích lịch sử hang Tám Cô là tọa độ lửa trên đường 20 Quyết thắng

Đường 20 ra đời với tinh thần quyết tâm, lòng quả cảm và trí sáng tạo của bộ đội Trường Sơn. Năm 1968, đường 20 vinh dự được Trung ương Đoàn vinh danh Đường 20 Quyết thắng. Mỗi cây số đường, mét ngầm trên đường 20 đều thấm máu, mồ hôi, nước mắt của những người xây dựng, bảo vệ và vận hành tuyến đường.

Ông Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Hội cựu Thanh niên xung phong Việt Nam cho biết, chiến tranh đã lùi xa, song trên tuyến Đường 20 Quyết thắng huyền thoại có rất nhiều tượng đài, đền tưởng niệm, bia đá khắc ghi chiến công và sự hy sinh anh dũng của các anh hùng, liệt sĩ.

“Điều ghi nhớ sâu sắc đó là sự hy sinh anh dũng của các lực lượng tham gia trên tuyến đường Hồ Chí Minh, bộ đội Trường Sơn, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong... Bến phà Xuân Sơn là nơi bắt đầu của những chuyến đi vào Nam, từ đây đưa lực lượng, binh khí kỹ thuật của ta chi viện cho chiến trường miền Nam đủ sức đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Đây là địa chỉ đỏ, nơi chúng ta từng trải qua những khó khăn, gian khổ và sự ác liệt và kỷ niệm này nhắc nhở mọi người phải ghi nhớ về mảnh đất anh hùng”, ông Vũ Trọng Kim cho biết.

Bia tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ hy sinh tại bến phà Xuân Sơn

Bia tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ hy sinh tại bến phà Xuân Sơn

Ngày 31/5/1966 là dấu mốc lịch sử đáng nhớ, ngày đường 20 được mở tuyến. Cũng từ dấu mốc đó đến đại thắng mùa Xuân năm 1975, quân và dân ta đã vượt qua hàng ngàn tấn bom đạn của giặc Mỹ, các đoàn xe từ Bắc vào Nam vẫn đêm đêm lăn bánh băng qua các trọng điểm của Đường 20 Quyết thắng đưa hàng hóa, đạn dược vào tiền tuyến miền Nam.

Biết bao mồ hôi, xương máu của bộ đội Trường Sơn, công binh, pháo binh, lái xe, thanh niên xung phong đã đổ xuống, đổi lại là những chuyến xe thông suốt đưa hàng hóa, đạn dược ra tiền tuyến với mục tiêu “Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”.

Thanh Hiếu/VOV- Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/duong-20-quyet-thang-moi-cay-so-duong-deu-tham-mau-mo-hoi-va-nuoc-mat-post1192410.vov