Đường 760 tỷ ở Cà Mau có nguy cơ chậm tiến độ do vướng mặt bằng
Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường U Minh - Khánh Hội (Cà Mau) được đầu tư hơn 760 tỷ đồng có nguy cơ chậm tiến độ do vướng mặt bằng.
Theo UBND tỉnh Cà Mau, Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường U Minh - Khánh Hội (huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) có tổng mức đầu tư 760,2 tỷ đồng do Ban quản lý dự án xây dựng công trình giao thông tỉnh Cà Mau làm chủ đầu tư, tiến độ thực hiện dự án từ năm 2021-2025.
Vướng mặt bằng, nguy cơ chậm tiến độ
Tổng chiều dài tuyến 18,13km, ảnh hưởng đến 1.983 hộ gia đình, cá nhân và 8 tổ chức. Địa phương đã bàn giao mặt bằng 10,1/18,13km cho chủ đầu tư thi công công trình (đạt 55,7% tổng chiều dài tuyến).
Hiện tại, UBND huyện U Minh đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ 1.889/1.983 hộ và 5/8 tổ chức; còn lại 94/1.983 hộ gia đình, cá nhân và 3/8 tổ chức bị ảnh hưởng đã được lập, thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ đang trình phê duyệt.
Đến nay, huyện đã chi trả tiền theo phương án được duyệt 1.219/1.889 hộ và 5/8 tổ chức. Còn 670/1.889 hộ dân đã được phê duyệt phương án nhưng chưa đồng ý nhận tiền, bàn giao mặt bằng.
Nguyên nhân còn vướng mặt bằng là do trong quá trình triển khai thực hiện dự án, một số hộ gia đình, cá nhân còn yêu cầu, kiến nghị bồi thường, hỗ trợ đối với phần đất kênh xáng lộ xe và phần lề đường hiện trạng (mỗi bên 1,25m) tuyến đường U Minh - Khánh Hội.
Ngoài ra, một số hộ dân còn yêu cầu tăng giá đất bồi thường. Một số hộ yêu cầu bồi thường, hỗ trợ hết nhà ở, do phần còn lại không thể sửa chữa để ở. Và một số hộ đề nghị kiểm tra lại việc đo đạc, kiểm đếm, đơn giá nhà ở, công trình vật kiến trúc.
Xử lý dứt điểm kiến nghị của người dân
Trước kiến nghị của người dân về việc yêu cầu bồi thường, hỗ trợ phần đất kênh xáng lộ xe và phần lề đường hiện trạng (mỗi bên 1,25m) tuyến đường U Minh - Khánh Hội, UBND tỉnh Cà Mau cho rằng, đó là đất công cộng do Nhà nước quản lý.
"Do đó, việc không bồi thường về đất đối với phần đất này là đúng theo quy định của pháp luật hiện hành (do không đủ điều kiện bồi thường theo quy định tại khoản 4 Điều 82 Luật Đất đai 2013).
Nhà nước tiếp tục quản lý, sử dụng phần đất còn lại trong phạm vi khoảng 25m (8m lộ xe và kênh xáng từ 12,5-20m) làm công trình công cộng theo quy hoạch", UBND tỉnh Cà Mau khẳng định.
Cũng theo UBND tỉnh Cà Mau, để việc quản lý, sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) của người dân đảm bảo quy định của pháp luật, chủ tịch UBND tỉnh này đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND huyện U Minh, các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương kiểm tra, rà soát lại theo quy định.
Cụ thể, đối với 114 GCNQSDĐ được cấp khoảng thời điểm năm 1995, còn giữ nguyên hiện trạng thửa đất, thời hạn sử dụng đất đến năm 2021. 358 GCNQSDĐ đã cấp đổi hoặc chỉnh lý đối với phần diện tích kênh xáng, lộ xe và phần đất đang quản lý, sử dụng.
Từ đó, tổ chức tuyên truyền, vận động người dân thực hiện cấp đổi hoặc chỉnh lý GCNQSDĐ hoặc gia hạn thời hạn sử dụng đất phù hợp với quy định của pháp luật.
Về kiến nghị của các hộ gia đình, cá nhân về bồi thường, hỗ trợ hết nhà ở, do phần nhà còn lại không thể sửa chữa để ở và kiểm tra lại phần đo đạc, kiểm đếm, đơn giá nhà ở, công trình vật kiến trúc, chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với sở, ngành, đơn vị liên quan và UBND huyện U Minh, khẩn trương kiểm tra, rà soát, xử lý dứt điểm từng trường hợp cụ thể trong thời gian sớm nhất để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Đối với kiến nghị tăng giá bồi thường, hỗ trợ, UBND tỉnh Cà Mau cho rằng, giá đất cụ thể tính bồi thường, hỗ trợ đã được cấp thẩm quyền thực hiện đúng trình tự, hồ sơ, thủ tục theo quy định.
"Do đó, yêu cầu UBND huyện U Minh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan, tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu, chấp hành theo quy định của pháp luật, bàn giao mặt bằng cho Nhà nước triển khai thực hiện dự án đảm bảo tiến độ dự án theo quy định", chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo rõ.