Đường bộ cao tốc và kỳ vọng tạo động lực thúc đẩy kinh tế phát triển

Thực tế cho thấy đầu tư hạ tầng giao thông tốt, nhất là những tuyến đường bộ cao tốc hiện đại mang tính liên vùng; kết nối các địa phương, trung tâm kinh tế lớn,...mới có thể tạo ra được động lực để thúc đẩy phát triển các hoạt động sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân.

Những viên gạch đầu tiên

Hạ tầng giao thông luôn đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội, là chỉ số quan trọng đánh giá năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong đó, đường bộ cao tốc là công trình kỹ thuật cao nhất trong hệ thống đường bộ với quy mô hiện đại, năng lực vận tải lớn, phương tiện có thể di chuyển với tốc độ cao xuyên suốt một khoảng cách dài.

Đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế xã hội, những tuyến cao tốc được đưa vào khai thác đã phát huy hiệu quả.

Trên thế giới, đầu tư phát triển đường bộ cao tốc là tất yếu khách quan, tạo động lực, sức lan tỏa để phát triển kinh tế xã hội của mỗi quốc gia. Đường bộ cao tốc gắn chặt với tiến trình công nghiệp hóa của nhiều nước trên thế giới. Các nước như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc,…đều có hệ thống đường cao tốc rất phát triển.

Trong đó, Hoa Kỳ có khoảng 75.000km đường cao tốc liên bang, Nhật Bản gần 10.000km, Hàn Quốc hơn 6.160km đường bộ cao tốc. Và đặc biệt là hệ thống đường bộ cao tốc của Trung Quốc có tốc độ phát triển nhanh nhất so với các quốc gia trên thế giới. Năm 1998, Trung Quốc mới chỉ có khoảng 8.733km, đứng thứ 6 thế giới nhưng đến năm 2020, quốc gia này đã có tới 168.100km đường cao tốc, cao nhất thế giới.

Vào những năm 80 - 90 của thế kỷ trước, mạng lưới giao thông đường bộ Việt Nam trong tình trạng vừa thiếu, vừa yếu, không đáp ứng được nhu cầu giao thông vận tải, phát triển kinh tế khi các phương tiện cơ giới ngày càng tăng. Điển hình là tuyến đường “xương sống” - Quốc lộ 1A xuống cấp, quá tải phải thực hiện cải tạo, sửa chữa.

Nhằm cải thiện mạng lưới hạ tầng giao thông, đáp ứng nhu cầu phát triển, Bộ Giao thông Vận tải đã quyết định chuyển toàn bộ vốn dư ODA từ việc nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A để khởi công làm 30km đường 4 làn từ Pháp Vân đến Cầu Giẽ vào tháng 9/1998 và đến năm 2001 thông xe.

Pháp Vân - Cầu Giẽ được coi là viên gạch đặt nền móng cho việc xây dựng mạng lưới đường bộ cao tốc tại Việt Nam. Thời điểm đó, nhiều lái xe không khỏi ngỡ ngàng về độ hoành tráng của tuyến đường và nhất là phương tiện có thể chạy với vận tốc tối đa 120km/giờ, giải tỏa tình trạng ùn tắc khu vực cửa ngõ Thủ đô.

Tới tháng 12/2004, tuyến cao tốc đầu tiên thực sự đầu tiên của cả nước là TP.Hồ Chí Minh - Trung Lương được khởi công với chiều dài 61 km và chỉ dành cho ô tô lưu thông với vận tốc lên đến 120 km/giờ.

Tuyến cao tốc sau khi hoàn thành đã rút ngắn thời gian di chuyển bằng ô tô từ TP.Hồ Chí Minh đến Tiền Giang chỉ mất khoảng 30 phút thay vì 90 phút chạy trên Quốc lộ 1A.

Sau 20 năm, mạng lưới hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc của Việt Nam vẫn chưa phát triển được như kì vọng.

Thực tế chứng minh những tỉnh, thành phố có hạ tầng đường bộ cao tốc kết nối đều ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế cao hơn bình quân cả nước, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân, tạo diện mạo mới cho địa phương.

Giai đoạn 2011 - 2019, GRDP của Hải Phòng tăng 12,89%, Quảng Ninh 9,91%, Hải Dương 8,62%, Long An 10,23%... trong khi tốc độ tăng GDP cả nước đạt khoảng 6,3%.

Mục tiêu 5.000km đường bộ cao tốc còn lắm gian nan

Thống kê cho thấy kể từ khi tuyến đường bộ cao tốc đầu tiên được đầu tư xây dựng năm 2004, sau gần 20 năm, đến nay cả nước mới có khoảng 1.200km đường bộ cao tốc. Trong đó có 951 km bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật đường bộ cao tốc và 212 km phân kỳ đầu tư như Hòa Lạc - Hòa Bình, Thái Nguyên - Chợ Mới 40 km, La Sơn - Hòa Liên,...

Hạ tầng giao thông Việt Nam hiện vẫn được coi là “nút thắt” cần giải quyết để phát triển kinh tế xã hội mặc dù nhiều năm qua ngành giao thông đã rất nỗ lực đầu tư, xây dựng.

Không phải đến bây giờ chúng ta mới rốt ráo, đẩy mạnh xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc mà thực tế đã được định hướng, quy hoạch rất sớm nhưng vì nhiều nguyên nhân mà việc đầu tư chưa đạt mục tiêu đề ra.

Đơn cử như Dự án xây dựng cao tốc Bến Lức - Long Thành có tổng mức đầu tư 31.320 tỷ đồng với chiều dài 57,8 km; quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 120 km/h, đi qua địa bàn tỉnh Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh, Long An. Đây được coi là một dự án thành phần quan trọng của tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông khi trực tiếp kết nối Đông Nam bộ và Tây Nam bộ.

Dự án do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư, được khởi công gói thầu xây lắp đầu tiên vào tháng 7/2014 và dự kiến đưa vào khai thác năm 2018. Nhưng đến nay dự án vẫn chưa thể về đích.

Do những thay đổi đột ngột về cơ chế giao vốn đầu tư công, cùng với những vướng mắc nảy sinh liên quan đến việc VEC chuyển từ Bộ Giao thông Vận tải về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã khiến công tác điều chỉnh dự án, gia hạn các hiệp định vay vốn kéo dài, đẩy công trình từng nhận được rất nhiều kỳ vọng rơi vào bế tắc.

Tháo gỡ những điểm nghẽn để phát triển hệ thống đường bộ cao tốc.

Hay tại dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 -2020, thông tin từ Cục Quản lý xây dựng & Chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông Vận tải), tới tháng 3/2022, dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt chậm khoảng 6,79% giá trị hợp đồng so với kế hoạch.

Nguyên nhân là do doanh nghiệp dự án rất hạn chế về năng lực trong công tác quản lý, điều hành; chậm trễ trong công tác lựa chọn nhà thầu; các nhà thầu chậm trễ huy động nhân sự, máy móc, thiết bị để triển khai thi công.

Với dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết chậm 8,89% giá trị hợp đồng so với kế hoạch điều chỉnh. Nguyên nhân chủ yếu do thiếu nguồn vật liệu đất đắp nền, thiếu khoảng 2,46 triệu m3; các nhà thầu chưa đẩy nhanh tiến độ theo yêu cầu.

Trong báo cáo gửi Chính phủ về lộ trình triển khai xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, Bộ Giao thông Vận tải thừa nhận, việc tiến độ triển khai các tuyến cao tốc kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả đầu tư, gây bức xức trong dư luận xã hội và giảm niềm tin của nhân dân.

Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 - 2030 đã được Đại hội XIII của Đảng thông qua, trong đó xác định một trong ba đột phá chiến lược là “tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại.

Trọng tâm ưu tiên phát triển hạ tầng trọng yếu về giao thông với mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc, trong đó đến năm 2025 hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Theo Bộ Giao thông Vận tải trong 10 năm tới, cần hoàn thành 916 km đường bộ cao tốc đang triển khai và đầu tư mới khoảng 3.000km, gấp 4 lần khối lượng đường bộ cao tốc đã được xây dựng trong 20 năm qua.

Đây là nhiệm vụ mà để hoàn thành không những cần quyết tâm rất lớn mà còn cần đổi mới tư duy trong phân bổ nguồn lực, tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế chính sách.

Thế Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/duong-bo-cao-toc-va-ky-vong-tao-dong-luc-thuc-day-kinh-te-phat-trien-post192423.html