Đường chưa xong, sao lại muốn thu phí BOT Xa lộ Hà Nội?

Sở GTVT TP.HCM và nhà đầu tư đề xuất thu phí dự án đầu tư mở rộng Xa lộ Hà Nội và QL1 khiến dư luận có nhiều ý kiến trái chiều.

Sở GTVT đang kiến nghị cho phép Cii sử dụng trạm thu phí Xa lộ Hà Nội để thu phí hoàn vốn cho Dự án BOT mở rộng Xa lộ Hà Nội đoạn từ cầu Sài Gòn đến cầu Đồng Nai. Ảnh: Phan Tư

Sở GTVT đang kiến nghị cho phép Cii sử dụng trạm thu phí Xa lộ Hà Nội để thu phí hoàn vốn cho Dự án BOT mở rộng Xa lộ Hà Nội đoạn từ cầu Sài Gòn đến cầu Đồng Nai. Ảnh: Phan Tư

Dự án đầu tư mở rộng Xa lộ Hà Nội và QL1 đoạn từ trạm 2 đến Tân Vạn theo hình thức BOT được triển khai 10 năm qua, tuy nhiên đến nay nhà đầu tư vẫn chưa hoàn thành toàn bộ tuyến. Mới đây, Sở GTVT và nhà đầu tư đề xuất thu phí dự án này khiến dư luận có nhiều ý kiến trái chiều.

Gần 5km vẫn còn nhếch nhác

Ghi nhận thực tế ngày 22/8 cho thấy, các phương tiện lưu thông trên đoạn QL1 từ nút giao Đại học Quốc gia (quận Thủ Đức, TP.HCM) đến Tân Vạn (Bình Dương) rất vất vả. Mặt đường nhựa đã xuống cấp, nhiều vị trí bị hư hỏng, vạch kẻ đường bị mờ...

Do lưu lượng xe tải, xe container rất lớn, chiếm hết phần đường nên người đi xe gắn máy phải lưu thông vào lề đường đất với vô số ổ gà lồi lõm. “Không biết bao giờ thành phố mới làm xong. Chỉ mấy cây số mà cả chục năm chưa hoàn thành toàn tuyến”, anh Lê Văn Chiến, một người dân quận 9 bức xúc.

Đoạn QL1 từ nút giao Đại học Quốc gia đến Tân Vạn nằm trong tổng thể Dự án đầu tư mở rộng Xa lộ Hà Nội và QL1 có tổng chiều dài 15,7km từ cầu Sài Gòn, quận 2, TP.HCM đến Tân Vạn.

Theo hợp đồng ký với UBND TP.HCM, Công ty CP Đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông TP.HCM (Cii) được giao thực hiện dự án theo hình thức BOT. Năm 2009, UBND TP phê duyệt dự án với tổng mức đầu tư hơn 2.516 tỉ đồng và điều chỉnh vào năm 2016, nâng tổng mức đầu tư lên hơn 4.900 tỉ đồng.

Theo kế hoạch được duyệt, toàn tuyến được mở rộng từ 12 - 16 làn xe, hoàn thành năm 2014 để đảm bảo giao thông thông suốt ở cửa ngõ Đông Bắc thành phố. Nhà đầu tư sẽ được sử dụng trạm thu phí Xa lộ Hà Nội ở quận 9 để thu phí hoàn vốn. Tuy nhiên, hiện nhà đầu tư chỉ mới hoàn thành mở rộng đoạn từ cầu Sài Gòn đến nút giao Đại học Quốc gia dài 11,5km.

Tổng khối lượng thực hiện khoảng 76%, chủ yếu là đoạn qua TP.HCM, trong khi đoạn qua địa phận TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương (từ nút giao Đại học Quốc gia đến Tân Vạn) chỉ mới hoàn thành 9,33%, phần lớn trùng lắp tại phần mở rộng đường song hành trước bến xe Miền Đông mới. Theo kế hoạch được Sở GTVT TP.HCM đưa ra, phải đến tháng 12/2022 mới hoàn thành toàn bộ dự án bởi còn vướng mặt bằng đoạn qua TP Dĩ An.

Doanh nghiệp vận tải phản ứng

Ô tô chạy vào làn xe máy đoạn qua phường Bình Thắng, Bình Dương (Chụp chiều 14/8). Ảnh: Vĩnh Phú

Ô tô chạy vào làn xe máy đoạn qua phường Bình Thắng, Bình Dương (Chụp chiều 14/8). Ảnh: Vĩnh Phú

Mới đây, Sở GTVT TP HCM có tờ trình gửi UBND TP về phương án giá dịch vụ sử dụng đường bộ của Dự án BOT mở rộng Xa lộ Hà Nội và QL1 từ cầu Sài Gòn đến Tân Vạn.

Theo đề xuất, nhà đầu tư được sử dụng trạm thu phí BOT Xa lộ Hà Nội đặt tại quận 9 để thu phí hoàn vốn và thời điểm thu phí dự kiến từ 0h ngày 1/11/2020.

Trạm thu phí BOT Xa lộ Hà Nội trước đây được sử dụng để thu phí hoàn vốn cho 3 dự án kế tiếp. Dự án đầu tiên là hoàn vốn cho đường Kinh Dương Vương và Điện Biên Phủ đã kết thúc từ năm 2013. Dự án thứ hai xây cầu Rạch Chiếc, thu phí từ 1/1/2014 và đã kết thúc 31/12/2017. Và hiện nay là thu phí hoàn vốn cho dự án BOT mở rộng Xa lộ Hà Nội.

Về mức thu đề xuất, ôtô dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn: 30.000 đồng/lượt; ôtô 12 - 30 chỗ và xe tải 2 - 4 tấn: 45.000 đồng/lượt; ôtô từ 31 chỗ trở lên, xe tải 4 - 10 tấn: 60.000 đồng/lượt; xe tải 10 - 18 tấn, xe container loại 20 feet: 120.000 đồng/lượt; xe tải trên 18 tấn, xe container loại 40 feet: 170.000 đồng/lượt.

Trước đề xuất này, ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM cho rằng, thành phố cần đặt lợi ích của các DN bình đẳng với nhau.

“Dự án BOT mở rộng Xa lộ Hà Nội còn gần 5km chưa hoàn thành, phương tiện đi lại rất khó khăn, ùn tắc, kẹt xe xảy ra liên tục. Chúng tôi đề nghị nhà đầu tư hoàn thành toàn bộ dự án theo quy định rồi mới tính đến chuyện thu phí”, ông Quản nói.

Luật sư Thái Văn Chung (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng cho rằng, thành phố cần cân nhắc kỹ, bởi theo quy định, khi tổ chức thu phí hoàn vốn cho một dự án BOT nào đó, đương nhiên dự án phải hoàn thành, được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, kiểm toán quyết toán tổng mức đầu tư rồi mới tính giá dịch vụ, thời gian thu.

Trong khi đó, dự án vẫn chưa hoàn thành toàn bộ, chưa được quyết toán giá thì không thể thu giữa chừng. Khi thành phố đã duyệt dự án, nhà đầu tư phải cùng với các địa phương có trách nhiệm thực hiện các bước theo đúng quy định. Không thể lấy lý do còn vướng mặt bằng để kéo dài thời gian thi công và chậm hoàn thành dự án.

“Trạm thu phí BOT Xa lộ Hà Nội có lưu lượng phương tiện qua lại rất lớn, nguồn thu mỗi ngày không hề nhỏ, vì vậy phải cân nhắc rất kỹ. Không thể để phương tiện đi qua một đoạn đường gần 5km với tình trạng ùn tắc, kẹt xe, mặt đường nham nhở mà vẫn tổ chức thu phí là không đúng luật”, ông Chung khẳng định.

Vì sao đề xuất thu phí khi dự ánchưa hoàn thành?

Hiện nay Cii đã hoàn thành và đưa vào sử dụng phần trục đường chính Xa lộ Hà Nội từ cầu Sài Gòn đến nút giao Đại học Quốc gia trên địa bàn thành phố và cơ bản hoàn thành đường song hành hai bên tại các phạm vi được giao mặt bằng. Tại tờ trình số 9771/TTr-SGTVT ngày 14/8/2020 do ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT ký gửi UBND TP.HCM đánh giá, việc đưa vào khai thác đoạn tuyến này đã góp phần phát triển KT-XH, góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông qua trục đường chính, giảm ùn tắc giao thông, TNGT, giải quyết hệ thống thoát nước và tình trạng ngập úng ở một số khu dân cư lân cận hai bên trục đường.

“Mặc dù chưa được thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ, nhưng Cii phải ứng vốn thực hiện công tác quản lý và duy tu bảo dưỡng thường xuyên mặt đường, chiếu sáng công cộng, chăm sóc cây xanh, chi phí sử dụng vốn chủ sở hữu… do kéo dài thời gian bắt đầu thu. Tình trạng này nếu tiếp diễn sẽ dẫn đến Công ty Cii khó có khả năng hoàn vốn dự án cũng như khó tiếp tục thực hiện phần còn lại của dự án”, tờ trình của Sở GTVT nêu.

TNGT rình rập

Giao thông hỗn loạn tại giao lộ đường song hành Xa lộ Hà Nội - đường số 1. Ảnh: Vĩnh Phú.

Giao thông hỗn loạn tại giao lộ đường song hành Xa lộ Hà Nội - đường số 1. Ảnh: Vĩnh Phú.

Trưa 15/8, anh D.Q.T điều khiển xe máy hiệu Exciter BKS 62H1 - 175.20, lưu thông trên Xa lộ Hà Nội hướng về cầu Sài Gòn, khi đến gần ngã tư RMK (phường Trường Thọ, quận Thủ Đức), dù đi đúng làn đường nhưng vẫn bị xe container BKS 51C - 171.43 tông tử vong. Cách đó 1 ngày, PV cũng chứng kiến vụ tai nạn liên hoàn giữa 2 xe ben và xe tải khiến giao thông nhánh cầu vượt Thủ Đức hướng về trung tâm thành phố bị tê liệt hơn 2 giờ.

Theo khảo sát của PV, dọc trục đường song hành hướng từ quận 2 về quận 9, quận Thủ Đức có gần 20 đường nhánh lớn nhỏ khiến giao thông rất lộn xộn. Đoạn đường ngã ba Tây Hòa đến Khu công nghệ cao dài khoảng 5km có hơn 10 đường nhánh rẽ vào khu dân cư, các phương tiện lưu thông hỗn hợp luôn tiềm ẩn nguy cơ va chạm giao thông.

Vĩnh Phú

Tư Doãn

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/duong-chua-xong-sao-lai-muon-thu-phi-bot-xa-lo-ha-noi-d478402.html