Đường cong hạnh phúc, cuốn sách chỉ cách tìm hạnh phúc cho người trưởng thành
Tại sao nhiều người lại cảm thấy kém hạnh phúc ở độ tuổi 40 dù họ đạt được khá nhiều thành công? Tình trạng bất ổn này đến từ đâu?
Trong cuốn sách ấm áp, hấp dẫn và dí dỏm này, tác giả cuốn sách Jonathan Rauch sẽ chỉ cho độc giả thấy cuộc sống thay đổi như thế nào và tại sao nhiều người lại cảm thấy kém hạnh phúc ở độ tuổi 40 dù họ đạt được khá nhiều thành công? Tình trạng bất ổn này đến từ đâu? Và quan trọng nhất, bao giờ nó sẽ kết thúc?
Có cách nào khiến giai đoạn này qua mau không? Vì vậy, không chỉ độc giả đã và đang ở trong lứa tuổi trung niên, mọi người trưởng thành đều nên đọc tác phẩm “Đường cong hạnh phúc” đầy tính nhân văn và kích thích này.
Mở đầu cuốn sách, tác giả Jonathan nhẹ nhàng dẫn dắt độc giả đi qua các tác phẩm nghệ thuật kinh điển, nghiên cứu của nhiều nhà kinh tế, tâm lý, thần kinh học, cùng câu chuyện của một số cá nhân điển hình ở lứa tuổi trung niên trong đó có chính bản thân mình.
Qua đó, ông chứng minh cuộc sống của mọi người hầu hết đều đi theo một quỹ đạo cổ điển: dồi dào động lực ở độ tuổi 20 và ngập tràn trách nhiệm trong suốt độ tuổi 30; sau đó niềm hạnh phúc, sự hài lòng với cuộc sống bị sụt giảm mạnh mẽ ở những năm 40 tuổi, cuối cùng nó tăng trở lại vào những năm 50 tuổi trở đi. Sự suy sụp ở tuổi trung niên là hoàn toàn tự nhiên và quá trình này được gọi là “Đường cong hạnh phúc”.
Tuy nhiên, tác giả Jonathan khẳng định rằng: đây không phải là một cuộc khủng hoảng tuổi trung niên. Thay vào đó, sự sụt giảm này là một giai đoạn tự nhiên và thiết yếu của cuộc sống. Bằng cách chuyển mối quan tâm khỏi sự cạnh tranh và hướng tới lòng trắc ẩn, biết ơn và các mối quan hệ xã hội, độc giả có thể trang bị cho mình những công cụ mới để bước qua được nhanh hơn giai đoạn bất ổn này của cuộc đời.
Tác giả “Đường cong hạnh phúc” cho biết: “các nhà nghiên cứu đã khẳng định đằng sau vùng bế tắc tuổi trung niên thật ra là “một bước ngoặt, là sự thay đổi khuynh hướng cảm xúc”. Hầu như chúng ta không nhận thấy hệ giá trị của mình đã thay đổi, các kỳ vọng được điều chỉnh, bộ não được tái tổ chức. Tất cả tạo nên bước tiến trong giai đoạn hậu trung niên và sau đó là niềm hạnh phúc đáng ngạc nhiên ở tuổi già.”
Như vậy nếu cứ chờ đợi thì thời gian sẽ giúp mỗi người vượt qua được vùng bế tắc này. Tuy nhiên, việc áp dụng những biện pháp được tác giả gợi ý trong cuốn sách có thể giúp mọi người vượt qua được nhanh hơn giai đoạn chán nản này.
Theo tác giả, có một số nguyên nhân gây ra sự phiền muộn của nhiều người ở lứa tuổi trung niên bao gồm: sự chênh lệnh giữa kỳ vọng và thực tế cuộc sống, thói quen luôn so sánh mình với những người thành công khác… Trong đó có nhiều người dù được đánh giá là thành công trong sự nghiệp, có gia đình êm ấm; nhưng đến tuổi trung niên vẫn thấy chán nản ủ ê, vì đã không chinh phục được các đỉnh cao đúng như mình mong muốn. Một số khác lại luôn so sánh thành tựu của mình với những người thành công khác, kể cả khi họ hoạt động trong những lĩnh vực hoàn toàn khác nhau…
Giải pháp được tác giả tổng hợp, đề xuất giúp mỗi người có thể nhanh chóng vượt qua giai đoạn ủ ê này là hãy thực hành lòng biết ơn và ngừng ngay việc so sánh bản thân với những người khác. Để thực hành lòng biết ơn, mỗi người hãy thành thật nhìn lại mục tiêu mình đã đặt ra thời trẻ, nhất là những năm tháng mới bước vào đời, để trân trọng hơn những gì mình đã đạt được, cũng như tất cả những gì đã giúp mình có được thành quả như bây giờ. Thứ hai việc ngừng so sánh với người khác, “hãy nhìn xuống chứ đừng nhìn lên”, cũng sẽ giúp mọi người biết hài lòng với cuộc sống của bản thân.
Công trình của một số nhà nghiên cứu “kinh tế học hạnh phúc” cũng cho biết: các yếu tố xã hội - chứ không phải vật chất - mới là những yếu tố tạo ra tác động mạnh nhất đối với mức độ cảm nhận hạnh phúc của con người trong cuộc sống. Vì vậy, việc xây dựng lòng tin, nuôi dưỡng các mối quan hệ và những dạng hỗ trợ xã hội khác cũng là một giải pháp hữu hiệu giúp mọi người có được hạnh phúc, đặc biệt là những người lứa tuổi trung niên. Tham gia vài hoạt động hội nhóm phù hợp với sở thích cá nhân, chia sẻ tâm trạng/ suy nghĩ với những người bạn có thể tin tưởng, bình thường hóa mọi vấn đề… là những điều mà mọi người nên làm.
Đây chính là các cách vượt qua giai đoạn hụt hẫng tuổi trung niên một cách nhanh hơn được chính tác giả cũng như nhiều người khác thuộc mọi tầng lớp xã hội thực hành — từ một công nhân luyện thép và một người lái xe limo đến một giám đốc điều hành viễn thông và một nhà từ thiện…
Kể từ khi xuất bản, cuốn sách “Đường cong hạnh phúc” nhận được rất nhiều đánh giá tích cực của độc giả cũng như các chuyên gia, tác giả viết sách hàng đầu. Nhận xét về cuốn sách, tác giả sách bán chạy của New York Time, Tyler Cowen, viết: “Bạn có muốn hiểu rõ quỹ đạo cuộc đời mình không? Tại sao sau này bạn có thể hạnh phúc hơn bây giờ? Nếu bạn đang trăn trở về những câu hỏi này, thì ‘Đường cong hạnh phúc’ chính là xuất phát điểm phù hợp để bạn bắt đầu tìm hiểu. Và tôi mạnh dạn cam đoan rằng: niềm hạnh phúc thăng hoa sau tuổi trung niên là hoàn toàn có thật”.
Tác giả cuốn sách Jonathan Rauch là nhà nghiên cứu kỳ cựu của Viện Brooking, Washington, DC. Ông là tác giả của một số cuốn sách và nhiều bài báo về các chủ đề đa dạng như chính sách công, văn hóa, chính phủ trên các tờ báo danh tiếng như: New York Time, Wall Street Journal, The Washington Post. “Đường cong hạnh phúc” là cuốn sách nổi bật trong sự nghiệp của ông.