Đường dài cho xuất khẩu gạo: Bài 1 - Thời cơ lớn!

Việc gia tăng xuất khẩu gạo trong bối cảnh thế giới đang cầu nhiều hơn cung được cho là lợi thế cho gạo Việt không chỉ trong ngắn hạn mà cả trong dài hạn.

Cung giảm - cầu tăng

Thị trường gạo thế giới năm 2024 tiếp tục nóng khi nhà xuất khẩu gạo chiếm tỷ trọng hàng đầu thế giới là Ấn Độ gần đây liên tiếp đưa ra hai thông tin quan trọng gồm gia hạn thuế xuất khẩu 20% vô thời hạn với gạo đồ và mời thầu 35.000 tấn gạo trắng 25% tấm (non-basmati). Cụ thể, ngày 22/2 Ấn Độ công bố thông tin gia hạn thuế xuất khẩu 20% đối với gạo đồ. Trước đó, ngày 25/8/2023 nước này thông báo áp thuế xuất khẩu 20% với gạo đồ, hiệu lực đến tháng 10/2023 và sau đó được tiếp tục gia hạn đến 31/3/2024. Lần này, chính sách thuế sẽ kéo dài vô thời hạn.

Chính sách đáng chú ý nữa là Ấn Độ thông báo mời thầu 35.000 tấn gạo trắng 25% tấm (non-basmati). Được biết, lượng gạo này nhằm mục đích phục vụ cho xuất khẩu theo kênh chính phủ mà Ấn Độ cam kết với các đối tác.

Theo các số liệu về xuất khẩu gạo của Ấn Độ, mỗi năm nước này xuất khẩu từ 7 - 8 triệu tấn gạo đồ, việc gia hạn thuế nhằm đảm bảo an ninh lương thực và chống lạm phát trước kỳ bầu cử sắp tới.

Trong khi đó, Indonesia cũng ráo riết nhập khẩu gạo từ năm ngoái và hiện vẫn chưa có dấu hiệu giảm tốc. Năm 2024, Cơ quan Lương thực quốc gia Indonesia (Bulog) được cấp hạn ngạch 2 triệu tấn gạo, nhưng do vụ thu hoạch lớn vào tháng 3 và 4 bị trễ đến 2 tháng nên chính phủ nước này quyết định cho nhập khẩu 1,6 triệu tấn gạo để dự phòng những khi cần sử dụng ngay. Như vậy, trong năm 2024, quốc gia này dự kiến sẽ nhập khẩu tới 3,6 triệu tấn gạo.

Bên cạnh đó, Bangladesh hồi đầu tháng này cũng giảm thuế nhập khẩu gạo từ 63% xuống 15%, và có thể sẽ nhập khẩu 500.000 tấn gạo trong năm nay để hạ nhiệt giá gạo trong nước.

Nhiều quốc gia đang ráo riết nhập khẩu gạo nhằm đảm bảo an ninh lương thực và chống lạm phát

Nhiều quốc gia đang ráo riết nhập khẩu gạo nhằm đảm bảo an ninh lương thực và chống lạm phát

Trước đó, trong báo cáo Triển vọng lúa gạo tháng 1/2024, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đã hạ dự báo nguồn cung gạo toàn cầu niên khóa 2023 - 2024 thêm 4,5 triệu tấn so với mức trước đó. Cụ thể, theo USDA, sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2023 - 2024 sẽ đạt khoảng 513,5 triệu tấn (giảm 4,5 triệu tấn so với dự báo trước đó là 518 triệu tấn). Qua đó, đánh dấu sự sụt giảm trong năm thứ hai liên tiếp của nguồn cung gạo toàn cầu.

Nhìn chung, sản lượng gạo niên vụ 2023 - 2024 giảm mạnh ở một số quốc gia gồm: Ấn Độ giảm gần 3,8 triệu tấn; Trung Quốc giảm 1,3 triệu tấn (do diện tích thu hoạch nhỏ hơn); Thái Lan dự kiến giảm 0,9 triệu tấn (do mùa mưa đến muộn hơn mọi năm)…

Trong khi đó, tổng mức tiêu thụ được dự báo sẽ đạt 522,1 triệu tấn. Với cung - cầu như trên, dự báo thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 8,6 triệu tấn gạo trong năm 2024.

Về thương mại gạo toàn cầu trong năm 2024 dự kiến đạt 52,2 triệu tấn (xay xát), hầu như không thay đổi so với dự báo tháng trước nhưng thấp hơn 223.000 tấn so với ước tính 52,4 triệu tấn của niên vụ 2022 - 2023. Sự sụt giảm đáng kể trong thương mại gạo toàn cầu vào năm 2024 phần lớn là do các lệnh cấm và các hạn chế xuất khẩu khác do Chính phủ Ấn Độ thực hiện trong năm 2022 và 2023.

Đợt sốt gạo lần này trên thị trường thế giới, ngoài lý do bởi Ấn Độ sắp bầu cử, nguyên nhân sâu xa là do yếu tố thời tiết, khi những lo ngại về thời tiết khắc nghiệt và thiếu mưa do El Ninõ gây ra đe dọa sản lượng vụ mùa 2023 - 2024 của châu Á.

Cụ thể, điều kiện khô hạn hơn do hiện tượng khí hậu mang tính chu kỳ dự kiến sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới mùa màng. Nhiều loại cây trồng, đặc biệt là những cây phụ thuộc nhiều vào nguồn nước, bị ảnh hưởng nặng nề bởi El Ninõ. Hiện tượng này tác động đáng kể đến nguồn cung gạo toàn cầu, không chỉ ảnh hưởng đến Đông Nam Á mà còn ảnh hưởng đến toàn thế giới.

Theo đó, mới đây Chính phủ Thái Lan xác nhận, sản lượng lúa sẽ giảm khoảng 6% trong niên vụ 2023 - 2024 do thời tiết khô hạn. Trong khi đó, S&P Global Commodity Insights mới đây cũng lưu ý, sản lượng lúa giảm trong mùa Kharif 2023 - 2024 của Ấn Độ do điều kiện thời tiết khô hạn do hiện tượng thời tiết El Ninõ gây ra và việc gieo xạ vụ rabi bắt đầu muộn.

Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới dự kiến giá gạo sẽ tăng thêm 6% vào năm 2024 do “mối đe dọa từ El Ninõ, phản ứng chính sách từ các nhà xuất khẩu và nhập khẩu gạo quan trọng cũng như sự tập trung về mặt địa lý và thị trường của sản xuất và xuất khẩu gạo”.

Theo Liên hợp quốc, trong năm 2024, El Ninõ “sẽ ảnh hưởng đến lượng mưa ở nhiều nước châu Á, gây ra hạn hán hoặc lũ lụt cực đoan và do đó ảnh hưởng đến sản lượng nông nghiệp”, và những cú sốc như vậy dự kiến sẽ “nghiêm trọng hơn nhiều ở các quốc gia có nông nghiệp” chiếm tỷ trọng lớn nhất trong GDP.

Mặc dù kiểu khí hậu có tác động cực mạnh này dự kiến sẽ suy yếu vào khoảng tháng 4 nhưng Ngân hàng Thế giới cũng cảnh báo hiện tượng thời tiết El Ninõ-Dao động phương Nam (ENSO) sẽ diễn ra mạnh mẽ từ tháng 5 đến tháng 7, khiến giá gạo khó có thể giảm trước năm 2025.

Làm gì để chớp thời cơ?

Bối cảnh cung cầu của thị trường năm 2024 được Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nhìn nhận sẽ tiếp tục là cơ hội cho ngành gạo Việt Nam gia tăng xuất khẩu. “Nhu cầu gạo thế giới tiếp tục duy trì mức cao để đảm bảo an ninh lương thực, trong đó các quốc gia có nhu cầu lớn gồm Philippines, Indonesia. Đối với nguồn cung gạo, Ấn Độ vẫn tiếp tục duy trì các lệnh hạn chế xuất khẩu gạo trong năm 2024 trong bối cảnh biến đổi khí hậu vẫn tiếp diễn. Những yếu tố này sẽ góp phần quan trọng để giá gạo giữ vững mức cao đến giữa năm 2024”- ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch VFA nói.

Ngành gạo Việt Nam đứng trước thời cơ lớn để gia tăng xuất khẩu

Ngành gạo Việt Nam đứng trước thời cơ lớn để gia tăng xuất khẩu

Thực tế đã cho thấy, ngay trong những ngày đầu năm thị trường lúa gạo toàn cầu vẫn đang tiếp tục "nóng" khi giá gạo ở mức cao. Điều này đã và đang giúp lúa gạo Việt Nam hưởng lợi bởi nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã trúng các gói thầu xuất khẩu lớn với giá cao, điển hình là việc 7 doanh nghiệp trúng 10/17 gói thầu từ Indonesia vào cuối tháng 1/2024.

Nhận định về thị trường xuất khẩu gạo năm 2024, ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Sản xuất thương mại Phước Thành IV cho rằng, diễn biến của hiện tượng thời tiết nắng nóng El Ninõ làm cho sản lượng lương thực ở nhiều quốc gia bị sụt giảm. Trong bối cảnh chung đó nếu Việt Nam vẫn đảm bảo giữ vững được sản lượng lương thực thì sẽ có nhiều cơ hội chiếm lĩnh thị trường. “Ngay từ đầu năm, nhu cầu nhập khẩu gạo ở Trung Quốc, Indonesia và các quốc gia Trung Đông dự báo tăng, đây là tín hiệu khởi sắc đối với thị trường xuất khẩu gạo trong năm 2024 này”, ông Thành nhận định.

Có thể thấy, cơ hội hiện hữu là rất lớn, tuy nhiên phải làm sao để tiếp tục tận dụng cơ hội và gia tăng xuất khẩu là vấn đề mà các chuyên gia, doanh nghiệp trong ngành quan tâm. Điều này xuất phát từ chỗ, năm 2023 giá gạo biến động tăng quá nhanh dẫn đến chuỗi cung ứng bị đứt gãy từ nông dân đến thương lái, đến nhà máy xay xát chế biến và doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Do vậy, năm 2024 nhiều ý kiến cho rằng, phải có sự sắp xếp lại chuỗi giá trị ngành gạo để vừa tận dụng được cơ hội nhưng vẫn đảm bảo được lợi ích cho những người kinh doanh trong toàn chuỗi.

Xuất khẩu gạo Việt phá vỡ kỷ lục trong năm 2023

Theo dữ liệu từ Tổng Cục hải quan Việt Nam, năm 2023 Việt Nam xuất khẩu vượt 8 triệu tấn gạo (cao hơn mức 6-7 triệu tấn của những năm gần đây), với kim ngạch đạt 4,78 tỷ USD, tăng 38,4% so với năm 2022. Trong đó, xuất khẩu gạo sang Indonesia tăng gấp hơn 10 lần, sang Singapore và Ghana tăng lần lượt khoảng 40% và 60%. Giá xuất khẩu gạo trung bình trong năm 2023 là 575 USD/tấn, tăng 18,3% so với năm 2022.

Góp phần làm nên thành công này, năm qua Bộ Công Thương đã tham mưu điều hành chính sách sát với biến động thị trường, nhấn mạnh về việc doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải làm sao vừa tận dụng được cơ hội xuất khẩu gạo, vừa đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Theo đó, ngay từ vụ Đông Xuân, Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc họp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân xuất khẩu gạo, qua đó báo cáo Thủ tướng Chính phủ các giải pháp xuất khẩu gạo năm 2023. Ngoài ra, trước động thái bất ngờ của Ấn Độ về việc cấm xuất khẩu tất cả chủng loại gạo trắng thường (phi basmati), Bộ Công Thương đã kịp thời chỉ đạo các thương nhân thực hiện nghiêm túc quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP đảm bảo duy trì mức dự trữ lưu thông, cân đối xuất khẩu hiệu quả. Đáng lưu ý, Cục Xuất nhập khẩu cũng đã tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Công Thương để ban hành Chỉ thị số 07/CT-BCT về tăng cường thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu gạo và bình ổn thị trường trong nước.

Mặt khác, Bộ Công Thương tích cực đàm phán, trao đổi song phương với các đối tác nhập khẩu truyền thống, trọng điểm (Malaysia, Philippines) về việc xem xét tiến tới ký kết Bản ghi nhớ thương mại gạo. Cùng đó, ký kết với Bộ Công nghiệp nhẹ, Lương thực và Nông nghiệp Mông Cổ về Bản ghi nhớ thương mại gạo giữa Việt Nam và Mông Cổ; trong đó, Việt Nam luôn sẵn sàng cung cấp 30.000 tấn gạo cho thị trường Mông Cổ. Tổ chức Đoàn giao dịch thương mại gạo tại thị trường Trung Quốc nhằm duy trì, củng cố và mở rộng thị phần sản phẩm gạo tại thị trường này.

Bài 2 - Thị trường biến động liên tục, rủi ro thua lỗ chực chờ

Hà Duyên - Thùy Dương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/duong-dai-cho-xuat-khau-gao-bai-1-thoi-co-lon-306138.html