Đường dây 500 kV mạch 3 - bài 4: Đầu nguồn trước ngày đóng điện
Phải mất hơn chục cuộc điện thoại mới liên lạc được với Trạm trưởng Trạm biến áp 500kV Quảng Trạch Hoàng Ngọc Cảnh để đăng ký làm việc. Ông Cảnh vội vã nói qua điện thoại: 'Anh đang rất bận chuẩn bị cho việc đóng điện và khánh thành đường dây, chú cứ ra đi, ta tranh thủ trao đổi'.
Tất bật
Trạm biến áp 500kV Quảng Trạch nằm dưới chân đèo Ngang phía Quảng Bình, ngay cạnh là Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1 đang gấp rút thi công. Theo thiết kế, nhà máy này gồm 2 tổ máy với tổng công suất lắp đặt 1.200MW, khi đi vào vận hành, nhà máy sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia sản lượng điện thương phẩm khoảng 7,8 tỷ kWh/năm, có tổng vốn đầu tư gần 2 tỷ USD. Trạm biến áp này được xây dựng cũng là nhằm đón điện từ Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I, dự kiến hoàn thành vào năm 2026.
Vừa bước qua cổng trạm biến áp, đập vào mắt chúng tôi là hàng chục lao động đang tất bật dựng rạp để chuẩn bị cho ngày khánh thành sắp tới. Ông Cảnh đón chúng tôi từ cổng bằng chiếc xe điện 4 bánh. “Khuôn viên trạm lớn lắm, phải đi xe này, không là khó mà đi hết được” - ông Cảnh bắt đầu “khoe” về trạm biến áp của mình.
Ông Cảnh cho biết, trạm biến áp 500kV Quảng Trạch khánh thành đóng điện vào năm 2022. Lâu nay, trạm có nhiệm vụ kết nối với trạm 500kV Vũng Áng (Hà Tĩnh) và trạm 500kV Dốc Sỏi (Quảng Ngãi) để phân phối điện ra Bắc, vào Nam tùy theo lệnh điều độ. Vừa rồi, để chuẩn bị cho kết nối mạch 3, từ đây ra Phố Nối (Hưng Yên) truyền tải điện đã đầu tư thêm một khu biến áp riêng, đã hoàn thành và chỉ chờ ngày đóng điện.
Ông Cảnh tiết lộ, Lễ khánh thành dự án 500kV mạch 3 Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) sẽ được tổ chức 9 địa điểm, trong đó điểm chính nằm tại Phố Nối, các điểm còn lại sẽ tổ chức theo hình thức trực tuyến, thông qua cầu truyền hình. Dẫn chúng tôi đến khu vực trạm biến áp mới vừa được đầu tư, chờ ngày đóng điện, ông Cảnh kể: “Đáng ra là rạp được dựng để tổ chức lễ khánh thành ngay trong khuôn viên khu trạm mới này luôn. Nhưng vừa rồi, khi bên tổ chức sự kiện vận chuyển thiết bị vào lắp ghép thì bị điện giật do nhiễm từ, nên phải di chuyển ra phía văn phòng điều hành”.
Ông Cảnh nói, sự kiện đóng điện và lễ khánh thành đường dây 500kV mạch 3 Quảng Bình - Hưng Yên có thể nói là ngày trọng đại của ngành điện, là mong mỏi lâu nay của người dân, nên công tác chuẩn bị cho buổi lễ được quán triệt hết sức chu đáo, phải lường trước tất cả các tình huống và đặc biệt là an toàn tuyệt đối.
Trở lại trụ điện “khó nhằn” nhất đường dây
Từ trạm biến áp 500kV Quảng Trạch nhìn ngược lên đỉnh Đèo Ngang chi chít trụ điện cao thế sừng sững, giăng mắc dây dợ, ánh thép sáng lòa dưới ánh mặt trời. Qua ống kính siêu zoom, tôi phát hiện trên đỉnh trụ điện số 9 - trụ điện “khó nhằn” nhất đường dây mà tôi đã từng đến viết bài, vẫn còn bóng người đu bám trên đó.
Những người mà tôi gặp lại ở trụ điện số 9 hoàn toàn mới. Cũng là người của Công ty Xây lắp điện 4, nhưng họ là đội kéo dây, thay cho đội thi công lắp ghép trước đây. Vừa chỉ huy anh em kéo dây, vừa trò chuyện với chúng tôi, anh Ngô Khương Duy, đội trưởng đội 5 cho biết: Ở khu vực Đèo Ngang này, đến nay cơ bản đã hoàn thành việc kéo dây. Chỉ duy nhất trụ điện số 9, anh em đang hoàn tất những công đoạn cuối cùng và phải hoàn thành trong ngày hôm nay, để ngày mai đóng điện, nối từ Trạm biến áp 500kV Quảng Trạch (Quảng Bình) ra Trạm biến áp 500kV Quỳnh Lưu (Nghệ An).
Đội của anh Duy có 24 người, được giao phụ trách kéo hơn 1km đường dây về gần đến Trạm biến áp 500kV. Tất cả đã hoàn thành, chỉ còn duy nhất việc nối dây tại trụ số 9. Cũng như đội lắp ráp trước đây, anh Duy lắc đầu ngao ngán khi nói về sự “khó nhằn” của cái trụ điện số 9 này. Chỉ tay về phía Bắc đỉnh trụ, anh Duy nói: “Trụ điện này nó nằm ở ngã ba và bị kẹp giữa hai đường dây, trong lúc đó, đường dây của nó lại vượt lên trên hai đường dây kia. Để đưa một sợi dây lên đến đỉnh hoàn toàn không hề đơn giản, buộc phải cắt điện ở hai đường dây kia để tránh nhiễm từ, phóng điện gây nguy hiểm”.
Ông Nguyễn Đình Thọ, Phó giám đốc Ban Quản lí dự án (BQLDA) các công trình điện miền Trung cho biết: Ông được giao phụ trách thi công đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đi Quỳnh Lưu (Nghệ An), với chiều dài 225km. Có thể nói, đây là đoạn đường dây khó thi công nhất trong toàn tuyến vì địa hình đồi núi phức tạp. Với tinh thần “vượt nắng thắng mưa”, toàn bộ lãnh đạo BQLDA và anh em công nhân đã gắng sức bằng hai, bằng ba để không phụ tâm huyết của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và sự mong mỏi của nhân dân. Đến thời điểm này, tất cả đã hoàn thành, chỉ chờ thời khắc bấm nút khánh thành.
Theo anh Duy, việc kéo dây vượt đường dây khác thì nhiều nơi vẫn có nhưng ở trụ điện số 9 này nó khó khăn gấp bội phần. Gió Lào quá lớn, vượt nhiều lần mức an toàn. Hơn nữa, loại siêu cần cẩu dùng để cẩu dây điện lại rất hiện đại, có cảm ứng, gió quá to gây rung lắc là nó không cho phép vươn cần lên cao. “Anh em chúng tôi đánh vật với gió Lào ở trụ điện này mất hơn 1 tuần. May mấy hôm nay dịu gió, nên anh em mới có điều kiện để thi công” - anh Duy kể.
Anh Duy cho biết: Hơn hai mươi người trong đội kéo dây của anh đều có thâm niên trong nghề, nhưng ở trụ điện số 9 này không phải ai cũng có thể trèo lên đỉnh cột để thi công. Những người được lựa chọn lên đó, ngoài thâm niên, kinh nghiệm còn phải có sức khỏe để chống chọi với gió Lào. Chỉ cần sơ suất là gió thổi bay người văng ra khỏi trụ điện.
Anh Duy quê ở tỉnh Bắc Giang, thế nhưng từ giữa tháng 3/2024 đến nay, anh và anh em trong đội chưa ai được về nhà. Đội của anh thi công đường dây 500kV - mạch 3 này từ phía Bắc vào, hết lắp ghép trụ điện vùng đồng bằng Bắc bộ, rồi sang Nam Định, Thanh Hóa xong thì vào vùng Đèo Ngang này kéo dây.
Anh Duy tâm sự: “Hôm nay là ngày làm việc cuối cùng của anh em ở đường dây mạch 3 này, ai cũng phấn chấn, nỗ lực để kết thúc sớm công việc. Chắc chắn anh em sẽ được công ty cho xả hơi một thời gian rồi lại lên đường đến một nơi xa xôi nào đó tiếp tục công việc. Dân thi công điện là thế, nay đây, mai đó, xa nhà, xa người thân, gia đình… nhiều khi cũng nhớ, cũng cô đơn, nhưng tất cả sẽ xóa nhòa trong niềm hân hoan, khi mỗi đường dây được đóng điện an toàn.
(Còn nữa)