Đường dây 500 kV mạch 3 - Đường tạm sớm thông, móng cột sớm đúc
Doanh nghiệp thi công mong rằng các cấp chính quyền hỗ trợ trong vấn đề đường tạm, mặt bằng để đưa dự án về đích đúng tiến độ cam kết, đảm bảo chất lượng.
Để thi công một trụ điện 500 kV mạch 3, bên cạnh công đoạn sản xuất, lắp ráp, kéo dây, thì thi công móng cột được nhiều đơn vị đánh giá là khó khăn và mất nhiều thời gian hơn cả. Bởi ngoài thời gian chờ đông kết bê tông, việc thi công ngoài công trường phải chịu nhiều ảnh hưởng từ yếu tố thời tiết, địa chất, di chuyển máy móc thiết bị hàng trăm tấn, hay thậm chí là rủi ro tiến độ đến từ phía người dân chậm bàn giao mặt bằng. Việc thi công móng cột trên công trường đang được các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ. Mặt bằng đã có, nhân lực, thiết bị thi công đã sẵn sàng, song điểm “then chốt” là đường thi công tạm vẫn chưa có để nhà thầu ra vào tập kết máy móc, thiết bị, vật liệu tại công trường.
Chúng tôi có mặt tại vị trí 70 thuộc xã Đồng Sơn, Nam Trực, Nam Định, hơn 20 công nhân của Công ty TNHH Duyên Hà – nhà thầu phụ của Công ty cổ phần Thương mại Xây lắp điện công nghiệp Thăng Long đang hối hả làm việc, thi công móng bản cho dự án Đường dây 500 kV mạch 3 đoạn Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Nam Định 1 – Phố Nối.
Ông Nguyễn Văn Tiên, Chỉ huy trưởng tại công trường vị trí thi công móng số 69-70-71 cho biết, đơn vị thầu phụ thi công gói thầu số 46 với 8 vị trí móng cột 69-74 và 80, 81 của dự án NMNĐ Nam Định 1 – Phố Nối. Nắm được tinh thần dự án, sau khi ký hợp đồng, Duyên Hà đã tập trung huy động máy móc, nhân lực, tập kết vật tư, triển khai đúng tinh thần dự án, thi công xuyên lễ Tết, thực hiện 3 ca 4 kíp nhằm đảm bảo tiến độ.
“Bình thường ở các dự án khác, mỗi vị trí móng cột có khoảng 15-20 lao động chia làm 2-3 ca. Hiện chúng tôi đã tăng gấp đôi nhân lực, thêm 65 người từ các đơn vị sản xuất, lắp ráp chia cho 3 vị trí móng, làm ngày đêm để đẩy nhanh tiến độ thi công”, Chỉ huy trưởng Nguyễn Văn Tiên chia sẻ.
Đến thời điểm đầu tháng 3 này, tiến độ triển khai với vị trí móng bản số 70 đã hoàn thành hơn 50%, các vị trí còn lại cũng đã bước vào giai đoạn thi công liên tục, không kể nắng mưa, ngày đêm.
“Toàn bộ 3 vị trí móng theo cam kết của nhà thầu sẽ được bàn giao đến ngày 20/3 cho tổ dựng cột. Vì thời gian thi công ngắn nên đơn vị đã huy động tối đa máy móc thiết bị, nhân lực để đẩy nhanh tiến độ và chúng tôi cam kết đúng chỉ đạo của Chính phủ. Để động viên anh em lao động, Công ty cổ phần Thương mại Xây lắp điện công nghiệp Thăng Long cũng có chế độ thưởng thêm, tăng lương, cũng như tăng dinh dưỡng vào các bữa ăn thêm. Đồng thời trong quá trình làm, chúng tôi cũng phối hợp với chủ đầu tư, địa phương liên tục báo cáo tiến độ hàng ngày để kịp thời xử lý các khó khăn vướng mắc phát sinh”, ông Nguyễn Văn Tiên cho biết thêm.
Cũng với tinh thần quyết tâm, tạo nên “kỳ tích” đưa đường dây 500 kV mạch 3 vào đúng tiến độ đóng điện trong tháng 6/2024, nhà thầu Công ty cổ phần Alphanam thi công gói 56 dự án NMNĐ Nam Định 1 – Phố Nối với 10 vị trí từ 190a-196 đang đưa lượng lớn công nhân và máy móc tiến ra công trường.
Ông Ngô Xuân Thụy, Chỉ huy trưởng tại công trường của nhà thầu Alphanam cho hay, với tính cấp bách của dự án, nhà thầu đang thi công các móng bản, cốt thép và đổ bê tông móng. Việc đúc cọc bê tông thử đã làm ở trên 7 vị trí để tiến tới sản xuất, lắp ráp đại trà, 5 vị trí máy móc đang thi công tại công trường và 3 vị trí đã có đường tạm.
“Chúng tôi ngoài việc tăng số lượng lao động, máy móc ra công trường, thì cũng làm đồng thời các công việc đúc cọc, ép cọc theo quy trình, vị trí nào đủ tuổi cọc là tiến hành thi công. Để đẩy nhanh tiến độ, động viên người lao động, đơn vị đã có chế độ thêm lương thưởng, hỗ trợ đặc biệt hơn với anh em tăng ca, tăng kíp, cùng đó trang bị thêm các thiết bị bảo hộ, an toàn cho lao động. Chúng tôi phấn đấu đến 30/4 sẽ bàn giao toàn bộ 10 vị trí móng theo đúng tiến độ đề ra”, ông Thụy cam kết.
Mặc dù các nhà thầu đều đang dồn lực cho mạch 3 nhưng ghi nhận thực tế tại công trường cho thấy, các nhà thầu vẫn đang gặp nhiều khó khăn vì các yếu tố khách quan.
Tại cuộc họp giao ban tháng 3 mới đây của Ban Chỉ đạo Nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam ( EVN), ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Thi công móng cọc là phần công việc đòi hỏi kỹ thuật và kinh nghiệm, thời gian thi công dài và phải có máy thi công chuyên ngành như robot ép cọc, máy đóng cọc. Việc đồng thời huy động số lượng lớn các máy thi công này cho hàng trăm vị trí móng cọc trên toàn tuyến đường dây trong thời gian ngắn là rất khó khăn. Tại nhiều địa phương không có máy ép cọc/đóng cọc công suất lớn nên phải huy động từ các vùng miền khác gây chậm tiến độ. Ngoài ra máy ép cọc có tải trọng lớn (200 tấn/máy), nhiều vị trí móng bị cô lập bởi xung quanh là ao - đầm - kênh - sông nên việc mở đường vào cho máy ép cọc mất nhiều thời gian, công sức và chi phí.
Ông Ngô Xuân Thụy cho hay, trong toàn bộ các vị trí của nhà thầu Alphanam thi công, tại vị trí 195a-196 trên địa bàn xã Bắc Sơn, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình còn gặp khó. Đơn vị tuy đã nhận mặt bằng nhưng việc mượn đường vào của địa phương để thi công vị trí móng phải đi hơn 1 km đường bê tông của UBND xã Bắc Sơn.
“Đơn vị thi công được yêu cầu phải đặt cọc số tiền lớn và làm mới hoàn toàn con đường sau khi hoàn tất thi công. Tại các xã của huyện Hưng Hà như Tây Đô, Đông Đô, Duyên Hải và Văn Cẩm, người dân đều ủng hộ và cam kết là hỏng ở đâu thì sửa ở đó. Nhưng riêng người dân xã Bắc Sơn lại yêu cầu làm mới hoàn toàn con đường và nhà thầu đặt cọc 400 triệu đồng. Vì thế nên vị trí 195a và 196 (2 vị trí chung đường tạm), chúng tôi vẫn chưa thể triển khai được dù máy móc đã sẵn sàng”, ông Thụy cho biết.
Đây cũng là trở ngại của các đơn vị thi công móng cột khi muốn đẩy nhanh tiến độ. Thực tế, các thiết bị máy móc, nhân lực đã sẵn sàng, chỉ đợi sớm thỏa thuận có tuyến đường vào công trường để tập kết máy móc thi công.
Nói thêm về vấn đề này, tại vị trí 195a, ông Hà Trọng Cường, Trưởng ban Tiền phương 4 – Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc (NPMB), phụ trách tỉnh Thái Bình của Dự án Đường dây 500 kV NMNĐ Nam Định 1 – Phố Nối cho biết, vị trí này người dân chưa cho mượn đường tạm để vào công trường, đồng thời yêu cầu nhà thầu đặt cọc với giá trị lớn.
“Chúng tôi đã cùng địa phương, nhà thầu thỏa thuận giảm tiền đặt cọc từ 1,6 tỷ xuống còn 400 triệu đồng. Dù vậy vẫn khó khăn khi người dân còn lo ngại như một số công trình xây dựng cơ sở hạ tầng khác, nhà thầu không hoàn trả lại hiện trạng con đường sau khi thi công”, Trưởng ban Tiền phương 4 Hà Trọng Cường chia sẻ.
Theo các đơn vị thi công tại công trường, dự án Đường dây 500 kV mạch 3 với 4 dự án thành phần là dự án lớn, được sự chỉ đạo trực tiếp từ Chính phủ và các bộ, ngành. Cùng đó công khai từ chính quyền đến người dân trong bồi thường giải phóng mặt bằng. Do vậy, về cơ bản, người dân nắm được, tạo điều kiện, đồng thuận và phối hợp với nhà thầu, Chủ đầu tư. Vướng mắc duy nhất hiện nay là đường vào các vị trí thi công. Đây là hậu quả của một số dự án xây dựng để lại khi máy móc vào làm hỏng đường nhưng nhà thầu không quay trở lại để hoàn trả hiện trạng, sửa chữa cho người dân.
Công ty cổ phần Xây lắp điện 4 – đơn vị được giao thi công 2 gói thầu 63 gồm 14 vị trí móng cột của Bình Giang (Hải Dương) và gói 66 gồm 7 vị trí tại Mỹ Hào (Hưng Yên), thuộc dự án 500 kV mạch 3 NMNĐ Nam Định 1 – Phố Nối. Tính đến nay, đơn vị này đã thi công được 1 tháng và tiến độ vẫn đang bám sát kế hoạch đề ra, theo tiêu chí "vượt nắng, thắng mưa", làm xuyên lễ Tết.
Ông Vũ Đăng Nhân, cán bộ kỹ thuật của đơn vị cho hay: “Tiến độ được phân từng giai đoạn cụ thể, phần móng chúng tôi cố gắng xong trước ngày 20/4, phần dựng cột thì đã sẵn sàng chuẩn bị, vị trí nào đúc móng xong trước có thể dựng cột luôn, chứ không nhất thiết phải đúc móng xong mới lắp dựng cột. Trên công trường, chúng tôi cũng linh hoạt bố trí đan xen, việc nào cần kíp làm trước thì làm, máy móc và nhân lực luôn sẵn sàng”.
Tại vị trí 305a Mỹ Hào (Hưng Yên), cỗ máy hơn 300 tấn đang thực hiện ép cọc thủy lực cho dự án. Với khối lượng lớn, để đưa được máy vào công trường, nhà thầu Xây lắp điện 4 đã phải đắp nền đường vào, củng cố nền đất với hàng chục nghìn m3 đất đá, phế thải chở từ nhiều nơi đến.
“Dù được nèn rất kĩ, nhưng do thời gian gấp, vật liệu làm đường tạm cũng không nhiều, nên có những vị trí vẫn bị lầy, rất khó thi công bởi địa chất khu vực đồng ruộng. Không chỉ vậy, có những vị trí trên gói thầu được giao, khi chúng tôi tập kết máy móc, thiết bị để triển khai làm, một số hộ dân còn gây cản trở do liên quan vấn đề giá đền bù đất mượn thi công”, ông Nhân nói.
Theo chia sẻ của nhà thầu này, đất mượn ở 1 vị trí móng lên tới hàng chục nghìn m2, mỗi m2 người dân chỉ cần yêu cầu thêm 10.000 đồng, số tiền đã lên tới hàng trăm triệu. Đây là số tiền không nhỏ với doanh nghiệp khi thi công trên toàn tuyến với nhiều vị trí.
“Lúc đầu nhà thầu và người dân đã thống nhất về giá đền bù nhưng sau khi đơn vị vào đào móng, bơm cát đáy móng, đúc lót, chuyển cốt thép ra thì người dân lại yêu cầu dừng thi công. Mong rằng các cấp chính quyền hỗ trợ cho đơn vị thi công trong vấn đề này để chúng tôi sớm đưa dự án về đích đúng tiến độ cam kết, đảm bảo chất lượng”, ông Vũ Đăng Nhân đề xuất.
Bài cuối: Cung cấp cột thép, mốc tiến độ quan trọng