Đường dây 500 kV mạch 3 - đường Trường Sơn công nghiệp hóa thời bình - Bài 1: Con đường lịch sử
Dự án đường dây 500 KV mạch 3 đang chạy đua cùng thời gian về đích để sớm giải bài toán năng lượng, tạo mạch máu cho nền kinh tế đất nước.
Những ngày cuối tháng Ba, đầu tháng Tư, nhóm phóng viên Báo Công Thương đã có mặt đi dọc hành trình hơn 500 cây số từ miền gió Lào cát trắng Quảng Trạch (Quảng Bình) đến xứ nhãn lồng Phố Nối (Hưng Yên), ghi nhận câu chuyện về một con đường lịch sử…
Từ trăn trở của Tổng Bí thư và sự ra đời đường dây 500 kV mạch 1...
Một ngày đầu tháng Ba, khi mây mù và sương sớm còn chưa tan trên những sườn núi Thanh Hóa, chúng tôi theo chân Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Đặng Hoàng An có mặt trên công trường thi công dự án đường dây 500 kV mạch 3, cung đoạn Nhà máy nhiệt điện Nam Định 1 – Thanh Hóa.
Là người hơn 30 năm gắn bó với ngành điện, ông Đặng Hoàng An thấu hiểu ý nghĩa lịch sử của dự án này không chỉ vì những chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên mà còn bởi đường dây hôm nay là sự tiếp nối lịch sử phát triển năng lượng nước nhà ngay sau những năm đầu của công cuộc đổi mới đất nước.
Ở tuổi 86, trí nhớ đã không còn minh mẫn như xưa, nhưng trong những cuộc trò chuyện “ôn cố tri tân”, GS Trần Đình Long, nguyên giảng viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam từ (1990 đến nay), một trong những người có đóng góp quan trọng cho việc mở đường dây 500 kV mạch 1, vẫn dành niềm tự hào lớn cho ngành điện. GS Trần Đình Long nhớ lại: “Gần Tết năm 1992, chúng tôi nhận được tin báo “sẽ đón lãnh đạo đến chúc Tết” song lãnh đạo là ai thì vẫn còn là “bí mật”. Tết đó, Tổng Bí thư Đỗ Mười, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Thế Duyệt cùng các cán bộ bên Ủy ban Khoa học Kỹ thuật thành phố đến chúc Tết”.
Theo GS Trần Đình Long, trong buổi gặp gỡ đó, sau khi thăm hỏi, động viên anh em, Tổng Bí thư Đỗ Mười nói ngay rằng ông vừa đi công tác trong miền Nam ra, tình hình cung cấp điện ở miền Nam và miền Trung rất tồi tệ, mỗi tuần cắt điện 4 - 5 ngày, trong khi miền Bắc lại thừa điện. Đó là tình trạng vô lý nên phải tìm cách đưa điện từ miền Bắc vào. Nghe vậy, ông Long liền trình bày với Tổng Bí thư rằng một số nhà khoa học cũng rất quan tâm, nhưng làm sẽ rất khó khăn. Tổng Bí thư Đỗ Mười đồng ý với quan điểm này nhưng vẫn khẳng định rằng “khó nhưng vẫn phải làm”.
Sau Tết, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) Võ Văn Kiệt mời ông Long lên thảo luận vấn đề tương tự. Thủ tướng nói rõ: “Chính phủ đã quyết tâm làm. Giới khoa học các anh phải có trách nhiệm chứng minh được tính khả thi về khoa học và kỹ thuật của công trình".
TS Thái Phụng Nê - nguyên Bộ trưởng Bộ năng lượng nói rõ hơn về quyết định lịch sử của Tổng Bí thư Đỗ Mười: Tháng 2/1992, Bộ Chính trị họp, thông qua phương án xây dựng đường dây 500 kV, và được Tổng Bí thư Đỗ Mười đồng ý phê duyệt. Nhưng, trước khi đặt bút phê duyệt, Tổng Bí thư đã thể hiện trách nhiệm, tấm lòng vô cùng cao cả với nhân dân, đất nước. TS Thái Phụng Nê kể: Tết âm lịch năm 1992, Tổng Bí thư Đỗ Mười đến nhà GS.TSKH Trần Đình Long chúc tết, mặc dù trong không khí đón Xuân, song ông Đỗ Mười vẫn canh cánh công việc: “Tôi ở miền Nam ra, ở đó thiếu điện ghê gớm lắm, về việc ổn định vận hành đường dây 500 kV ý của giáo sư thế nào, khi đường dây được kéo, trùng vào một phần tư bước sóng thì sao?”. Ông Long giải thích: “Đường dây được chia 4 đoạn và có 1 trạm cắt điện khi xảy ra sự cố được đặt ở Hà Tĩnh. Có các máy bù tự động tần số và điện áp đặt ở các trạm. Xin báo cáo để đồng chí Tổng Bí thư có thể yên tâm”. Sau khẳng định khoa học đó, Tổng Bí thư Đỗ Mười quyết định khởi công đường dây 500 kV.
Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam, nguyên Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Việt Nam, thời điểm ấy là giám đốc Công ty Xây lắp điện 3 cũng nhớ như in kỷ niệm về cái Tết năm 1991, Thủ tướng Võ Văn Kiệt mời một số cán bộ chủ chốt của Bộ Năng lượng gồm các ông Vũ Ngọc Hải (Bộ trưởng Bộ Năng lượng), Bùi Văn Lưu (Giám đốc Công ty Điện lực 2), Lê Liêm (Thứ trưởng Bộ Năng lượng), Trương Bảo Ngọc (Giám đốc Công ty Tư vấn thiết kế điện 1), Trần Viết Ngãi (Giám đốc Công ty Xây lắp điện 3)… đến nhà khách của Công ty Điện lực 2 (đường Hai Bà Trưng, TP Hồ Chí Minh) ăn cơm để bàn cách đưa điện từ Bắc vào Nam.
Nghe Thủ tướng nêu câu hỏi, ông Vũ Ngọc Hải trình bày: Muốn đưa điện vào Nam chỉ có cách xây dựng đường dây siêu cao áp. Nhưng khi ấy trên thế giới chỉ có hai loại đường dây siêu cao áp: hoặc 400 kV hoặc 500 kV. Phổ biến vẫn là 400 kV. Riêng một số nước như Pháp, Nga dùng 500 kV nhưng họ chỉ làm từ 400-500 km là dài lắm rồi, còn ở Việt Nam nếu làm thì ít nhất không dưới 1.500 km. Thủ tướng nói với ông Hải: “Tôi giao ông trong ba ngày phải trả lời có làm được hay không!”.
Ngày 25/2, Thủ tướng Võ Văn Kiệt phê duyệt Báo cáo khả thi của công trình 500 kV Bắc - Nam. Ngày 5/4, Thủ tướng ra lệnh khởi công ở ba vị trí cột 54, 852 và 2702 trên tuyến đường dây với tổng số 3.437 vị trí cột. Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị và toàn dân nên chỉ sau gần 2,5 năm, công trình hoàn thành “trong sự ngỡ ngàng, khâm phục của bạn bè quốc tế”. Tháng 5/1994, công trình cơ bản hoàn thành, bắt đầu đóng điện thử. Dấu mốc quan trọng nhất là hồi 19h06 ngày 27/5/1994 hòa điện lần đầu tiên giữa hệ thống điện miền Nam với miền Bắc, thực hiện tại Đà Nẵng. Lưới điện ba miền Bắc - Trung - Nam đã hòa vào một. Cũng sau đó, chỉ chưa đầy ba năm, tổng số vốn đầu tư hơn 500 triệu USD vào công trình này đã thu lại được và mở ra một kỷ nguyên mới cho việc bảo đảm an ninh năng lượng đất nước, giúp đất nước đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới và công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Đến Nghị quyết 55 được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phê duyệt
Còn nhớ năm 2018, khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới thăm và làm việc tại Bộ Công Thương, Tổng Bí thư rất quan tâm lắng nghe những kiến nghị của lãnh đạo Bộ về phát triển nguồn điện cho đất nước. Theo lãnh đạo Bộ khi đó, để có ngành điện đi trước một bước, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia thì Đảng và Nhà nước đã có những chủ trương, chính sách quan tâm đặc biệt. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ cũng dự báo, giai đoạn 2021 – 2025, khả năng cung cấp điện gặp rất nhiều khó khăn và đề xuất Đảng, Chính phủ cần có Nghị quyết, chủ trương lớn về phát triển năng lượng tới năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời sớm có cơ chế cho các dự án điện.
Ít lâu sau đó, tối 4/2/2019, ngay trước thời khắc chuyển giao sang năm mới Kỷ Hợi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đoàn công tác tới thăm hỏi, động viên và chúc Tết Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Tổng Bí thư khẳng định, ngành điện là ngành công nghiệp mũi nhọn của đất nước. Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, điện khí hóa toàn quốc, EVN đóng vai trò hết sức quan trọng là đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước và đời sống sinh hoạt của nhân dân.
Tròn một năm sau, ngày 11/02/2020, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục ký ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Với việc ký ban hành Nghị quyết này, Tổng Bí thư đã hiện thực hóa lời đề nghị của lãnh đạo Bộ Công Thương về việc cần có Nghị quyết, chủ trương lớn về phát triển năng lượng.
Một trong những chủ trương lớn rất đáng lưu ý là nghị quyết 55 khẳng định phải: “Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái”.
Nghị quyết cũng chỉ rõ phải phát triển hạ tầng truyền tải điện: “Xây dựng hệ thống lưới điện thông minh, hiệu quả, có khả năng kết nối khu vực; bảo đảm cung cấp điện an toàn, đáp ứng tiêu chí N-1 đối với vùng phụ tải quan trọng và N-2 đối với vùng phụ tải đặc biệt quan trọng…”. “Rà soát, bổ sung, điều chỉnh các cơ chế, chính sách đặc thù cho một số dự án năng lượng quan trọng, đặc biệt đối với các dự án đầu tư nguồn điện cấp bách; bảo đảm đầy đủ vốn cho các doanh nghiệp năng lượng nhà nước thực hiện các mục tiêu chiến lược và nhiệm vụ gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh”.
Quy hoạch chiến lược gọi tên con đường chiến lược
Tháng 5/2023, sau một chặng đường rất dài chuẩn bị, chỉnh sửa, bổ sung, Quy hoạch điện VIII đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mở ra không gian phát triển mới, kỷ nguyên mới của ngành năng lượng Việt Nam. Từng câu, từng chữ mở đầu bản quy hoạch mang tầm chiến lược này đã toát lên khát vọng “đi trước, mở đường cho phát triển”: “Điện là ngành hạ tầng quan trọng, phát triển điện lực phải đi trước một bước tạo nền tảng thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, nâng cao đời sống Nhân dân và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Quy hoạch phát triển điện phải có tầm nhìn dài hạn, hiệu quả, bền vững và đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết”.
Và để hiện thực hóa khát vọng ấy, theo bản quy hoạch, nhu cầu đầu tư nâng cấp hạ tầng lưới điện sẽ rơi vào khoảng 11% tổng nhu cầu vốn của ngành điện giai đoạn 2021-2030, tương đương với khoảng 1,48 tỷ USD mỗi năm, và 7% trong giai đoạn 2031-2050; tương đương với khoảng 1,74 tỷ USD mỗi năm. Trong đó, đặc biệt có dự án đường dây 500 kV mạch 3 kéo dài (Quảng Trạch – Phố Nối) với tổng mức đầu tư 23.000 tỷ đồng, gồm 4 dự án thành phần.
Dự án có tổng chiều dài ước tính khoảng 514 km kéo dài từ nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch (Quảng Bình) tới Phố Nối (Hưng Yên). Đây là dự án quan trọng trong cung ứng điện nói chung và truyền tải điện của Việt Nam nói riêng; việc hoàn thiện dự án sẽ giúp tăng công suất truyền tải điện từ miền Trung ra miền Bắc từ 2.200 MW lên 5.000 MW nhằm giải quyết vấn đề cung ứng điện cho miền Bắc đang gặp rất nhiều khó khăn, cấp bách.
Có chuyên gia đã ví von nếu như đường dây 500 kV mạch 1 là cuộc hành quân Nam tiến để đưa điện từ Bắc vào Nam thì lần này, đường dây 500 kV mạch 3 lại là cuộc hành quân Bắc tiến – đưa điện từ miền Nam, miền Trung ra miền Bắc. Chuyên gia năng lượng Nguyễn Đăng Hoạch phân tích: Theo Quy hoạch điện VIII, cụm các dự án đường dây 500 kV cung đoạn Quảng Trạch - Quỳnh Lưu - Thanh Hóa - Nam Định 1 - Phố Nối dự kiến đưa vào vận hành giai đoạn 2025 - 2026. Tuy nhiên, mới đây, Chính phủ đã yêu cầu khẩn trương xây dựng đường dây này để đưa vào vận hành trước tháng 6/2024.
Hiện khả năng truyền tải điện từ miền Trung ra miền Bắc qua đường dây 500 kV Bắc - Trung luôn ở ngưỡng giới hạn cao (giới hạn tối đa từ 2.500 MW đến 2.700 MW). Nếu vượt quá mức giới hạn này, sẽ dẫn đến nguy cơ rã lưới, ảnh hưởng đến việc cấp điện cho toàn hệ thống. Vì thế, nâng cao năng lực truyền tải từ miền Trung ra Bắc được đặt ra cấp bách, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc kết nối lưới điện liên miền, góp phần bảo đảm cung ứng điện cho miền Bắc vào các năm 2024 - 2025. Do đó, cần có những giải pháp kịp thời và hiệu quả để phát triển nguồn điện và truyền tải điện cho khu vực này. Đó là lý do đường dây 500 kV Quảng Trạch - Phố Nối phải hoàn thành càng sớm càng tốt.
Ngày 8/7/2023, Bộ Công Thương đã yêu cầu EVN phải triển khai ngay công việc xây dựng đường dây này và đưa vào vận hành trong tháng 6/2024. Từ giữa năm 2023 đến nay, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên với vai trò Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng đã 8 lần chủ trì cuộc họp giao ban (cả trực tiếp lẫn trực tuyến) để đôn đốc tiến độ thực hiện các dự án đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên).
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các đơn vị liên quan phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, đẩy nhanh tiến độ, đưa dự án về đích đúng hẹn. Bộ trưởng nhấn mạnh, việc hoàn thành đường dây 500 kV mạch 3 không chỉ giúp đảm bảo an ninh năng lượng, nhất là đối với khu vực miền Bắc, mà còn làm nhiệm vụ liên kết lưới điện khu vực và lưới điện quốc gia ở cấp điện áp 500 kV, góp phần giúp “trục xương sống” truyền tải điện ngày càng vững chắc hơn.
Dấu chân Thủ tướng, Bộ trưởng trên “con đường áp lực”
Về phía Chính phủ, người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã hai lần thăm, kiểm tra trực tiếp thực địa công trường và có nhiều chỉ đạo quan trọng. Chiều 27/1/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác đi thị sát hiện trường, kiểm tra tiến độ thi công, động viên và tặng quà cán bộ, công nhân, người lao động trên công trường.
Thủ tướng cho rằng, dự án 500 kV mạch 3 kéo dài là dự án trọng điểm quốc gia, cấp bách, có vai trò quan trọng đối với an ninh năng lượng quốc gia, nhất là đối với khu vực miền Bắc; đòi hỏi sự vào cuộc của các bộ, ngành, cả hệ thống chính trị, các tỉnh, địa phương có đường dây đi qua.
Với tầm quan trọng, lẽ ra dự án này đã phải triển khai nhiều năm trước, song do nhiều nguyên nhân dự án bị chậm. Do đó, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt triển khai dự án, bù thời gian chậm, phấn đấu tháng 6/2024 hoàn thành dự án. “Mục tiêu này là áp lực lớn, đòi hỏi phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc gì dứt việc đó”, Thủ tướng chỉ rõ.
Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành, cơ quan, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty thực hiện các công việc theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, thống nhất ý chí, cùng nhau hành động, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, phối hợp chặt chẽ, đổi mới tư duy, cách làm, tiếp tục phát huy thành tựu, khắc phục hạn chế, xử lý các khó khăn, vượt qua các thách thức, tìm được đầu ra cho các vấn đề cần giải quyết, “việc nào ai làm tốt hơn thì giao người đó làm”. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu “đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện có hiệu quả; Đảng đã có chủ trương thì chúng ta phải thực hiện nghiêm túc”.