Đường dây 'alo lừa đảo' 500 tỷ đồng bị triệt phá
Vài năm trở lại đây, tình trạng các đối tượng người nước ngoài cấu kết với đối tượng người Việt để giả danh cơ quan chức năng như Bộ Công an, viện kiểm sát, tòa án... lừa đảo người dân ngày càng có chiều hướng phức tạp.
Tuy nhiên, việc truy tìm làm rõ hành vi của các đối tượng để xử lý còn rất hạn chế, do các “ông trùm” thường ngồi ở nước ngoài điều hành và các đối tượng chủ yếu hoạt động trên môi trường Internet.
Đầu năm 2020, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) phối hợp với Công an tỉnh Quảng Nam triệt phá thành công một đường dây “alo lừa đảo” chiếm đoạt tài sản của hàng ngàn người dân, tổng số tiền bị chiếm đoạt lên tới 500 tỷ đồng.
Giả lập “đường dây nóng” Bộ Công an
Theo một chỉ huy Phòng 6 Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, thời gian gần đây, Cơ quan công an thường xuyên nhận được tin trình báo, tố giác của người dân trên địa bàn cả nước về việc bị một nhóm đối tượng giả danh là cán bộ công an gọi điện đến để lừa đảo.
Nhóm đối tượng này sử dụng Internet giả lập số điện thoại của Bộ Công an (số điện thoại 069.2342593 là số điện thoại đường dây nóng Bộ Công an công bố để tiếp nhận thông tin cán bộ chiến sĩ Công an có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng) nên đã khiến cho không ít người dân tin tưởng, làm theo các hướng dẫn của chúng để rồi bị chiếm đoạt rất nhiều tiền.
Qua quá trình rà soát, Cơ quan công an đã phát hiện một nhóm đối tượng người nước ngoài, cấu kết với các đối tượng người Việt Nam để thực hiện hành vi lừa đảo. Chúng có sự phân công phân nhiệm rất rõ ràng như nhóm chuyên tìm kiếm, mua thông tin cá nhân của người dân; nhóm chuyên lập tài khoản ngân hàng để thực hiện việc chuyển tiền, rút tiền; nhóm khác thì chuyên đóng vai cán bộ công an để thực hiện màn kịch hù dọa người dân...
Cùng thời điểm Công an tỉnh Quảng Nam cũng đang tổ chức điều tra nhóm đối tượng có những hành vi giả danh lừa đảo với người dân ở địa phương này. Nhóm đối tượng trên đã tiến hành lừa đảo trót lọt 5 vụ, chiếm đoạt gần 7 tỉ đồng của người dân. Sau khi nhận đơn trình báo của các bị hại, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Quảng Nam đã phối hợp chặt chẽ với Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Phòng 6) triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để thu thập thông tin, tài liệu, dữ liệu cơ liên quan đến hành vi phạm tội.
Quá trình điều tra gặp rất nhiều khó khăn. Bởi các đối tượng chuyên hoạt động trên môi trường Internet. Những tài khoản nhận tiền thường xuyên thay đổi. Việc sao kê tài khoản của các bị hại gặp rất nhiều khó khăn. Khi tìm được các chủ tài khoản lừa đảo thì thường là tài khoản “ảo”, người lập tài khoản khai nhận họ được nhờ (thuê) và không rõ mục đích của các đối tượng, việc liên lạc với đối tượng cũng không có kết quả.
Thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, với tinh thần trách nhiệm cao nhất, hàng trăm cán bộ chiến sĩ trong ban chuyên án không quản ngày đêm lần theo các dấu vết dù là nhỏ nhất. Cho đến khoảng tháng 12-2019 ban chuyên án đã tổng hợp đầy đủ thông tin tài liệu thu thập được từ các nhà mạng, ngân hàng về nhóm đối tượng đang tập trung hoạt động tại địa bàn các tỉnh phía Nam, thậm chí có đối tượng hoạt động trên địa bàn Campuchia.
Ngày 12-1, ban chuyên án đã họp và thống nhất quyết định phá án, triển khai đồng loạt các tổ công tác bắt giữ các đối tượng phạm tội tại địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
Cơ quan điều tra đã tạm giữ hàng chục đối tượng, gồm Long Boon Leng (SN 1991) và Lim Kean Kew (SN 1996, cùng quốc tịch Malaysia); Cao Ngọc Nhi (SN 1998) và Đỗ Thị Đông (SN 1993, cùng trú ở Campuchia); Nguyễn Thị Bích Tuyền (SN 1994, trú tại Long An); Nguyễn Thị Trà My (SN 1997, trú tại Đồng Tháp); Trần Thị Băng Nhi (SN 2000, trú tại Trà Vinh); Trần Văn Phát (sinh 1990, trú tại Q.4, TP. Hồ Chí Minh); Nguyễn Thị Bé (SN 1992, trú tại Đồng Tháp) và Võ Thiên Long (SN 1988, trú tại Q. Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh), để điều tra.
Ban chuyên án thu giữ tang vật, tài liệu gồm 57 điện thoại di động, 5 máy tính xách tay, 1 thiết bị Air Tel, 5 thiết bị lưu trữ, 289 sim điện thoại, 50 thẻ ATM các loại, 1 gói chất bột dạng tinh thể màu trắng (nghi vấn ma túy tổng hợp), các loại sổ sách giấy tờ khác có liên quan.
Cũng theo ban chuyên án quá trình điều tra cho thấy, hiện các đối tượng hiện đang nắm giữ số lượng trên 100.000 thông tin tài khoản ngân hàng của người Việt và chiếm đoạt tài sản gây thiệt hại nghiêm trọng trên phạm vi toàn quốc. Khai thác dữ liệu từ các chứng cứ thu thập được, Cơ quan công an xác định từ ngày 23-12-2019 đến 11-1-2020 các đối tượng phạm tội đã chiếm đoạt 1.690 tài khoản giao dịch ngân hàng qua Internet.
Căn cứ số lượng thẻ ngân hàng thu được của các đối tượng, ước tính số tiền các đối tượng đã chiếm đoạt của các bị hại trên khắp cả nước lên đến hơn 500 tỷ đồng. Hiện Cơ quan công an đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan phong tỏa các tài khoản liên quan để phục vụ công tác điều tra.
Thủ đoạn của các đối tượng trong đường dây là đối tượng người Đài Loan chủ mưu cầm đầu, thuê đối tượng người Việt Nam và Malaysia thực hiện hành vi lừa đảo. Tổ chức tội phạm được phân vai của từng đối tượng, trong đó có nhóm chuyên trách việc gọi điện đe dọa nạn nhân, có nhóm chuyên thực hiện các giao dịch qua tài khoản ngân hàng để tránh bị phát hiện và phong tỏa, có nhóm chuyên thuê mở tài khoản ngân hàng và thực hiện việc rút tiền.
Các đối tượng phân vai giả danh Cơ quan CSĐT, viện kiểm sát thông báo các bị hại “nợ tiền thanh toán qua thẻ ngân hàng”, “liên quan đến các vụ án đặc biệt nghiêm trọng như rửa tiền, buôn bán ma túy”, “thông tin cá nhân bị lộ lọt”, yêu cầu các bị hại phải cung cấp thông tin để phục vụ điều tra; các đối tượng yêu cầu bị hại lập tài khoản ngân hàng, đăng ký Internet banking và dùng chính số điện thoại của bị hại làm mã OTP, yêu cầu bị hại nộp toàn bộ số tiền của mình vào tài khoản mới đăng ký.
Các đối tượng yêu cầu bị hại cài ứng dụng có logo của Bộ Công an, nhập thông tin tài khoản Internet banking vào ứng dụng với lý do để bảo mật thông tin. Sau khi đã chiếm được tài khoản của bị hại, nhóm đối tượng nhanh chóng chuyển đến các tài khoản khác rồi rút ra.
Phân tích sao kê tài khoản ngân hàng do các đối tượng mở tại Việt Nam để nhận tiền lừa đảo thấy mỗi tài khoản trong 3 tháng giao dịch với số tiền 10 tỷ đồng, các đối tượng khai nhận sau 5 tháng sẽ thay đổi cách thức và thay đổi tài khoản ngân hàng khác để tiếp tục hoạt động.
Căn cứ số lượng thẻ ngân hàng thu được của các đối tượng ước tính số tiền các đối tượng đã chiếm đoạt của các bị hại trên khắp cả nước lên đến hơn 500 tỷ đồng. Ban chuyên án đã thực hiện biện pháp ngăn chặn: phong tỏa 55 tài khoản ngân hàng của 25 cá nhân người Việt Nam và người Malaysia mở tài khoản tại Việt Nam với tổng số tiền phong tỏa 3,7 tỷ đồng.
Đường đi của “tiền bẩn”
Theo một thống kê chưa đầy đủ của Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an TP Hà Nội, năm 2019 Cơ quan công an nhận được hàng trăm đơn trình báo của người dân về việc bị các đối tượng giả danh cán bộ thuộc cơ quan chức năng như Bộ Công an, viện kiểm sát, tòa án và nhân viên nhiều tổ chức khác như ngân hàng, cơ quan thuế, công ty chuyển phát nhanh... để lừa đảo. Số tiền bị chiếm đoạt lên tới vài chục tỷ đồng. Song có một vấn đề rất đáng lưu ý trong các vụ việc này là việc thu hồi số tiền bị lừa đảo rất hạn chế.
Theo một chỉ huy Đội Điều tra trọng án Phòng CSHS, thời gian vừa qua Cơ quan công an đã tiến hành xử lý 2 đối tượng trong một đường dây giả danh lừa đảo, đồng thời qua khai thác các tài liệu chứng cứ thì phát hiện ra đường đi của dòng tiền bẩn. Đó là sau khi đã lừa được các bị hại chuyển tiền vào tài khoản, thì lập tức sẽ có nhiều đối tượng thực hiện các thao tác chuyển tiền đi các tài khoản khác hoặc rút ra tiền mặt và chuyển tiền ra nước ngoài.
Quái chiêu hơn, có những đối tượng còn dùng tiền bẩn để mua các đồng tiền điện tử như Bitcoin, Ethereum... hoặc tham gia đầu tư vào các sàn giao dịch ngoại hối trực tuyến. Thậm chí, có những nhóm đối tượng dùng tiền bẩn để đánh bạc... Cũng chính vì thế mà việc thu hồi tài sản của bị hại trong các vụ lừa đảo này đều rất hạn chế.
Thượng tá Ngô Văn Đáp, Đội trưởng Đội Hướng dẫn điều tra tội phạm có yếu tố nước ngoài, Phòng CSHS chia sẻ, trong hàng chục vụ đơn tố cáo “alo lừa đảo” mà Đội đã thụ lý điều tra năm 2019, thì chỉ có duy nhất một bị hại lấy lại được tiền. Đó là đơn của bà Hoàng Thị Minh T. (SN 1963, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội).
Bà T. đã bị các đối tượng giả danh cán bộ công an hù dọa khiến bà sợ hãi và đi rút tất cả các sổ tiết kiệm của mình rồi chuyển gần nửa tỷ đồng vào tài khoản của bọn chúng. Nhưng sở dĩ bà T. không bị mất tiền là do ngân hàng đã kịp phong tỏa tài khoản của một đối tượng mà trước đó, tài khoản này đã lừa đảo được cả tỷ đồng của một bị hại khác!
Cũng theo Cơ quan công an, thủ đoạn của các đối tượng trong đường dây lừa đảo mỗi ngày lại được “cập nhật”, tinh vi hơn nên mặc dù được cơ quan chức năng và các phương tiện thông tin đại chúng liên tục cảnh báo vẫn có rất nhiều người dân bị sập bẫy. Nếu như những năm trước, các đối tượng thường sử dụng thủ đoạn gọi điện thoại cho các bị hại, rồi giả tiếng âm thanh còi ủ, tiếng người trao đổi... để khiến họ nghĩ đúng là công an “thật” đang nói chuyện thì hiện tại các đối tượng thậm chí còn livestream cho bị hại xem “người thật việc thật” đang mặc cảnh phục và xung quanh là các chiến sĩ công an khác đang làm việc. Chúng cũng bắt bị hại phải tự phát hình trực tiếp nơi họ đang ngồi để thể hiện là không có ai khác, nhằm giữ bí mật cho chuyên án.
Một thủ đoạn mới khác là nếu như trước đây các đối tượng thường bắt bị hại chuyển tiền thẳng vào một tài khoản ngân hàng mà chúng chỉ định thì nay các đối tượng lại thường yêu cầu bị hại lập một tài khoản mới mà thông tin là của cá nhân bị hại. Chỉ riêng thông tin đăng nhập, mật khẩu và số điện thoại nhận mã OTP thì phải chuyển cho các đối tượng.
Cao tay hơn, để khiến cho bị hại không nghi ngờ có đối tượng còn lập một app (ứng dụng) trông có vẻ rất “đáng tin”. Sau đó buộc bị hại phải nhập các thông tin Internet banking của họ vào để... bảo mật thông tin. Khi bị hại làm theo thì sẽ bị các đối tượng chiếm quyền sử dụng và chuyển hết tiền sang những tài khoản khác do chúng quản lý.
Cơ quan Công an tiếp tục khuyến cáo người dân cần hết sức cảnh giác khi nhận được các cuộc điện thoại “lạ”, xưng là cán bộ công an, tòa án, viện kiểm sát. Cơ quan chức năng sẽ không làm việc với người dân qua điện thoại. Người dân cũng không bao giờ chuyển tiền vào các tài khoản cá nhân của đối tượng đưa ra; không tiết lộ thông tin Internet banking với bất kỳ ai, không đăng nhập tài khoản vào bất kỳ một ứng dụng “lạ” nào. Ngoài ra, cần nâng cao bảo mật thông tin cá nhân...