Đường dây buôn bán trang phục phòng dịch giả: Hoàn tất cáo trạng, truy tố 4 bị can
Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) TP. Hà Nội vừa hoàn tất cáo trạng truy tố 4 bị can trong vụ án Công ty TNHH thương mại và dịch vụ y tế Đức Anh (viết tắt là Công ty Đức Anh, địa điểm kinh doanh số 5, ngõ 178, phố Tây Sơn, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội) buôn bán, làm giả hàng nghìn bộ trang phục y tế phòng dịch.
Theo đó, 4 bị can bị truy tố về cùng tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” theo quy định tại Điều 192, Khoản 3, Điểm a - Bộ luật Hình sự năm 2015, gồm: Trương Thị Bình (SN 1982, Phó Giám đốc Công ty Đức Anh), La Văn Thi (SN 1982, Giám đốc kinh doanh Công ty Đức Anh), Nguyễn Đức Việt Anh (SN 1987, nhân viên kinh doanh của Công ty Đức Anh), Hoàng Văn Tới (SN 1989, nhân viên Khoa Khám bệnh của một bệnh viện trên địa bàn TP. Hà Nội).
Theo cáo trạng, ngày 8/4/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP. Hà Nội phối hợp với Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong kinh doanh vật tư, thiết bị y tế đối với Công ty Đức Anh. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện, các nhân viên Công ty Đức Anh đang đóng gói bộ trang phục phòng dịch có dấu hiệu làm giả bộ trang phục phòng dịch của Công ty CP Dược và thiết bị y tế Phúc Hà (viết tắt là Công ty Phúc Hà, địa chỉ tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) và Công ty TNHH in và dịch vụ thương mại Quang Trung (viết tắt là Công ty Quang Trung, địa chỉ tại Khu đô thị Pháp Vân, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội).
Qua xác minh, cơ quan điều tra đã kết luận: Mặc dù biết rõ Nhà nước nghiêm cấm việc sản xuất, buôn bán, lưu thông trên thị trường Việt Nam những hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, chất lượng của các doanh nghiệp, các nhà sản xuất kinh doanh đã đăng ký bản quyền và được bảo hộ tại Việt Nam, nhưng do hám lợi, từ tháng 1/2020 đến ngày 8/4/2020, Trương Thị Bình cùng đồng phạm là Hoàng Văn Tới, La Văn Thi và Nguyễn Đức Việt Anh đã có hành vi mua các bộ trang phục bảo hộ rời, in tem nhãn mác giả các nhãn hiệu của Công ty Phúc Hà và Công ty Quang Trung. Sau đó, đối tượng chỉ đạo nhân viên đóng gói, dán tem thành bộ trang phục bảo hộ hoàn chỉnh, đem bán thu lời bất chính. Tổng số hàng hóa Trương Thị Bình làm giả là 14.587 bộ trang phục phòng dịch giả, tương đương với hàng thật trị giá hơn 1 tỷ đồng. Trong đó, hàng giả nhãn mác của Công ty Phúc Hà là 4.285 bộ (tương đương hàng thật trị giá gần 720 triệu đồng), hàng giả nhãn mác Công ty Quang Trung là 10.302 bộ (tương đương hàng thật trị giá 365 triệu đồng). Trong số 4.285 bộ trang phục phòng dịch giả nhãn hiệu của Công ty Phúc Hà, Bình cùng đồng phạm đã bán 2.970 bộ cho 7 cá nhân, tổ chức; còn lại 1.315 bộ chưa kịp tiêu thụ đã bị phát hiện, thu giữ.
VKSND xác định, trong vụ án này, bị can Trương Thị Bình là đối tượng chủ mưu, trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội. La Văn Thi và Nguyễn Đức Việt Anh là đồng phạm giúp sức, tham gia bàn bạc cùng Trương Thị Bình sản xuất, buôn bán hàng giả, giúp Bình đặt in tem nhãn giả của Công ty Phúc Hà, trực tiếp tham gia làm giả bộ trang phục bảo hộ y tế. Trong số 4.285 bộ trang phục phòng dịch giả, Hoàng Văn Tới là đối tượng bán 4.000 bộ (tương đương giá trị hàng thật là 672 triệu đồng) cho Trương Thị Bình để Bình bán lại kiếm lời.
Theo luật sư Nguyễn Tiến Thủy - Văn phòng Luật sư Việt Lý (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), việc sản xuất, kinh doanh trang phục phòng dịch giả không chỉ là hành vi gian dối trong hoạt động kinh doanh thương mại mà còn tiềm ẩn nhiều nguy hại đến người sử dụng, đặc biệt trong bối cảnh diễn biến của bệnh dịch ngày càng phức tạp. Vậy nên, đối với các trường hợp sản xuất, kinh doanh trang phục phòng dịch giả, cần phải có biện pháp xử lý nghiêm. Theo Điều 192 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” có mức cao nhất của khung hình phạt lên đến 15 năm tù. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20-50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm hoặc tịch thu một phần hay toàn bộ tài sản. Ngoài ra, tại Mục 1.6 Công văn số 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã hướng dẫn áp dụng pháp luật và tổ chức xét xử đối với một số hành vi vi phạm pháp luật phổ biến có đủ yếu tố cấu thành tội phạm trong phòng, chống dịch bệnh.