Đường dây mạo danh nhân viên ngân hàng chiếm đoạt tài khoản hoạt động như thế nào?
Chiếm đoạt được mã OTP do người bị hại cung cấp, các đối tượng đã sử dụng thẻ tín dụng mua sắm điện thoại và mang bán lại rồi chuyển tiền ra nước ngoài.
Như tin ANTĐ đã đưa, Cơ quan CSĐT - CAQ Nam Từ Liêm, Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Phan Đình Hùng (SN 2002) trú tại xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế; Cao Văn Tuấn (SN 1993) trú tại xã Danh Thắng, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang để điều tra về tội Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Theo tài liệu điều tra, các đối tượng lấy cắp các thông tin cá nhân như thẻ CCCD, số điện thoại và thông tin liên quan đến việc đăng ký làm thẻ tín dụng (thẻ cho vay tiêu dùng) của một số ngân hàng để thực hiện hành vi phạm tội.
Thông thường, ngay sau khi người dân đăng ký làm thẻ tín dụng (thẻ cho vay tiêu dùng), khách hàng chưa nhận được thẻ từ hệ thống ngân hàng. Lợi dụng kẽ hở này, các đối tượng đã gọi điện thoại đến một số cá nhân, giới thiệu là nhân viên ngân hàng hỗ trợ người dân sau khi mở thẻ sẽ được nâng hạn mức từ 50 triệu đồng lên đến 100 triệu đồng....
Ngoài ra còn có một số ưu đãi trong việc mua bán hàng, thanh toán hóa đơn qua thẻ tín dụng thông qua hệ thống liên kết giữa ngân hàng và chuỗi cửa hàng, có thể mua bán điện thoại tại các cửa hàng điện máy lớn; mua sắm tại một số cửa hàng thời trang...; thanh toán hóa đơn tại một số cửa hàng ăn uống...
Các đối tượng này đã sử dụng các đầu số điện thoại trên, thông qua nền tảng mạng Internet do Việt Nam cung cấp để thực hiện các cuộc gọi từ nước ngoài về Việt Nam giả mạo dịch vụ chăm sóc khách hàng của toàn bộ hệ thống chi nhánh ngân hàng trên cả nước.
Nhiều người dân do nghĩ là nhân viên ngân hàng đã cung cấp số tài khoản ngân hàng, mật khẩu, mã OTP... để phục vụ cho việc nâng hạn mức khiến các đối tượng đã chiếm quyền sử dụng tài khoản đồng thời chiếm đoạt tiền trong tài khoản tín dụng.
Sau khi chiếm đoạt được quyền sử dụng tài khoản (thẻ tín dụng), đối tượng thường đặt các đơn hàng với giá trị tài sản lớn như điện thoại di động iPhone, Samsung đời cao...
Sau đó, phân công số đối tượng người Việt đang sinh sống tại Việt Nam đến nhận hàng (điện thoại) và đem đi bán cho một số cửa hàng điện thoại tại các tỉnh thành phía Nam và chuyển tiền cho các đối tượng ở nước ngoài.
Khi thực hiện việc chuyển tiền thành công các đối tượng đã chiết khấu lại cho một số đối tượng tại Việt Nam từ 10-15% trên tổng số tiền mà các đối tượng đã chiếm đoạt được.
Quá trình điều tra xác định, đối tượng Phan Đình Hùng là một thành viên thuộc “Nhóm 1TD...” trên ứng dụng Telegram. Hùng được giao nhiệm vụ là ở Việt Nam và nhận các đơn hàng là điện thoại di động rồi mang đến cửa hàng mua bán điện thoại cũ trên địa bàn TP. HCM để bán lấy tiền và chuyển khoản cho các đối tượng ở nước ngoài.
Hùng được các đối tượng chia cho số tiền từ 10%-15% trên tổng số tiền đã chiếm đoạt được. Sau nhiều lần thực hiện nhiệm vụ thành công, các đối tượng đã yêu cầu Hùng mua điện thoại trực tiếp trên các trang web của các trung tâm điện thoại di động lớn với số lượng tiền tương ứng với số tiền mà các đối tượng chiếm đoạt được.
Để phục vụ cho việc làm trên, Hùng đã thuê Cao Văn Tuấn đến các cửa hàng điện thoại nhận hàng. Hùng đã liên hệ và thỏa thuận với Đ.H.H, nhân viên quản lý của một siêu thị điện máy trên địa bàn tỉnh Đồng Nai về việc điều chỉnh đơn hàng cho phù hợp với số tiền mà các đối tượng đã chiếm đoạt của các bị hại trên không gian mạng thông qua thủ đoạn giả mạo nhân viên ngân hàng tư vấn nâng cấp hạn mức thẻ tín dụng.
Để tránh sự phát hiện của cơ quan công an, đối tượng Phan Đình Hùng sau khi nhận được điện thoại từ Cao Văn Tuấn đã nhờ bạn gái đem đi bán tại một số cửa hàng điện thoại di động tại địa bàn tỉnh Đồng Nai. Khi bạn gái mang tiền về, Hùng trả công cho Cao Văn Tuấn, giữ lại cho mình và phần còn lại gửi hết cho “ông chủ”.