Đường dây nhập khẩu điện từ Lào 'chạy nước rút'
Dự án đường dây 220kV Nậm Mô - Tương Dương có một số cột điện đi qua rừng đặc dụng phải thi công thủ công, có những vị trí mất khoảng 45 phút mới đưa được 0,35 tấn vật liệu lên địa điểm thi công, trong khi để hoàn thành vị trí này, cần tới… 120 tấn vật liệu. Vượt qua những thử thách đó, dự án đang về đích trong tháng 11 này.
Dự án chông gai nhất
Ông Đỗ Quang Khải, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án (BQLDA) Điện 1 cho biết, kể từ khi khởi công dự án đường dây 220kV Nậm Mô (Lào) - Tương Dương (tháng 11/2021) đến nay, việc thi công dự án gặp rất nhiều bất lợi. Trong đó, phải kể đến diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 cuối năm 2021, đầu năm 2022, khiến việc thuê nhân công vô cùng khó khăn.
Mặt khác, thời tiết khu vực dự án thường xuyên có mưa, đặc biệt từ tháng 8/2022 đến nay hầu như mưa liên tục trong cả tháng. Mưa bão làm hư hỏng các tuyến đường thi công, khiến các nhà thầu mất nhiều thời gian, chi phí để sửa chữa, mất thêm chi phí cho máy móc và nhân công trong thời gian chờ. Các công tác đào hố móng, vận chuyển vật liệu thiết bị để dựng cột, kéo rải dây càng khó chồng khó do địa hình dốc đứng, trơn trượt.
Phá đá cũng là một thử thách rất lớn của những người xây dựng công trình này. Ông Đỗ Công Tráng, Trưởng phòng Kỹ thuật của Tổng Công ty CP Xây dựng điện Việt Nam (VNECO) - chỉ huy trưởng của đơn vị thi công cho biết, ông đã nhiều tháng qua không rời khỏi công trường. Trong 22 năm làm nghề, ông Tráng đã tham gia rất nhiều dự án đường dây vượt đèo Hải Vân, đèo Lò Xo, đèo Cù Mông, đèo Cả... nhưng ông đánh giá đây là dự án nhiều chông gai nhất, khó khăn nhất từng gặp.
“Tuy đường dây này không dài và số vị trí móng không nhiều nhưng địa hình cực kỳ hiểm trở, khí hậu và thời tiết hết sức khắc nghiệt. Tại một số vị trí, khối lượng đá phải đào trong thực tế lớn hơn nhiều so với tính toán. Mặt khác, do vị trí thi công nằm trong rừng đặc dụng nên phải sử dụng các biện pháp phá đá thông thường như dùng máy gắn búa thủy lực, sử dụng bột nở... khiến cho thời gian thi công đào hố móng bị kéo dài” - ông Tráng thông tin.
Mặc dù gặp nhiều thách thức như vậy, nhưng tính đến hết tháng 10/2022, dự án đã hoàn thành đào, đúc, lắp dựng 141/145 vị trí cột, kéo rải dây được 132/145 khoảng cột. Ông Đỗ Quang Khải cho biết, công trường đang rốt ráo triển khai xây dựng 4 vị trí cột và 13 khoảng cột hành lang tuyến còn lại, để hoàn thành dự án trong tháng 11/2022.
Vận chuyển vật liệu thủ công
Trong đó, các vị trí cột số 1 - 2 - 3 của đường dây thuộc địa phận Xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) là những vị trí giáp biên giới với Lào, đường sá đi lại rất khó khăn. Để tập kết vật tư thiết bị lên vị trí thi công, những người xây dựng phải tời (vận chuyển) từng bao xi măng, từng khối đá, từng thanh thép.
Theo kỹ sư Đào Huy Quân - Tư vấn giám sát trưởng của dự án (thuộc BQLDA Điện 1), mỗi lần tời vật tư thiết bị lên đến vị trí thi công phải mất 45 phút nhưng chỉ được khối lượng khoảng 0,35 tấn cát, đá, xi măng. Trong khi bình quân, mỗi vị trí cột cần tời tổng khối lượng khoảng... 120 tấn.
Kỹ sư Đào Huy Quân giải thích thêm, đây là những vị trí cột nằm trong phạm vi rừng đặc dụng, cần tuân thủ yêu cầu không được chặt cây rừng mở đường thi công. Đó là lý do công tác vận chuyển vật liệu và thi công phải thực hiện thủ công và mất rất nhiều thời gian. Tuy nhiên, may mắn, hiện dự án đã thi công xong cột số 1 - 3, chỉ còn cột số 2.
Ông Đỗ Công Tráng - Chỉ huy trưởng VNECO tại dự án cho biết thêm: “Trong quá trình triển khai dự án, đơn vị nhận được sự hỗ trợ thường xuyên từ BQLDA Điện 1 trong mọi công tác, tiến độ giải ngân cũng rất kịp thời. Đó chính là động lực để chúng tôi cố gắng hết sức”.
Đại diện BQLDA Điện 1 cho biết, trong thời gian “chạy nước rút” này, BQLDA Điện 1 sẽ thường xuyên cử lãnh đạo có mặt tại công trường để chỉ đạo trực tiếp nhằm giải quyết ngay mọi vướng mắc nếu có. Đơn vị thi công cũng cam kết tăng thời gian thi công trong ngày, huy động tối đa nhân lực, phương tiện phấn đấu đưa dự án về đích theo kế hoạch đề ra.
Dự án đường dây 220kV Nậm Mô - Tương Dương là công trình cấp bách, được xây dựng với mục tiêu nhập khẩu điện từ cụm Nhà máy Thủy điện Nậm Mô (Lào) về Việt Nam. Đây là công trình truyền tải điện thứ 2 phục vụ nhập khẩu điện từ Lào (sau đường dây 220kV Xekaman 1 - Pleiku 2). Công trình này có ý nghĩa rất quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu điện tăng cao ở Việt Nam, đặc biệt là đảm bảo điện cho miền Bắc trong các năm tới.