Đường đến bản thỏa thuận ngừng bắn và trao trả con tin giữa Israel và Hamas
Ngày 22/11, Israel và phong trào Hamas lên tiếng xác nhận việc đạt được thỏa thuận về lệnh ngừng bắn. Như vậy, sau hơn một tháng rưỡi bùng nổ và không ngừng leo thang khốc liệt, diễn tiến căng thẳng, xung đột ở Dải Gaza đã có bước đột phá lớn đầu tiên.
Không biết, thỏa thuận này có bền vững hay không nhưng để có được nó trong thời điểm này, theo hé lộ, đó là quyết định rất khó khăn và là kết quả của “nhiều cuộc đàm phán rất phức tạp”.
Từ nỗ lực trung gian hòa giải của Qatar
Trong việc Israel và phong trào Hamas bất ngờ đạt được thỏa thuận ngừng bắn, dù có thể chỉ là tạm thời, dư luận đang nói nhiều tới vai trò của Qatar. Trước đó, nhiều quốc gia ở Trung Đông mong muốn đóng vai trò hòa giải trong cuộc xung đột ở Dải Gaza như Ai Cập, Oman và Kuwait, tuy nhiên, Qatar mới thực sự là “trùm cuối”.
Thực ra thời điểm này, Qatar có nhiều lợi thế trong việc nắm giữ trọng trách hòa giải tại Dải Gaza. Trước hết là câu chuyện vị thế và tiềm lực. Sở hữu nguồn cung khí đốt khổng lồ lớn thứ ba thế giới, sự giàu có của Qatar đã là điều không phải bàn cãi. Còn vị thế, suốt hàng thập kỷ qua, Qatar, dưới sự điều hành của Quốc vương Tamim bin Hamad Al Thani, một con người giàu quyết tâm và tham vọng, đã không ngừng củng cố vị thế của mình trên trường quốc tế cũng như tại khu vực.
Cách đây hàng chục năm, vị Quốc vương năm nay 43 tuổi này đã liên tục tìm kiếm xây dựng các mối quan hệ ngoại giao đa phương, rộng khắp, không chỉ trong khu vực Trung Đông mà cả toàn cầu, không ngừng tham gia các hội nghị ngoại giao quốc tế, vun đắp quan hệ với các tổ chức như Liên Hiệp Quốc (LHQ), Liên đoàn Arập (AL).
Đặc biệt, cũng từ hàng chục năm nay, Quốc vương Hamad Al Thani đã chọn cách làm cầu nối hòa giải giữa các bên xung đột, để gia tăng, củng cố tầm ảnh hưởng của cá nhân cũng như của quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Không thể không nhắc tới việc Qatar đã hòa giải thành công giữa Chính phủ Sudan với phiến quân ở vùng Darfur, giữa 2 nước láng giềng hiềm khích Eritrea và Ethiopia, giữa Mỹ với lực lượng Taliban ở Afghanistan, nội chiến tái diễn ở Liban…
Mối quan hệ thân thiết với nước Mỹ cũng là một lợi thế nữa của Qatar. Chính Mỹ đã chính thức công nhận Qatar là đồng minh chủ chốt ngoài NATO, là quốc gia thứ ba ở khu vực vùng Vịnh, sau Kuwait và Bahrain.
Trước đó, hồi năm 2018, Tổng thống Trump từng đánh giá cao mối quan hệ tốt đẹp giữa Mỹ - Qatar và nhấn mạnh hai nước đang tiếp tục hợp tác chặt chẽ với nhau nhằm chấm dứt việc cung cấp nguồn tài chính cho các nhóm khủng bố ở Trung Đông.
Một chi tiết nhỏ nhưng rất đặc biệt và vô cùng quan trọng nữa là tại thời điểm này, Qatar là quốc gia duy nhất có văn phòng thương mại của Israel, nơi Mỹ đặt căn cứ không quân Al Udeid với hàng nghìn binh sĩ, và cũng là nơi có văn phòng đại diện của cả Hamas và Taliban.
Trở lại vai trò của Qatar trong cuộc xung đột tại Gaza. Ngay sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel hôm 7/10, Qatar đã liên lạc Nhà Trắng, kêu gọi thành lập nhóm cố vấn giúp giải thoát con tin. Cũng chính Qatar khởi xướng nhóm đàm phán ngừng bắn. Qatar cũng yêu cầu thành lập nhóm nhỏ để giải quyết vấn đề này một cách riêng tư với người Israel. Để làm được điều này, nhà lãnh đạo Qatar và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã có những cuộc đàm phán trong nhiều tuần. Thậm chí vào những thời khắc cuối, khoảng tầm 14/11, người đứng đầu Qatar đã phải cam kết sẽ gây áp lực để đạt thỏa thuận.
Thành công trong nỗ lực trung gian hòa giải cuộc xung đột Israel - Hamas một lần nữa giúp Quốc vương Qatar cơ hội trở thành gương mặt nổi bật trong số các nhà lãnh đạo của thế giới Arab cũng như củng cố vị thế “tay chơi” quan trọng trên sân chơi địa chính trị toàn cầu của quốc gia giàu có này, đặc biệt là giúp Qatar trở thành một đối tác quan trọng trong việc tạo điều kiện cho các giải pháp nhân đạo - một vị trí cực quan trọng trong một thế giới đang ngày càng có nhiều cuộc xung đột.
Tới quyết định khó khăn nhưng đúng đắn
Ngày 21/1, Tuyên bố từ văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết, theo thỏa thuận vừa đạt được, Hamas sẽ thả ít nhất 50 con tin, chủ yếu là trẻ em và phụ nữ, để đổi lấy việc Israel trao trả tự do cho 150 tù nhân nữ và thiếu niên Palestine đang bị giam giữ tại các nhà tù của Israel.
Các con tin sẽ được thả theo từng nhóm nhỏ hơn trong khoảng thời gian 4 ngày, trong thời gian đó, một lệnh ngừng bắn hoàn toàn chấm dứt giao tranh sẽ được thực hiện. Hiện Israel đang thúc đẩy việc Hamas trao trả tự do cho các trẻ em bị bắt giữ. Theo đó, cứ 10 con tin được Hamas trao trả tự do thì lệnh ngừng bắn sẽ được gia hạn thêm một ngày. Thỏa thuận ngừng bắn cũng sẽ cho phép hàng trăm xe tải viện trợ nhân đạo, y tế và nhiên liệu vào Gaza.
Ngoài ra, Israel đồng ý cho phép bổ sung nhiên liệu vào Gaza cũng như một lượng lớn viện trợ nhân đạo. Bên cạnh đó, Israel sẽ ngừng hoạt động các máy bay không người lái tấn công ở miền Nam Gaza và chỉ thực hiện ở phía Bắc khu vực này trong sáu giờ mỗi ngày, từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều.
Ngay sau đó, phía phong trào Hamas cũng đã xác nhận đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn kéo dài 4 ngày với Israel và tuyên bố hoan nghênh “thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo”.
Các con tin sau khi được trả tự do sẽ được cơ quan y tế đánh giá sơ bộ về tình trạng sức khỏe và sau đó sẽ được chuyển đến các bệnh viện, sau đó họ sẽ được gặp gỡ gia đình cũng như điều trị y tế. Đặc biệt, sau đó, dự kiến các con tin sẽ phải trải qua cuộc thẩm vấn từ các nhà điều tra của Shin Bet (cơ quan an ninh nội địa).
Cho tới thời điểm này, thỏa thuận ngừng bắn trên vẫn được cho là mang tính chất tạm thời. Nhất là khi Thủ tướng Israel tuyên bố rằng nhiệm vụ của Israel không thay đổi. “Chúng ta đang có chiến tranh và sẽ tiếp tục chiến đấu cho đến khi đạt được tất cả các mục tiêu của mình: Tiêu diệt Hamas, đòi lại tất cả con tin và đảm bảo rằng không thực thể nào ở Gaza có thể đe dọa Israel” - ông nói trong thông điệp được ghi âm khi bắt đầu cuộc họp chính phủ ngày 22/11.
Tuy nhiên, dù thế nào, thỏa thuận này cũng là bước đột phá lớn và giúp nhân loại có quyền hy vọng, dù vẫn còn quá mong manh về những phút giây hòa bình tại Gaza.