Đường đến lớp và những bữa cơm có thịt
Năm 2013, Nghị quyết về nấu ăn bán trú của HĐND tỉnh Sơn La ra đời như 'cơn mưa rào' xóa tan 'nắng hạn'; để rồi từ đây, mỗi năm, hàng chục ngàn lượt học sinh vùng khó đã được nâng bước, 'chắp cánh' vươn tới những ước mơ tưởng chừng như không thể.
LTS: Việc đến trường học chữ, kiếm tìm tri thức của con em ở vùng cao Sơn La trước đây gian truân, vất vả do nhiều gia đình thuộc diện hộ nghèo, kinh tế khó khăn. Có những gia đình đành phải cho con em bỏ học giữa chừng vì nhà xa trường, không thể đưa đón do bận mưu sinh; hoặc không có tiền cho con ăn học.
Năm 2013, Nghị quyết về nấu ăn bán trú của HĐND tỉnh Sơn La ra đời như “cơn mưa rào” xóa tan “nắng hạn”; để rồi từ đây, mỗi năm, hàng chục ngàn lượt học sinh vùng khó đã được nâng bước, “chắp cánh” vươn tới những ước mơ tưởng chừng như không thể.
Trong bài viết đầu tiên có nhan đề: Đường đến lớp và những bữa cơm có thịt của loạt bài Nghị quyết “nấu ăn bán trú”: Nâng bước học sinh vùng khó đến trường chúng tôi đề cập nội dung này.
Bữa trưa của các em nhỏ học sinh trường Mầm non Bình Minh Co Mạ, huyện Thuận Châu (Sơn La) lúc nào cũng rộn ràng ríu rít. Sau buổi học tìm hiểu thế giới xung quanh qua các đồ vật; trẻ lớn thì miệt mài làm quen với mặt chữ…, các em được quây quần bên bàn ăn với suất cơm ấm nóng, thơm nức mùi thịt băm trộn trứng và canh cải cuộn khói, ai nấy đều vui tươi hớn hở.
Em Thào Như Ý, học lớp nhỡ, Trường mầm non Bình Minh Co Mạ nói: con đến trường rất vui, được ăn cơm ngon, cô giáo dạy múa hát, con rất thích đi học.
Cô Cao Thị Huệ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường hiện có 19 nhóm lớp với 590 học sinh theo học tại 11 điểm trường, bao gồm 1 điểm trường trung tâm và 10 điểm trường lẻ đóng tại các bản. Trong đó, điểm lẻ xa nhất cách trung tâm 30km.
Trước đây, việc duy trì sĩ số tại các điểm trường rất khó, vì là xã vùng cao, người dân Co Mạ đa phần kinh tế khó khăn, nhiều gia đình không có tiền cho con ăn học nên đành cho ở nhà. Tuy nhiên, nhờ các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, nhất là khi có chính sách hỗ trợ tổ chức nấu ăn bán trú của HĐND tỉnh Sơn La, thì tình hình đã cải thiện rất nhiều.
"Trước đây các cô giáo cũng luôn đi tuyên truyền vận động, nhưng phụ huynh thường bảo không có tiền cho con đi học và tiền ăn trưa nên không cho con đến lớp. Từ ngày có chế độ chính sách, các con được hỗ trợ các chi phí mua đồ dùng học tập và bữa ăn trưa, phụ huynh đã cho con đi học đều hơn, tỷ lệ chuyên cần rất cao", cô Huệ nói.
Kết thúc mỗi giờ học buổi sáng, quên hết mệt mỏi, hơn 120 học sinh bán trú ở Trường Tiểu học và THCH Chiềng San, huyện Mường La, Sơn La cùng hớn hở đi nhanh về phòng ăn bán trú - nơi những suất ăn có thịt nóng hổi, thơm nức vừa được bày sẵn đợi các em.
Em Hàng Thị Gạo Mông, học sinh lớp 4A1 bày tỏ: Ở nhà chỉ được ăn rau, còn ở trường thì được ăn thịt, em rất thích. Ở đây còn được các thầy cô giáo dạy học bài và dạy múa dạy hát, em rất thích đến trường.
Cô Lò Thị Chim - nhân viên nấu ăn của trường cho biết, với mỗi suất ăn nhiều dinh dưỡng gần 12.000 đồng, vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong các bữa ăn cũng luôn được nhà trường chú trọng. Trước khi chế biến phải kiểm tra thực phẩm xem có đảm chất lượng hay không; trong khi chế biến thì phải kiểm tra xem xong nồi chảo của mình có đảm bảo sạch hay không; khi chế biến xong phải che đậy kín để đảm bảo an toàn thực phẩm, sau đó mới chia vào khay theo suất cho các cháu ăn.
Năm học này, trường Tiểu học và THCS Chiềng San có 30 lớp, với 860 học sinh. Thầy Nguyễn Đình Hiến, Hiệu trường nhà trường chia sẻ, là xã khó khăn, nhiều gia đình ở Chiềng San cũng chưa quan tâm đúng mức đến việc học tập của con em mình nên trước đây, tỷ lệ học sinh ra lớp thường ở mức thấp; không ít gia đình đã cho con em bỏ học giữa chừng vì không có tiền đầu tư cho ăn học. Nay, chính những bữa cơm có thịt được đầu tư từ chính sách hỗ trợ tổ chức nấu ăn bán trú của tỉnh, đã “kéo” các em học sinh vùng cao đến trường, đến lớp.
"Về nhà các cháu chỉ ăn cơm với muối, thậm chí còn không đủ ăn, nhưng đến đây các cháu được tổ chức ăn từ bữa sáng đến bữa trưa, bữa tối, lo cả chỗ ngủ cho các cháu, thế nên các cháu rất thích đến trường. Ở bậc Tiểu học thường đến hết trưa thứ 6 là bố mẹ đón các cháu về, đến chiều chủ nhật lại đến. Tuy nhiên nhiều cháu có khi chỉ về thứ 6 thôi, chiều thứ 7 đã đến trường rồi", thầy Hiến cho hay.
Năm học này, toàn tỉnh Sơn La có hơn 600 trường học, với tổng số 370.000 học sinh. Trong số này, có hơn 400 cơ sở giáo dục có bếp ăn nội trú, bán trú với trên 126.000 học sinh, chiếm 1/3, đa số là học sinh đồng bào dân tộc thiểu số.
Tỷ lệ học sinh bỏ học giảm hơn 60% so với khi chưa tổ chức nấu ăn tập trung bán trú; cơ bản khắc phục tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng, đặc biệt là học sinh dân tộc Mông, Khơ Mú, La Ha…
Ngược dòng thời gian hơn 10 năm trước, khi chưa có chính sách hỗ trợ nấu ăn bán trú của tỉnh, việc ăn ở, học tập của con em đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao Sơn La gian khó trăm bề. Nhà các em thường cách trường năm, bảy cây số đường rừng, phải đi bộ, nếu đi về trong ngày thì phải dậy từ 3-4 giờ sáng, mang theo nắm cơm nguội cùng vài hạt muối đến trường để bữa trưa ăn, chiều học xong lại về.
Các em tiểu học, mầm non không thể đi về trong ngày thì hầu hết phải dựng các lều tạm cạnh trường để ăn ở trong tuần. Sau mỗi buổi học, từng nhóm dăm ba em lại chụm đầu nhóm bếp, nấu cơm mặt mũi lấm lem nhọ nồi; bữa ăn chỉ có nồi cơm, vài lát măng ớt, vài ngọn rau rừng hái vội nấu canh; không bát, không đũa, mỗi em một cái thìa để xúc ăn…
Ngoài ăn uống kham khổ, các em còn phải chống chọi với thời tiết rất khắc nghiệt. Mùa mưa, các tuyến đường thường sạt lở, mặt đường trơn trượt, lầy lội khó đi; mùa đông sương mù ẩm ướt, nhiệt độ thường ở mức dưới 5 độ C, nhiều em học sinh không chịu được đã bỏ học.
Và Thị Sông ở xã Co Mạ, huyện Thuận Châu - hiện là kế toán Công ty TNHH Tư vấn giải pháp quản lý miền Bắc chia sẻ: Hồi cấp 1 mình nhớ là mình không có chính sách gì, nhà đường đất đi học vất vả lắm, hồi ấy còn không có trọ để ở, phải đi đi về về, sáng phải dậy sớm tự đi học. Lúc đấy cái gọi là đi học đại học với bọn mình rất là xa xôi, kiểu không biết đi học là như nào...
Một phụ huynh ở xã vùng cao Phiêng Cằm, huyện Mai Sơn (Sơn La) có con từng bỏ học giữa chừng ngậm ngùi, kể: "Trước đây cháu đi học, ăn thì bố mẹ tự lo; chúng tôi cũng đi làm lán nhỏ cho cháu ở, cơm cháu tự nấu, sau phải bỏ học vì khó khăn quá".
Ông Lò Văn Hắc, Chủ tịch UBND xã Chiềng San, huyện Mường La nhớ lại: Thời chưa có chính sách của tỉnh, các cháu đi học phải tự nấu ăn, rau, gạo… mang từ nhà xuống nấu. Các cháu tự nấu thì hầu như không kiểm tra, giám sát được chất lượng về sinh an toàn thực phẩm và dinh dưỡng bữa ăn.
Ông Quàng Văn Lâm, Phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Sơn La cho biết, từ 1 tỉnh chất lượng giáo dục và đào tạo chưa cao, tình trạng học sinh bỏ học, nghỉ học và thời điểm mùa vụ hay mùa giáp hạt diễn ra khá phổ biến, sau 10 năm thực hiện các Nghị quyết hỗ trợ tổ chức nấu ăn bán trú của HĐND tỉnh, công tác giáo dục ở Sơn La đã có những chuyển biến mạnh mẽ.
Tháng 5/2015 tỉnh Sơn La đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi (là tỉnh thứ 27 trong toàn quốc đạt chuẩn).
Năm vừa qua là tỉnh thứ 5 trong tổng số 14 tỉnh trung du và miền núi phía bắc đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2. tỉnh Sơn La là tỉnh thứ 45/63 tỉnh, thành đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 - là mức cao nhất.
Chất lượng giáo dục toàn diện trong các nhà trường ngày càng được nâng lên, đến nay tỷ lệ học sinh khá giỏi tăng hơn 17%, học sinh yếu kém giảm gần 20% so với năm học 2015 - 2016.
Năm nay, Sơn La đã có hơn 360 trường đạt chuẩn quốc gia, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra; tỷ lệ học sinh của tỉnh đỗ tốt nghiệp THPT năm 2023 đạt hơn 99%;
Trong Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp Quốc gia năm học vừa qua, Sơn La có 13 thí sinh đoạt giải ở 6 môn thi, tăng 5 giải so với năm học trước. Với kết quả này, tỉnh Sơn La đã vượt lên về số lượng giải so với một số tỉnh như Điện Biên, Bắc Kạn, Tây Ninh, Vĩnh Long, Bình Thuận, Lai Châu…
Thực tế cho thấy, sức sống của chính sách hỗ trợ nấu ăn bán trú của HĐND tỉnh Sơn La đã góp phần làm tăng tỷ lệ học sinh ra trường, ra lớp, từng bước nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục toàn diện, để rồi từ đây, những “hạt giống” đã, đang dần nảy nở, khi nhiều em có cơ hội “vượt núi” vươn tới những chân trời tươi sáng. Trong bài viết thứ 2 với nhan đề: “Những “hạt giống” nảy mầm từ quyết sách đặc biệt”, chúng tôi sẽ phân tích sâu hơn về vấn đề này.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/duong-den-lop-va-nhung-bua-com-co-thit-post1062040.vov