'Đường đi' của nông sản xuất khẩu vẫn còn gian truân vì áp lực chi phí cao
Điều mong đợi cho ngành hàng nông sản khi bước sang năm 2024 là cần giảm thiểu một phần đáng kể chi phí logistics khi đây vẫn còn là áp lực lớn cho các nhà xuất khẩu. Để làm được điều này đòi hỏi rất nhiều giải pháp mang tính đồng bộ nhằm làm sao cho nông sản Việt không phải chịu cảnh yếu thế ngay từ 'đường đi'.
Ông Đặng Quý Nhân, Tổng giám đốc CTCP nông sản Nam Mekong, cho biết đặc thù của công ty là chuyên phát triển ngành hàng nông sản ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và lâu nay luôn có trăn trở về áp lực chi phí vận chuyển hàng nông sản về các cảng ở Tp.HCM và cảng Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu).
Tăng chi phí vì phải đi lòng vòng
Theo ông Nhân, mặt hàng nông sản xuất khẩu (XK) thường gặp khó về thời gian bảo quản nên rất cần vận chuyển làm sao cho càng nhanh càng tốt. Tuy nhiên, để đảm bảo yêu cầu về XK vào thị trường châu Âu và châu Mỹ thì nông sản phải được đưa đi chiếu xạ, thế nhưng hiện nay ở phía Nam chỉ có hai trung tâm chiếu xạ tại tỉnh Bình Dương và Long An.
Trong khi đó, hàng nông sản mà công ty của ông Nhân thu mua nằm ở các tỉnh ĐBSCL như Bến Tre, Vĩnh Long, Hậu Giang, Cần Thơ. Cho nên, công ty phải vận chuyển nông sản lên tỉnh Long An để chiếu xạ, nhưng tại đây lại quá tải, đành phải chuyển hàng đến tỉnh Bình Dương. Sau khi hoàn tất chiếu xạ lại vận chuyển ngược về cảng ở Tp.HCM.
“Với đường đi lòng vòng như vậy đã làm tăng chi phí cho công ty rất nhiều. Đây là điều trăn trở chung của các doanh nghiệp (DN) trong ngành hàng nông sản ở ĐBSCL và rất cần có giải pháp tháo gỡ để giảm chi phí và thuận tiện trong vấn đề đưa hàng nông sản ra thị trường châu Âu và châu Mỹ. Nhất là cần tạo thêm trung tâm chiếu xạ càng sớm càng tốt tại nơi tập trung đầu nguồn của nông sản ở ĐBSCL”, ông Nhân nói.
Ngoài ra, vị tổng giám đốc của CTCP nông sản Nam Mekong còn lưu ý vấn đề vận chuyển từ ĐBSCL về các cảng biển để đưa đi XK. Mặc dù các đối tác đã trao đổi rất nhiều lần với công ty để làm sao giảm giá thành vận chuyển nhưng vẫn gặp vô vàn khó khăn.
Chẳng hạn, nếu công ty vận chuyển nông sản từ ĐBSCL về Tp.HCM bằng đường bộ lại có chi phí cao (như mức thu phí cao khi vào đường cao tốc). Còn nếu vận chuyển bằng đường thủy thông qua các sà lan thì hiện rất ít đơn vị có thể đảm đương cho DN trong chuyện này. Nhất là hoạt động vận chuyển các container lạnh trên sà lan vẫn còn quá ít ỏi để DN làm kết nối.
Không những vậy, theo ông Nhân, khi công ty muốn đưa hàng về cảng Long An thì phía đối tác vận tải biển lại đưa ra yêu cầu bắt buộc phải đưa hàng lên cảng ở Tp.HCM thì họ mới vận chuyển, để tiện luôn cho việc forwarder (tiếp nhận và luân chuyển hàng hóa từ nhà sản xuất đến điểm đích cuối cùng) với các hãng tàu.
Từ chia sẻ nêu trên, có thể thấy chi phí logistics phục vụ cho ngành hàng nông sản vẫn còn là áp lực rất lớn cho các nhà XK. Điều này khiến cho nông sản Việt rất dễ yếu thế trên thị trường quốc tế, mất đi lợi thế cạnh tranh về giá cả, cũng vì thế mà lợi nhuận cho nông dân và DN trong ngành hàng này cũng còn thấp.
Chờ những giải pháp đồng bộ
Trao đổi với VnBusiness, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết chi phí logistics hiện chiếm khoảng 30%, thậm chí đến 50% giá thành rau quả, trong đó chiếm chi phí nhiều nhất là cước vận chuyển, chi phí xét nghiệm, chiếu xạ, chứng nhận....Và lẽ đương nhiên khi chi phí logistics cao sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của các DN và nông dân.
Trước việc ở phía Nam chỉ có hai trung tâm chiếu xạ phục vụ cho XK rau quả vào những thị trường có yêu cầu cao, ông Nguyên cho rằng như vậy là vừa “đủ xài”, còn tương lai có mở thêm nữa hay không thì chưa biết như thế nào.
Bởi vì những thị trường Mỹ, Australia, New Zealand mới có yêu cầu sử dụng chiếu xạ, trong khi lượng hàng xuất đi những quốc gia này chưa nhiều, còn những thị trường khác thì không có yêu cầu về việc chiếu xạ. Còn nếu sử dụng chiếu xạ để bảo quản hàng hóa thì nhiều quốc gia trên thế giới như các quốc gia thuộc EU hay Nhật Bản lại không chấp nhận vì cho rằng có thể ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng. Hơn nữa, chi phí để đầu tư cho chiếu xạ cũng không hề thấp.
Để kéo giảm chi phí cho “đường đi” của nông sản Việt, vị tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhấn mạnh việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông một cách đồng bộ là rất quan trọng. Chẳng hạn như với mục tiêu thông toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam vào năm 2025 sẽ giúp cho việc vận chuyển rau quả bằng đường bộ từ ĐBSCL ra phía Bắc và XK sang Trung Quốc một cách nhanh chóng hơn, chi phí vận chuyển cũng giảm nhiều hơn, từ đó tăng thêm lợi thế cạnh tranh.
Giới chuyên gia cho rằng, việc phát triển vận tải đa phương thức là một trong những xu hướng quan trọng trong logistics ngành hàng nông sản để tối ưu hóa các nguồn lực cũng như hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững. Hơn thế nữa, Việt Nam cần đầu tư đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng cho logistics nông sản, bao gồm: Vùng nguyên liệu tập trung đủ lớn – trạm sơ chế - nhà máy – kho lạnh – hệ thống vận tải – chiếu xạ – cảng biển/hàng không.
Ngoài ra, rất cần liên kết để kết nối giữa các hãng tàu lớn trong và ngoài nước nhằm ổn định giá cước vận chuyển. Và điều không thể thiếu là cần tăng cường liên kết giữa các bên trong chuỗi cung ứng hàng nông sản, gồm: Người nông dân - thương lái - nhà máy chế biến - DN thương mại - DN logistics.
Còn theo bà Nguyễn Tú Uyên, Giám đốc Công ty Logistics CMU, thời gian tới rất cần kết nối đường thủy - đường bộ - đường sắt để phát huy tối đa sức mạnh tổng thể logistics nội địa. Để từ đó giảm được chi phí logistics cho nông sản. Hơn nữa, các DN logistics nông sản cần xây dựng mô hình cung cấp dịch vụ chuỗi cung ứng logistics đa phương thức và toàn diện.
Như lưu ý của bà Uyên, nên có quy hoạch xây dựng các trung tâm Logistics nông sản, chẳng hạn như có kho mát để phân loại, bảo quản, sơ chế nhằm nâng cao chất lượng hàng nông sản, từ đó góp phần ổn định giá thành. Bên cạnh đó, cần tăng cường đầu tư hạ tầng logistics cho hàng hóa nông sản, nhất là các vùng sản xuất nông sản tập trung, chủ lực.