Đường đi lắt léo của 6,7 tỷ đền bù cụ ông mang án tử oan 43 năm
Sau khi báo chí thông tin, con cháu cụ Trần Văn Thêm (83 tuổi, ở huyện Yên Phong, Bắc Ninh) mới ngỡ ngàng biết, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã hoàn tất việc bồi thường oan sai cho cụ Thêm. Hiện cơ quan Công an đang điều tra việc con trai cụ Thêm tố cáo việc cụ được bồi thường oan sai trên 6,7 tỉ đồng nhưng chỉ 'cầm về nhà' 2,1 tỉ đồng.
Cả gia đình không ai biết cụ Thêm được bồi thường 6,7 tỷ đồng
Ngày 9-7, trong căn nhà của anh Trần Văn Sáu ở huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, cụ Trần Văn Thêm (83 tuổi, người đã chịu án oan giết người suốt 43 năm) vẫn còn khá minh mẫn. Cụ kể, vừa chiều qua, đã lên làm việc tại Công an huyện Yên Phong.
Hai con trai của cụ là anh Trần Văn Nọc và Trần Văn Sáu đều không có nhà, chị Trần Thị Xuân (SN 1958, con gái cả của cụ Trần Văn Thêm) cho hay, gia đình hoàn toàn không hề hay biết việc TAND Cấp cao tại Hà Nội đã hoàn tất việc bồi thường oan sai cho cụ Thêm.
“Tháng 3 năm ngoái, hôm đó tôi mang cháo sang nhà bố tôi (cụ Thêm ở cùng người con trai lớn (anh Trần Văn Nọc, SN 1963) để bố ăn sáng, thì hàng xóm nói bố tôi đã được cháu Trần Văn Được (cháu họ cụ Thêm, sống cùng thôn) đưa đi từ sáng sớm rồi. Đến mấy hôm sau thì bố tôi cầm về 2,1 tỷ đồng, chúng tôi đều nghĩ, chắc là tiền đền bù chia làm nhiều đợt, số tiền còn lại sẽ chi trả sau”, chị Xuân kể.
Sau đó, cụ Thêm chia cho các con tổng cộng hết 1,8 tỷ, khao và cho hàng xóm, họ hàng... Từ đó, cụ trở lại cuộc sống bình thường nghèo khó như trước, mọi việc ăn uống, thuốc men, lễ tết, các con vẫn chia nhau thu vén cho cụ...
“Tới vừa rồi, khi các cơ quan báo chí đưa tin TAND Cấp cao tại Hà Nội đã hoàn tất việc bồi thường oan sai cho bố tôi khoản tiền 6,7 tỷ đồng, chúng tôi rất ngỡ ngàng. Sau đó, người con út là Trần Văn Sáu (SN 1976) đã làm đơn tố cáo tới cơ quan chức năng để làm rõ nghi vấn có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản từ số tiền 6,7 tỷ đồng này. Bố được minh oan, chúng tôi không mong ước gì hơn, bố có cho hết số tiền bồi thường cũng được.
Nhưng nếu phía luật sư có nhận 40% tiền bồi thường thì phải xác nhận là có nhận tiền, đừng nói là hỗ trợ miễn phí như từ trước đến nay họ liên miệng nói. Cũng như nếu nhận 40% là khoảng 2,7 tỷ, thì ngoài 2,1 tỷ đã cầm về, 500 triệu cho Được, thì tổng cộng mới hết 5,3 tỷ đồng, còn 1,4 tỷ đồng nữa đi đâu?”, chị Xuân bức xúc.
Chị Xuân cũng cho biết thêm, gia đình hoàn toàn đồng ý và tôn trọng quyết định của cụ, đây là số tiền nhà nước bồi thường cho cụ nên cụ có quyền sử dụng nó. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ là tại sao không có bất cứ ai thông báo cho gia đình về số tiền bồi thường trên, tại sao ông Hòa và Được lại bí mật đón cụ đi nhận tiền mà không thông báo gì với gia đình. Sau khi báo chí thông tin về số tiền 6,7 tỷ đồng, thì ông Hòa lại đón cụ lên Thạch Thất 1 lần nữa? Chính vì vậy, gia đình mong muốn được làm rõ.
Nói về số tiền được bồi thường, cụ Thêm cho biết “Tôi đã khai báo với cơ quan Công an huyện Yên Phong là đã nhận đủ 6,7 tỷ tiền bồi thường. Số tiền này, theo thỏa thuận giữa tôi và văn phòng luật sư Hòa Lợi thì sau khi đòi được số tiền bồi thường, Văn phòng Luật sư được hưởng 40% số tiền, còn tôi được hưởng 60%”.
Theo cụ Thêm, khi đi nhận tiền, cụ có ủy quyền cho ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Giám đốc Công ty Luật Hòa Lợi – là người sát cánh đấu tranh đòi bồi thường oan sai cho cụ suốt thời gian qua. Sau khi nhận tiền, ông Hòa đưa cho cụ 6 sổ tiết kiệm, mỗi sổ trị giá 500 triệu đồng và 100 triệu đồng tiền mặt. Sau đó, ông Hòa nói giữ giúp cụ Thêm 1 sổ tiết kiệm trị giá 500 triệu đồng để “đóng thuế”.
Và trên đường từ nhà ông Hòa (huyện Thạch Thất, Hà Nội) trở về nhà ở huyện Yên Phong (Bắc Ninh), anh Trần Văn Được (người cháu họ thường đưa cụ Thêm đi khiếu kiện) đã xin ông Thêm 1 sổ tiết kiệm trị giá 500 triệu đồng. Do vậy, khi về đến nhà, ông Thêm chỉ còn 4 sổ tiết kiệm tổng trị giá 2 tỉ đồng và 100 triệu tiền mặt.
“Số tiền này, tôi đã chia cho 4 con gái mỗi con 200 triệu đồng, 2 con trai mỗi con 500 triệu đồng, số tiền còn lại, dành khao hàng xóm láng giềng, cho tặng một số người họ hàng, làng xóm đã tốt với gia đình thời gian qua, mỗi người chừng 5-10 triệu đồng”, cụ Thêm thông tin.
Đại tá Vũ Xuân Lộc, Trưởng Công an huyện Yên Phong cho biết, sau khi nhận được đơn tố cáo của các con cụ Thêm, Công an huyện đã mời cụ Thêm và các con cụ đến làm việc. Tại buổi làm việc, cụ Thêm cho biết đã đưa cho ông Hòa 40% số tiền được bồi thường theo thỏa thuận, ngoài ra còn cho ông Hòa cầm 1 cuốn sổ tiết kiệm 500 triệu đồng, anh Trần Văn Được cầm 1 sổ tiết kiệm 500 triệu đồng. Do việc đưa tiền, nhận tiền diễn ra tại huyện Thạch Thất, Hà Nội nên Công an huyện Yên Phong sẽ báo cáo Giám đốc Công an Bắc Ninh chuyển vụ việc đến Công an huyện Thạch Thất điều tra, xác minh theo quy định của pháp luật.
Ai đã lấy phần lớn số tiền đền bù?
Xác nhận chỉ mang về nhà được 2,1 tỷ đồng từ số tiền 6,7 tỷ đồng bồi thường oan sai, cụ Thêm cho biết thêm, cụ có lăn tay vào hợp đồng có công chứng chi trả 40% cho Công ty Luật Hòa Lợi, nhưng “tôi cũng không đọc hợp đồng, tôi cũng không được cầm bản hợp đồng nào”. Ngay cả với đơn đề nghị xem xét lại bài viết trên báo chí về việc con trai Trần Văn Sáu có ý kiến về số tiền 6,7 tỷ, cụ Thêm cho biết, khi ông Hòa đề nghị lăn tay là cụ tin tưởng làm ngay “chứ không đọc kỹ như thế nào”.
“Ông Hòa còn cầm của tôi hơn 500 triệu đồng, giờ ông Hòa phải trả tôi thôi”, cụ Thêm nói.
Sau khi biết bố mình đã được nhận 6,7 tỷ nhưng chỉ mang về nhà hơn 2 tỷ, anh Trần Văn Sáu đã gửi đơn tố cáo đến Công an huyện Yên Phong. Trong đơn tố cáo, anh Sáu cho hay do cụ Trần Văn Thêm tuổi cao, trình độ văn hóa thấp, tinh thần và thần kinh căng thẳng nên đã ủy quyền cho ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Giám đốc Công ty Luật Hòa Lợi, nhận bồi thường do TAND Cấp cao tại Hà Nội.
"Nhà nước đã trả đủ số tiền đền bù theo yêu cầu người bị oan là 6,7 tỉ đồng nhưng bố tôi mang về đến nhà chỉ còn trên 2 tỉ đồng. Tôi đề nghị Công an huyện Yên Phong làm rõ dấu hiệu chiếm đoạt tiền bồi thường oan sai của bố mình là ông Trần Văn Thêm”, anh Sáu cho biết.
Trao đổi trước đó với báo chí, ông Nguyễn Văn Hòa (Văn phòng Luật sư Hòa Lợi) khẳng định đã hoàn trả toàn bộ số tiền trên 6,7 tỉ đồng mà TAND Cấp cao tại Hà Nội bồi thường oan sai cho ông Trần Văn Thêm.
Ông Hòa đưa ra Giấy giao nhận tiền bồi thường được lập ngày 19-3-2018 trước sự chứng kiến của anh Trần Văn Được (cháu họ ông Thêm). Ông Hòa chỉ thừa nhận mình "đang giữ hộ" một cuốn sổ tiết kiệm trị giá 500 triệu đồng đứng tên ông Trần Văn Thêm suốt hơn 1 năm qua và việc này "do ông Thêm tự nguyện nhờ".
Còn luật sư Vũ Lợi - Giám đốc Công ty luật Hòa Lợi nhấn mạnh, không hề biết gì về việc ông Nguyễn Văn Hòa và anh Trần Văn Được “cầm” số tiền lớn như vậy của ông Trần Văn Thêm cho tới khi báo chí thông tin. Luật sư Vũ Lợi là người đã hỗ trợ pháp lý miễn phí cho ông Trần Văn Thêm trong suốt quá trình kêu oan, tới khi liên ngành tư pháp Trung ương tổ chức xin lỗi công khai đối với cụ Thêm tại nơi cư trú.
Tuy nhiên đến giai đoạn ông Thêm đòi bồi thường oan sai thì luật sư Vũ Lợi không hỗ trợ nữa. Việc này do ông Thêm, anh Trần Văn Được (cháu họ cụ Thêm) làm việc trực tiếp với ông Nguyễn Văn Hòa theo giấy ủy quyền của cụ Thêm đối với ông Hòa.
Ông Lợi cũng mong muốn đề nghị cơ quan Công an vào cuộc, làm rõ “đường đi” của số tiền trên. Đồng thời khẳng định, Công ty Luật Hòa Lợi không ký hợp đồng nào với cụ Thêm về việc cụ phải chi trả 40% giá trị bồi thường cũng như chưa bao giờ nhận một đồng nào của cụ Thêm.
“Nếu có, đó là việc riêng giữa ông Hòa và cụ Thêm, không liên quan đến Công ty” – ông Lợi nhấn mạnh. Chúng tôi đã liên hệ với ông Nguyễn Văn Hòa để trao đổi về vụ việc trên, nhưng điện thoại ông Hòa không liên hệ được, người quen của ông Hòa cho biết hiện ông đang ở nước ngoài.
Đêm 23-7-1970, ông Thêm và người em họ Nguyễn Khắc Văn cùng nhau đi bán thuốc lào và mua quả trám đen. Khi về tới địa bàn xã Đông Tĩnh, huyện Tam Dương (Vĩnh Phú) thì trời tối nên cả hai vào chòi ven đường để ngủ. Khoảng 1h sáng, một tên cướp đập một nhát vào đầu ông Văn và ông Thêm để chiếm đoạt tài sản. Anh em ông Thêm chống trả quyết liệt, nên tên cướp đã lao xuống sông mất dạng. Dân làng nghe tiếng kêu cứu chạy đến thì thấy trên tay ông Thêm vẫn cầm chiếc cọc thồ dính máu. Cả hai được đưa đi cấp cứu nhưng ông Văn đã tử vong. Ông Thêm bị cơ quan tố tụng tỉnh Vĩnh Phú cáo buộc giết em họ để cướp của.
Năm 1973, TAND tỉnh Vĩnh Phú (nay là tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ) xét xử sơ thẩm và tuyên phạt ông Thêm tử hình về hai tội Giết người và Cướp tài sản. Ông Thêm kêu oan. Một năm sau, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội bác kháng cáo kêu oan của ông và y án tử hình. Cuối năm 1975, ông Thêm được Giám thị trại giam Đức Phú gọi ra khỏi phòng biệt giam để đi thực nghiệm hiện trường. Khi ra đến hiện trường, ông mới biết là có nghi phạm khác bị bắt và khai nhận hành vi giết chết ông Văn cũng như đánh ông bị thương. Sau đó, năm 1976, ông Thêm được thả về.
Tới năm 1997, ông Thêm có đơn đề nghị TAND Tối cao xem xét lại vụ án. Ngày 6-12-2004, ông Thêm tiếp tục có đơn đề nghị bồi thường thiệt hại. Ngày 8-8-2016, TAND Tối cao xác định ông Thêm không thực hiện hành vi phạm tội, Cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra bị can. Ngày 11-8-2016, tòa án công khai xin lỗi ông Thêm và tháng 3-2018, ông đã được bồi thường 6,7 tỷ đồng.