Đường đua F1: Hãy biết xót ruột khi đất đai bị lãng phí
Với quỹ đất cho đường đua F1 lên đến 88ha, trong bối cảnh Giải đua bị hoãn vô thời hạn, việc không có kế hoạch sử dụng quỹ đất một cách hợp lý sẽ trở nên rất lãng phí.
Đặc biệt, đường đua bên ngoài vốn là trục giao thông chính, nếu không được quản lý, sử dụng hiệu quả, không những gây lãng phí mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, thậm chí bị biến thành nơi tụ tập, đua xe trái phép.
Mỗi lần đi qua khu đường đua xe công thức 1 ở Mỹ Đình, tôi lại bất giác nhớ đến anh nông dân Trần Văn Thắng, ở huyện Đan Phượng, Hà Nội. Người nông dân ấy đã kiếm được hơn 60 tỷ đồng nhờ nuôi đàn bò 1000 con mà không sở hữu đồng cỏ nào. Anh chăn thả bò ở các dự án treo xung quanh Hà Nội.
Đường đua xe công thức 1 ở Mỹ Đình rộng 88 ha, và cũng bị treo vô thời hạn. Tất nhiên, những người nông dân không thể nuôi bò ở đây, vì hạ tầng đã được đầu tư để đảm bảo tiêu chuẩn đua xe.
Nhưng cũng giống các dự án đô thị bỏ hoang, khi chưa thể đi vào sử dụng, nó sẽ nằm đó cùng tuế nguyệt, không người chăm nom và trở thành những không gian rộng lớn và hoang vắng.
Có một thực tế rất đáng ngạc nhiên ở Việt Nam, đó là dù đất đai có giá trị rất lớn, nhưng lại là thứ được sử dụng lãng phí nhất hiện nay. Các khu đô thị hàng chục năm để cỏ mọc, các khu đất lớn được rào kín, treo biển giới thiệu dự án, rồi cũng để cỏ mọc, các triền đồi mênh mông được cắm hàng rào rồi cũng để không. Trong khi người dân thiếu đất sản xuất, thiếu không gian sinh hoạt, vui chơi.
Tất nhiên, khi đất đã được giao do doanh nghiệp, chính quyền không thể can thiệp để sử dụng cho việc khác. Nhưng trước tình trạng lãng phí đất đai như hiện nay, đã đến lúc cần phải có quy định cụ thể về những phương án sử dụng đất tạm thời, tránh để bỏ hoang, không được sử dụng.
Trở lại với câu chuyện đường đua công thức 1. Việc giải đấu bị hoãn chưa biết đến bao giờ khiến chủ đầu tư bỏ mặc khu đất khiến nơi đây không chỉ bị bỏ hoang mà còn trở thành một khu vực vô chủ, vừa mất thẩm mỹ, vừa có nguy cơ trở thành một tụ điểm tệ nạn ngay trong thành phố.
Vấn đề là để có được một phương án sử dụng tạm thời cho khu đất này thì chính quyền thành phố và doanh nghiệp cần ngồi lại với nhau để cùng tìm giải pháp, vì doanh nghiệp không thể đơn phương chuyển đổi mục đích sử dụng.
Đường đua công thức 1 khi chưa thể sử dụng cho mục đích ban đầu thì có thể làm gì? Có thể biến thành khu vực cung cấp dịch vụ cho hoạt động đạp xe, trượt ván, các môn thể thao đường phố khác… mà không ảnh hưởng đến công năng của đường đua. Nhưng doanh nghiệp có thể sử dụng khu đất này cho những mục đích đó mà có yếu tố kinh doanh, dịch vụ tạm thời hay không?
Đó là điều mà chính quyền thành phố, trong thẩm quyền của mình, có thể bàn tính để doanh nghiệp có thể thực hiện, vừa tận dụng mặt bằng ngắn hạn, vừa có nguồn thu để chi trả cho việc trông nom, bảo vệ, bảo dưỡng… và quan trọng nhất là khiến cho khu đất không trở thành một không gian hoang phế.
Nhưng để các mảnh đất chờ dự án không còn rơi vào cảnh hoang phế, yếu tố quan trọng nhất vẫn phụ thuộc vào việc các nhà quản trị đô thị có biết xót ruột khi nhìn thấy đất đai bị hoang phế hay không? Hãy biết xót ruột khi đất đai bị lãng phí./.