Đường đua phim Việt

Hai năm trở lại đây, nhiều phim Việt ra rạp đã đạt doanh thu kỷ lục. Nhưng ở đó cũng là những cuộc cạnh tranh gay gắt, thậm chí khốc liệt. Bên cạnh những bộ phim thu về hàng trăm tỷ đồng là những cuộc chia tay đầy tiếc nuối, thậm chí chỉ ngay sau 1 tuần công chiếu.

Cảnh trong phim “Người vợ cuối cùng”. Ảnh: ĐPCC.

Cảnh trong phim “Người vợ cuối cùng”. Ảnh: ĐPCC.

“Cuộc đấu” nghiệt ngã

Trong những năm qua, không thể phủ nhận điện ảnh Việt Nam đang có sự “lột xác” bởi hàng loạt các sản phẩm được đầu tư lớn. Không chỉ là mùa phim Tết, giờ phim Việt ra rạp quanh năm, chủ đề cũng phong phú hơn, từ hài, tâm lý, gia đình… cho đến phim kinh dị. Theo thống kê, thị phần phim Việt Nam năm 2022 chiếm khoảng 30%, nhưng ở năm 2023 đã lên tới hơn 40%. Còn tính từ đầu năm đến nay đã có 12 phim tư nhân ra rạp.

Thế nhưng, điều đáng nói là chỉ có 3 bộ phim “Mai”, “Lật mặt 7: Một điều ước”, “Gặp lại chị bầu” là mang lại lợi nhuận cho nhà sản xuất.

Còn lại, các bộ phim như “Quý cô thừa kế 2”, “Đóa hoa mong manh”, “Móng vuốt”, “Án mạng lầu 4”… dù được các nhà sản xuất chăm chút, đầu tư lớn nhưng lại nhận kết quả buồn. Trước đó, năm 2023, trong số 25 bộ phim thương mại được công chiếu thì có đến 18 phim ghi nhận kết quả doanh thu lỗ, trong đó 12 phim chỉ thu khoảng 5 tỷ đồng trở xuống.

Có thể thấy, nếu như trước đây phim Việt phải cạnh tranh với các sản phẩm bom tấn của nước ngoài, thì giờ đây điện ảnh Việt Nam còn là những cuộc đua trên chính sân nhà. Theo nhận định của giới làm phim, một trong những lý do khiến nhiều dự án thất bại tại phòng vé chính là do nhà làm phim khai thác đề tài quá lỗi thời, kịch bản thiếu hấp dẫn, lời thoại, tình tiết không logic, diễn xuất yếu, truyền thông chưa hiệu quả…

Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn chia sẻ, giống như đầu tư vàng, kim cương, đô la..... đầu tư phim cũng thế, số vốn của bạn có thể nhân lên, cũng có thể tiêu tan. Nguyên nhân thất bại của các dự án phim chủ yếu đến từ chất lượng nội dung yếu, không đáp ứng được kỳ vọng của khán giả. Trong khi đó, đối tượng khán giả chính của các rạp, chủ yếu là những người trong độ tuổi 16 - 30, đã có thẩm mỹ xem phim khó tính hơn rất nhiều so với trước đây. Khán giả hiện nay cũng có nhiều lựa chọn khác để giải trí như các nền tảng xem phim trực tuyến, các nền tảng phát video thời lượng ngắn, trò chơi điện tử… dẫn đến việc lựa chọn ra rạp xem phim không còn được ưu tiên.

Đi tìm công thức mới

Vừa qua, điện ảnh Việt Nam đón nhận tin vui khi bộ phim “Don’t Cry, Butterfly” (tựa tiếng Việt: Mưa trên cánh bướm) của đạo diễn trẻ Dương Diệu Linh sẽ tranh giải chính thức tại Tuần lễ phê bình phim (Critics’ Week), Liên hoan phim (LHP) Venice 2024. Trước đó, tại LHP thế giới châu Á, Việt Nam có sự góp mặt của 4 phim điện ảnh là “Tro tàn rực rỡ”, “Nhà bà Nữ”, “Con Nhót mót chồng”, “Đóa hoa mong manh” và 2 phim ngắn là “Vinh quang của võ sĩ”, “Lặng gió”...

Không thể phủ nhận thông qua thương hiệu các LHP uy tín của quốc tế, nhiều sản phẩm điện ảnh của Việt Nam đã hái được quả ngọt và có cơ hội tiếp cận các thị trường điện ảnh của thế giới. Năm 2023, Phạm Thiên Ân tạo nên cột mốc lịch sử cho điện ảnh Việt với giải thưởng Camera Vàng danh giá tại LHP Cannes dành cho tác phẩm “Bên trong vỏ kén vàng”. Đầu năm 2024, với “Cu Li không bao giờ khóc”, Phạm Ngọc Lân đã thắng “Phim đầu tay xuất sắc” tại LHP Berlin.

Bên cạnh việc tham gia các LHP quốc tế uy tín, bài toán xuất ngoại một số sản phẩm điện ảnh thời gian qua cũng đang là những phép thử mới cho nhiều đoàn làm phim. Đơn cử như bộ phim “Ma Da” vừa chính thức khởi chiếu ở Úc, Hàn Quốc, New Zealand trước khi ra mắt khán giả trong nước vào ngày 14/8 tới đây. Trước đó, “Người vợ cuối cùng” của đạo diễn Victor Vũ cũng đã trình chiếu tại Mỹ và Canada. Tương tự là trường hợp của “Đất rừng phương Nam” chiếu ở Mỹ và Úc; “Lật mặt 6” công chiếu tại 50 thành phố thuộc 19 bang ở Mỹ; “Nhà bà Nữ” chiếu tại Mỹ, Singapore, Úc và New Zealand…

TS Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển điện ảnh Việt Nam cho rằng, trước hết, muốn chinh phục được khán giả, đặc biệt là khán giả nước ngoài thì tác phẩm điện ảnh phải mang nét đặc sắc, nói rộng hơn là mang bản sắc dân tộc. Theo bà Lan, mặc dù có những giá trị được ghi nhận, nhưng điện ảnh Việt Nam mới chỉ làm được những việc trong phạm vi vừa phải, thậm chí “đến đâu hay đấy”.

“Hiện nay, phim Việt Nam rất ít xuất hiện trong mạng lưới phát hành ở nước ngoài, hầu như chỉ được biết đến qua một số LHP quốc tế và khu vực, các tuần phim, tuần văn hóa. Nghĩa là mỗi bộ phim được chọn tham dự các hoạt động này thì cũng chỉ chiếu 1-2 lần rồi thôi. Như vậy, số người được xem phim Việt Nam mới ở trong phạm vi rất nhỏ hẹp”- bà Lan chia sẻ.

Theo Trưởng bộ phận phát hành Galaxy Studio Trần Việt Hoa, đơn vị đã và đang có nhiều kế hoạch phát hành phim Việt Nam tại thị trường quốc tế với một số bộ phim tiêu biểu như “Dạ cổ hoài lang”, “Mắt biếc”, “Con Nhót mót chồng”… Hiện có rất nhiều nhà sản xuất và phát hành khác cũng đang cố gắng từng bước để đưa phim Việt đến khán giả quốc tế. Tuy nhiên, phim Việt Nam ở nước ngoài gặp nhiều khó khăn, bởi bên cạnh những yếu tố khác biệt về văn hóa, thị hiếu thì luôn phải đối mặt với các nước có nền điện ảnh lớn và phát triển…Và chỉ có thể được khán giả nhiều nước đón nhận khi kể những câu chuyện mang sắc thái văn hóa riêng biệt.

Mùa phim Hè này, tại nhiều rạp chiếu người ta thấy thiếu vắng phim Việt. Về nguyên nhân, một số ý kiến chuyên gia cho rằng, ngoài việc đây chỉ là những dự án phim vừa và nhỏ, chiến dịch truyền thông yếu ớt… còn là do nhiều đạo diễn vẫn ngại đối đầu với những bộ phim bom tấn của Hollywood và các nền điện ảnh lớn ở châu Á.

Hoàng Minh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/duong-dua-phim-viet-10287510.html