Đường hầm Hamas - phiên bản nâng cấp nguy hiểm của chiến tranh dưới lòng đất

Những tổn thất về quân sự và chính trị - ngoại giao của Israel khi phải đối đầu với hệ thống đường hầm Hamas khiến các quốc gia phải cân nhắc lại mức độ nguy hiểm của một cuộc chiến tranh dưới lòng đất.

Vụ tấn công của Hamas vào Israel ngày 7-10-2023 đã lôi kéo nước này vào một trong những cuộc chiến tranh dưới lòng đất phức tạp nhất từ trước đến nay với một hệ thống đường hầm chằng chịt bên dưới Dải Gaza.

Đến nay, các đường hầm của Hamas cho thấy quy mô chưa từng có và gây thương vong cho cả binh sĩ Israel và cả dân thường Gaza. Chưa dừng lại ở đó, bằng cách duy trì các hoạt động dưới lòng đất, Hamas đã kéo dài cuộc chiến của Israel, gây ra những tổn thất chính trị và ngoại giao lớn cho Israel, theo tờ Foreign Affairs.

Không thể tiếp cận

Sống sót dưới lòng đất trong thời gian dài không phải là một thành tích nhỏ. Năm 2022, hàng trăm binh sĩ Ukraine đã sống trong hầm ngầm bên dưới nhà máy thép Azovstal trong cuộc tấn công dữ dội của Nga vào TP Mariupol (tỉnh Donetsk). Lực lượng Ukraine khi đó phải đối mặt hàng loạt thách thức như cạn kiệt lương thực và nước uống, thiếu những điều kiện vệ sinh và y tế cơ bản nhất, không thể kết nối Internet và mất khả năng duy trì liên lạc với thế giới bên ngoài.

Gaza, những điều này không phải là vấn đề đối với Hamas. Binh sĩ Ukraine khi đó không thể sống quá hai tháng dưới lòng đất và sau đó đã hạ vũ khí đầu hàng, nhưng Hamas đã duy trì sự hiện diện quân sự dưới lòng đất trong gần 8 tháng.

Kỷ lục này của Hamas nhờ vào hệ thống lối đi ngầm phức tạp như mê cung trải dài khắp Gaza, bao gồm đầy đủ phòng ốc từ nhà bếp, phòng chỉ huy, trung tâm dữ liệu, phòng tắm, phòng giam, phòng làm việc... Ngoài ra, các chiến binh Hamas cũng không gặp trở ngại khi điều kiện khắc nghiệt, lượng oxy khan hiếm hay các vấn đề tâm lý khi ở dưới lòng đất do đã có hàng thập niên huấn luyện và lập kế hoạch cẩn thận.

 Binh sĩ Israel bên trong một đường hầm ở phía bắc Dải Gaza vào tháng 11- 2023. Ảnh: REUTERS

Binh sĩ Israel bên trong một đường hầm ở phía bắc Dải Gaza vào tháng 11- 2023. Ảnh: REUTERS

Đáng chú ý, thông thường, người ở trong đường hầm có lúc sẽ phải ra ngoài để tiếp nhiên liệu và hít thở không khí cũng như để liên lạc với thế giới bên ngoài, nhưng người ta gần như không nhìn thấy giới lãnh đạo Hamas xuất hiện trên mặt đất.

Vào tháng 4, có thông tin cho rằng lãnh đạo Hamas - ông Yahya Sinwar đã đến thăm lực lượng Hamas trên mặt đất nhưng chỉ trong thời gian ngắn.

Không rõ tần suất các chiến binh Hamas ra khỏi đường hầm để tiếp tế hoặc phục hồi sức khỏe, tuy nhiên, điều rõ ràng là Hamas có thể chỉ đạo các hoạt động quân sự từ dưới đường hầm mà không bị gián đoạn.

Mặc dù phải hứng chịu nhiều đòn tấn công của Israel làm gián đoạn hệ thống liên lạc nhưng nhìn chung Hamas vẫn có thể đảm bảo tính liên tục trong việc truyền tin.

Định nghĩa lại chiến tranh dưới lòng đất

Các đường hầm định hình cuộc chiến ở Gaza theo nhiều cách, chẳng hạn làm tổn hại khả năng đánh nhanh thắng nhanh của Israel, khiến việc giải cứu con tin khó khăn hơn, khiến dân thường gặp nguy hiểm và làm phức tạp môi trường quân sự và chính trị đối với Israel.

Đặc biệt có một khía cạnh của đường hầm thường bị giới phân tích bỏ qua dù có thể định hình các cuộc chiến tranh trong tương lai: Chiến tranh dưới lòng đất làm giảm tầm quan trọng của mặt đất.

Trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, Lực lượng Phòng vệ Israel tìm cách giành quyền kiểm soát mặt đất. Nhưng khi cuộc chiến kéo dài, mặt đất chỉ đóng vai trò đường dẫn để tiếp cận các đường hầm và không còn là tâm điểm của cuộc giao tranh.

Tham gia cuộc chiến đường hầm giống như quân đội Israel đang chơi trò chơi đập chuột chũi: phải chờ đợi để ra đòn. Tuy nhiên, chiến lược này làm các binh sĩ Israel cảm thấy mệt mỏi.

Israel đã đổi sang chiến thuật bỏ bom tại các lối vào đường hầm, nhưng chiến thuật này cũng gặp rắc rối vì đường hầm chưa kịp phá vỡ thì chiến binh Hamas đã di chuyển sang đường hầm khác. Điển hình là vụ Israel phát hiện một đường hầm trống bên dưới bệnh viện Al-Shifa - bệnh viện lớn nhất Dải Gaza.

 Lực lượng Israel phát hiện ra lối vào đường hầm của Hamas bên trong phòng ngủ của một đứa trẻ ở TP Rafa (cực nam Gaza) hôm 6-6. Ảnh: TELEGRAM

Lực lượng Israel phát hiện ra lối vào đường hầm của Hamas bên trong phòng ngủ của một đứa trẻ ở TP Rafa (cực nam Gaza) hôm 6-6. Ảnh: TELEGRAM

Giao tranh ở Gaza cũng cho thấy những tiến bộ trong công nghệ chống đường hầm đã không thể ngăn cản các nhóm như Hamas sử dụng chiến tranh dưới lòng đất. Israel được cho là sở hữu công nghệ chống đường hầm tiên tiến nhất thế giới. Các kỹ thuật phát hiện và vô hiệu hóa đường hầm đã được triển khai để chống lại mối đe dọa từ các đường hầm của lực lượng vũ trang Hezbollah (Lebanon) vào năm 2018.

Israel cũng huấn luyện các đơn vị đặc biệt về chiến tranh đường hầm, xây dựng cơ sở huấn luyện dưới lòng đất, phát triển cảm biến dưới lòng đất để bảo vệ biên giới của mình và triển khai máy bay không người lái (UAV) để ứng phó với chiến tranh dưới lòng đất.

Tuy nhiên, công nghệ vượt trội và chương trình đào tạo tiên tiến của Israel không ngăn cản Hamas đầu tư thời gian và nhân lực đáng kể vào việc xây dựng đường hầm. Những tiến bộ về công nghệ khiến Israel tin rằng có thể dập tắt các hoạt động dưới lòng đất của Hamas, nhưng thực tế thì ngược lại.

Cuối cùng, Hamas đã áp dụng thành công chiến thuật “lá chắn con người” trong cuộc chiến tranh dưới đường hầm, theo Foreign Policy.

Trong chiến tranh đương đại, che chắn bằng con người đề cập hành động đặt dân thường (thường là dân thường của chính mình) trong và xung quanh các cơ sở quân sự với mục đích bảo vệ những nơi này khỏi bị tấn công. Chiến thuật này bị cấm theo luật pháp quốc tế.

Hamas đã bắt hàng trăm con tin trong cuộc tấn công lớn vào Israel hồi năm ngoái và nhốt vào các đường hầm. Các con tin đang đóng vai trò vừa là con tin, vừa là “lá chắn sống” cho Hamas.

Với chiến thuật dùng con tin làm lá chắn, Hamas tối đa hóa các mục tiêu chính trị và quân sự vượt xa mục tiêu đã tuyên bố là giải phóng người Palestine khỏi nhà tù Israel. Việc bắt giữ con tin đã chia rẽ xã hội Israel và trao cho Hamas lợi thế lớn trên bàn đàm phán.

Cuộc chiến của Hamas khiến các quốc gia có chủ quyền phải xem xét lại vai trò và mối đe dọa của một cuộc chiến tranh dưới lòng đất: Không còn là một tập hợp con của chiến tranh trên bộ mà đã trở thành một lĩnh vực chiến tranh riêng biệt.

THẢO VY

Nguồn PLO: https://plo.vn/duong-ham-hamas-phien-ban-nang-cap-nguy-hiem-cua-chien-tranh-duoi-long-dat-post795696.html