Đường hầm tình báo 4.0
Hãy tưởng tượng bạn đang bước vào một đường hầm. Không khí tuyệt mật của một hệ thống tình báo nơi đây đang bủa lưới theo dõi thường trực trên toàn cầu.
Hãy tưởng tượng bạn đang bước vào một đường hầm. Hãy tưởng tượng viễn cảnh này: Khi bạn nhìn theo quãng đường trải dài phía trước, nhận ra các bức tường dường như thu hẹp dần vào chấm sáng nhỏ ở đầu bên kia. Ánh sáng ở cuối đường hầm là biểu tượng của hy vọng, và nó cũng là điều nhiều người thường nói họ đã nhìn thấy khi từng cận kề cái chết.
Họ phải đi đến đó, họ nói. Họ bị thu hút về phía ấy. Nhưng mà đã đi vào một đường hầm thì còn có cách nào khác hơn là phải đi xuyên qua nó? Chẳng phải tất cả mọi sự đều dẫn đến cái điểm ấy sao?
Hầm 3 tầng The Tunnel
Đường hầm của tôi là “The Tunnel”: Một nhà máy phi cơ khổng lồ thời Trân Châu Cảng đã được chuyển thành một cơ sở của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) nằm dưới một cánh đồng dứa ở Kunia, trên đảo Oahu, Hawaii. Cơ sở này được xây bằng bê tông cốt thép, đường hầm trở thành cái tên “The Tunnel” là một đường ống dài một km trong một sườn đồi chia thành ba tầng có nhiều ngăn của các hầm máy chủ và phòng làm việc.
Vào thời điểm xây dựng “The Tunnel”, ngọn đồi này được phủ không biết bao nhiêu là cát, đất, lá dứa sấy khô và những mảng cỏ phơi trong nắng để ngụy trang cho máy bay oanh tạc của Nhật Bản không phát hiện được. Sáu mươi năm sau, nó trông giống như một nấm mồ vĩ đại của một nền văn minh đã mất, hoặc một đống đất khô cằn đồ sộ mà một vị thần quái lạ nào đã vun đắp lên giữa một ô cát đồ chơi của một nhi thần khổng lồ. Tên chính thức của nó là Trung tâm Điều hành Bảo mật Khu vực Kunia.
Tôi đã đi làm ở đó, vẫn theo một hợp đồng của Dell, nhưng bây giờ lại làm việc cho NSA một lần nữa, vào đầu năm 2012. Một ngày vào mùa hè ấy - đúng ngay sinh nhật của tôi - khi tôi đi qua chốt kiểm tra an ninh rồi xuống đường hầm, tôi chợt nhận ra: Đây, ngay trước mặt, chính là tương lai của tôi.
Tôi không có ý nói rằng tôi đã có bất kỳ quyết định nào ngay lúc đó. Những quyết định quan trọng nhất trong đời không bao giờ được xảy ra như vậy. Chúng hình thành trong tiềm thức và chỉ khi nào đã chín mùi một cách có ý thức - khi bạn cuối cùng đã đủ mạnh mẽ để thừa nhận với bản thân rằng đây là điều mà lương tâm đã chọn cho mình, đây là đường hướng mà niềm tin của bạn đã ra lệnh phải theo.
Đó là món quà sinh nhật lần thứ hai mươi chín tôi tặng cho chính tôi: Cái nhận thức rằng mình đã bước vào một đường hầm mà nó sẽ hướng đời tôi đến một hành động duy nhất nhưng vẫn chưa định hình vào lúc đó.
Một bước tiến trong sự nghiệp
Giống như Hawaii luôn là một trạm trung chuyển quan trọng -trong lịch sử, quân đội Hoa Kỳ luôn xem chuỗi đảo này không chỉ là một kho tiếp nhiên liệu giữa Thái Bình Dương cho tàu thuyền và máy bay - nó cũng trở thành một điểm chuyển mạch quan trọng đối với thông tin liên lạc của Mỹ.
Những thông tin liên lạc này bao gồm cả thông tin tình báo lưu thông giữa bốn mươi tám tiểu bang liền kề trong lục địa với nơi làm việc trước đây của tôi, Nhật Bản, và cũng như các địa điểm khác ở châu Á.
Công việc tôi đảm nhận là một bước tiến đáng kể trên nấc thang sự nghiệp, với những nhiệm vụ mà ở thời điểm đó tôi có thể thực hiện ngay trong giấc ngủ. Công việc này được cho là ít căng thẳng hơn, ít áp lực hơn.
Tôi là nhân viên duy nhất của bộ phận được mang cái tên phù hợp là Phòng Chia sẻ Thông tin, nơi tôi làm quản trị viên hệ thống SharePoint.
SharePoint là một sản phẩm của Microsoft, một chương trình ngớ ngẩn chậm như rùa, hay đúng hơn là một bộ chương trình thập cẩm, chuyên quản lý tài liệu nội bộ: Ai có thể đọc cái gì, ai có thể chỉnh sửa cái gì, ai có thể gửi và nhận cái gì...
Giao tôi làm quản trị viên hệ thống SharePoint của Hawaii tức là NSA đã biến tôi thành người quản lý tài liệu. Trên thực tế, tôi là người có quyền đọc mọi tài liệu tại một trong những cơ sở quan trọng nhất của cơ quan này.
Theo thông lệ điển hình của tôi ở bất kỳ vị trí kỹ thuật mới nào, tôi đã dành những ngày đầu tiên để tự động hóa các nhiệm vụ của mình - có nghĩa là viết tập lệnh có kịch bản để làm thay việc cho tôi - để có nhiều thời gian dành cho chuyện gì khác thú vị hơn.
Trước khi kể thêm, tôi muốn nhấn mạnh điều này: Việc tôi chủ động tìm kiếm các hành vi lạm quyền của NSA không phải bắt đầu bằng việc sao chép tài liệu, mà bằng việc đọc.
Ý định ban đầu của tôi chỉ là để khẳng định những nghi ngờ đầu tiên của mình từ năm 2009 tại Tokyo. Ba năm sau, tôi quyết tâm tìm hiểu xem có tồn tại một hệ thống giám sát hàng loạt của Mỹ hay không và nếu có thì nó hoạt động như thế nào.
Dù tôi không rõ phải xúc tiến cuộc điều tra này ra sao, nhưng ít nhất tôi biết chắc một điều: Tôi phải hiểu chính xác cách hệ thống này hoạt động trước khi tôi có thể quyết định phải làm gì với nó, nếu có.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/duong-ham-tinh-bao-40-post1095011.html