ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH TRÊN BIỂN: Đặc sắc nghệ thuật quân sự Việt Nam
Đường Hồ Chí Minh trên biển viết nên bản hùng ca về ý chí, sức sáng tạo của con người Việt Nam, góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại trước đế quốc Mỹ
Nhân kỷ niệm 60 năm ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển (23.10.1961 - 23.10.2021), sáng 19-10, Bộ Quốc phòng phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Thành ủy Hải Phòng tổ chức hội thảo khoa học "Đường Hồ Chí Minh trên biển - Kỳ tích lịch sử và bài học đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc".
Bản hùng ca trên biển
Cách đây 60 năm, để đáp ứng yêu cầu vận chuyển vũ khí, hàng hóa chi viện cho chiến trường Nam Bộ và Nam Trung Bộ, trong khi vận chuyển đường bộ của Đoàn 559 trên dãy Trường Sơn chưa vươn tới, ngày 23-10-1961, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định thành lập Đoàn 759, làm nhiệm vụ vận chuyển chiến lược trên biển chi viện chiến trường.
Trong suốt 14 năm (1961 - 1975) thực hiện nhiệm vụ chi viện chiến trường bằng đường biển, dù có lúc gián đoạn do địch ngăn chặn quyết liệt nhưng đã có hàng ngàn lượt tàu vào Nam, ra Bắc; vận chuyển hàng chục vạn tấn vũ khí, khí tài, hàng hóa, thuốc chữa bệnh, đưa đón hàng chục ngàn cán bộ, chiến sĩ…, góp phần phát triển thế và lực của cách mạng miền Nam thống nhất đất nước. Ngày 23-10 trở thành ngày truyền thống của Đoàn 759, tiền thân Lữ đoàn 125, Bộ Tư lệnh Vùng 2 (Quân chủng Hải quân) ngày nay; đồng thời là ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển.
Tại hội thảo, nhiều tham luận đã phân tích làm rõ, Đường Hồ Chí Minh trên biển là một trong những chiến công hiển hách của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; đồng thời, thể hiện nét độc đáo, đặc sắc của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Với việc tổ chức thành công Đường Hồ Chí Minh trên biển, quân và dân ta đã viết nên bản hùng ca về ý chí, sức sáng tạo của con người Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh; góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc trong cuộc chiến đấu lịch sử chống lại đế quốc Mỹ…
Giá trị cho ngày hôm nay
Là nhân chứng lịch sử, Đại tá Bùi Tư - nguyên Báo vụ tàu 676, nguyên Chính ủy Vùng 1 Hải quân - xúc động nhắc lại câu chuyện "Thuyền trưởng và những chuyến đi". Đối với con đường chi viện cho chiến trường miền Nam - Đường Hồ Chí Minh trên biển, dường như mỗi chuyến đi là một kỷ niệm. Mỗi cán bộ, chiến sĩ trên tàu không những có đủ quyết tâm, trình độ chuyên môn hoàn thành vị trí công tác của mình mà còn là anh em thân thiết, đoàn kết giúp nhau vượt qua nhiều khó khăn, thử thách để cùng hoàn thành nhiệm vụ. Mặc dù 60 năm đã qua nhưng chuyến đi của tàu 42 vào tháng 10-1965 tới bến Cà Mau và người thuyền trưởng Nguyễn Văn Cứng (chú Bảy Cứng) vẫn nguyên vẹn trong ký ức của Đại tá Bùi Tư...
Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nhấn mạnh kết quả của hội thảo sẽ góp phần hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí độc lập, tự chủ và khát vọng hòa bình, quyết tâm đoàn kết một lòng vượt qua mọi gian lao, thử thách, đặc biệt trước đại dịch Covid-19. Đồng thời, hội thảo giúp chúng ta nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn tầm vóc, ý nghĩa lịch sử cũng như bài học kinh nghiệm có giá trị thực tiễn đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc cũng như trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên biển đảo hiện nay.
Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên - Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Bộ Quốc phòng - đánh giá gần 90 báo cáo, tham luận của các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, nhà nước, Bộ Quốc phòng, các ban - bộ - ngành trung ương và các địa phương, các quân khu, quân đoàn, quân, binh chủng, học viện, nhà trường, viện nghiên cứu, nhân chứng lịch sử… gửi đến hội thảo đã đi sâu phân tích, luận giải từng nội dung cụ thể nhưng tất cả đều tập trung làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn "Đường Hồ Chí Minh trên biển - Kỳ tích lịch sử và bài học đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc".
Huyền thoại Đoàn tàu Không số
Chiều 19-10, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt đoàn đại biểu cựu chiến binh Đường Hồ Chí Minh trên biển và đại diện các cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Hải quân có thành tích, chiến công xuất sắc, đặc biệt xuất sắc.
Với yêu cầu mới, Chủ tịch nước nhấn mạnh việc tiếp tục phải bảo vệ trọn vẹn chủ quyền biển đảo trong mọi tình huống, giữ vững được môi trường hòa bình, ổn định trên các vùng biển để phát triển đất nước; giải quyết các bất đồng, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở đường lối quan điểm của Đảng, nhà nước, luật pháp Việt Nam, luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982.
Đối với các cựu chiến binh Đường Hồ Chí Minh trên biển, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mong muốn mỗi người tiếp tục phát huy truyền thống hào hùng, vẻ vang của Đoàn tàu Không số để mãi mãi là những tấm gương sáng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của lòng dũng cảm, ý chí sắt đá, không ngừng nỗ lực tham gia xây dựng gia đình, quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp hơn.