Đường hồi hương cho cổ vật
Năm 2023, sự kiện ấn vàng 'Hoàng đế chi bảo' hồi hương thành công thu hút sự quan tâm của không chỉ những người yêu mến cổ vật, yêu mến văn hóa mà của cả dư luận. Thế nhưng, 'đường về' của không ít cổ vật giá trị khác vẫn còn những gian truân.
Một năm đàm phán
Ngày 16/11/2023, lễ chuyển giao ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” - một báu vật hoàng cung của triều Nguyễn - đã được tổ chức ở Đại sứ quán Việt Nam tại Paris (Pháp) để hồi hương, kết thúc hành trình hơn một năm thương thảo giữa các đối tác Việt Nam và Pháp thông qua con đường ngoại giao văn hóa.
Ấn “Hoàng đế chi bảo” được đúc bằng vàng ròng vào ngày 4 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 4, tức ngày 15/3/1823. Đây là một ấn lớn và đẹp bậc nhất của triều Nguyễn. Ngày 30/8/1945, khi tuyên bố thoái vị, Vua Bảo Đại đã trao ấn, kiếm cho chính quyền cách mạng. Sau nhiều biến cố, ngày 8/3/1952, người Pháp tổ chức lễ trao lại ấn kiếm cho Bảo Đại với vai trò quốc trưởng, sau đó ấn được đưa sang Pháp vào năm 1953.
Trước khi qua đời (năm 1997), cựu hoàng Bảo Đại đã di chúc để lại tài sản, trong đó có ấn “Hoàng đế chi bảo” cho vợ là bà Monique Baudot, người Pháp. Bà Monique Baudot qua đời năm 2021, di sản được thừa kế. Ngày 31/10/2022, Hãng đấu giá Millon dự định đưa ấn vàng ra đấu giá. Ngay lập tức, thông tin này đã nhận được sự quan tâm của đông đảo dư luận.
Nhận thức ý nghĩa, tầm quan trọng và các giá trị lịch sử, chính trị, văn hóa, nghệ thuật của ấn vàng, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp các Bộ: Ngoại giao, Tư pháp, Tài chính, Công an và các cơ quan, tổ chức liên quan chủ động, nỗ lực, khẩn trương tìm kiếm giải pháp đưa ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” trở về với đất nước.
Cổ vật có nguồn gốc Việt Nam hồi hương
Theo Đại diện Cục Di sản Văn hóa, trước đây có một số lần cổ vật có nguồn gốc Việt Nam hồi hương, theo ba hình thức.
Thứ nhất, cá nhân, tổ chức vận động quyên góp mua cổ vật và hiến tặng về nước, trong trường hợp chuông chùa Ngũ Hộ được đưa từ Tokyo, Nhật Bản về Bắc Ninh năm 1978.
Thứ hai, cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá ở nước ngoài và hiến tặng về nước như: Xe kéo của Hoàng Thái hậu Từ Minh, mũ quan triều Nguyễn và áo Nhật Bình.
Thứ ba, chính phủ các nước tự nguyện trả cổ vật của Việt Nam thu được từ các cuộc điều tra buôn bán trái phép: 18 cổ vật nhận từ Đức năm 2018, một số cổ vật Đông Sơn nhận từ Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI). Theo Cục, sau khi Việt Nam tham gia Công ước UNESCO 1970 về chống buôn bán trái phép tài sản văn hóa vào năm 2005, một số nước đã điều tra và hoàn trả một số cổ vật có nguồn gốc Việt Nam.
Sau những nỗ lực đàm phán với Hãng Millon, đại diện phía Việt Nam và Hãng Millon đã thống nhất được thỏa thuận tạm hoãn đấu giá ấn vàng. Đầu năm 2023, ông Nguyễn Thế Hồng, Giám đốc Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng ở Bắc Ninh đã thương lượng và mua thành công ấn vàng. Giá thỏa thuận mua bán là hơn 6 triệu euro (khoảng hơn 153 tỷ đồng) bao gồm thuế.
Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng nhấn mạnh: Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” là một tài sản quốc gia mang ý nghĩa lịch sử và chính trị đặc biệt, phản ánh nhiều giai đoạn lịch sử quan trọng khác nhau của Việt Nam. Ấn vàng hôm nay trở về với đất nước của nó, với cội nguồn của nó là một hành trình cam go nhưng cũng là một đoạn kết tuyệt đẹp, phần nào là sự trọn vẹn mà chúng ta đều mong muốn.
Ngoài ấn “Hoàng đế chi bảo”, ông Hồng còn sở hữu cặp bát vàng của Vua Khải Định. Hiện vật từng được nhà đấu giá Millon bán cho một nhà sưu tập với giá 680 ngàn euro (khoảng 16,7 tỷ đồng) hồi tháng 10/2022. Sau đó, Hãng Millon giúp ông Hồng kết nối với người này. Biết ông tha thiết hồi hương nhiều cổ vật, người này thuận tình để lại. Cặp bát được ông mang về nước cùng ngày với ấn “Hoàng đế chi bảo”.
Nhiều báu vật còn ở “xứ người”
Một hiện vật khác, chiếc mũ quan triều Nguyễn được đưa ra bán đấu giá vào tối 28/10/2021. Mũ có niên đại cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, đi kèm cả hộp đựng bằng gỗ sơn son thếp vàng. Giá khởi điểm của chiếc mũ này là 600 Euro nhưng đã được người đấu giá online đấu thắng với giá 600.000 Euro, gấp 1.000 lần giá khởi điểm. Nếu cộng thêm 25% thuế và các loại phí thì chiếc mũ quan này lên đến 750.000 Euro. Mũ cùng với một hiện vật khác là áo Nhật Bình sau đó đã được đơn vị trúng đấu giá trao tặng cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.
Trước đó, ngày 13/6/2014, chiếc xe kéo của Vua Thành Thái tặng mẹ là Hoàng Thái hậu Từ Minh để dạo chơi trong vườn ngự uyển cùng với long sàng được đưa ra bán đấu giá tại Chateau de Cheverny - Pháp. Giá khởi điểm của nhà đấu giá Rouillac đưa ra là 1.000 Euro. Thời điểm đó, do không thể trực tiếp sang Pháp để tham gia phiên đấu giá, tổ đấu giá cổ vật của tỉnh Thừa Thiên Huế buộc phải đấu giá qua điện thoại với sự hỗ trợ của kiều bào ở nước ngoài.
Sau nhiều bước giá với sự cạnh tranh khá khốc liệt của nhiều tổ chức tham gia, cuối cùng, chiếc xe kéo cũng được tỉnh Thừa Thiên Huế đấu giá thành công với tổng kinh phí 55.800 Euro.
TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế, nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, việc mua được chiếc xe này gặp nhiều khó khăn, vì khi đấu giá thành công vẫn bị Bảo tàng Guimet - Pháp tranh chấp. Nếu không có sự can thiệp của Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, chắc chắn chúng tôi không thắng trong cuộc tranh chấp đó…
Sau những biến cố của thời cuộc, rất nhiều cổ vật của Việt Nam, đặc biệt là cổ vật triều Nguyễn đã lưu lạc ra nước ngoài. Hiện có 3 con đường đưa cổ vật về nước: Cổ vật được nước ngoài trả về theo công ước quốc tế về các biện pháp ngăn cấm xuất, nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa; đấu giá và sưu tầm tư nhân.
Theo các nhà sưu tầm, nghiên cứu, có một lượng rất lớn cổ vật của Việt Nam nói chung, triều Nguyễn nói riêng vì nhiều lý do đang lưu lạc ở các bảo tàng, các bộ sưu tập cá nhân ở nước ngoài như: Thái A kiếm của Vua Gia Long; Chậu quán tẩy bằng vàng; Sách phong bằng vàng thời Gia Long; Trấn phong bằng vàng thời Khải Định; Tượng giải trãi bằng vàng thời Minh Mạng, cành vàng lá ngọc…
Thái A kiếm là một bảo vật gắn liền với sự nghiệp của Vua Gia Long, vị vua sáng lập vương triều Nguyễn. Thanh kiếm có tầm vóc không thua kém ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”. Thanh kiếm này đang được trưng bày tại Bảo tàng Quân đội Pháp ở Paris. Cổ vật con giải trãi bằng vàng đời Minh Mạng là pho tượng linh thú duy nhất bằng vàng của triều Nguyễn hiện còn được ghi nhận từ trước tới nay. Tượng cao 12cm, nặng 211,7 gram, được đưa ra đấu giá ở Reuil-Malmaison (Pháp) với giá khởi điểm là 12.000 euro vào năm 2011.
Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi) dự định bổ sung quy định
Theo đó, Điều 79 dự thảo Luật quy định về việc: Mua và đưa di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước:
1. Nhà nước dành ngân sách thích đáng để mua và đưa di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước.
2. Khuyến khích tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước phát hiện, thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; mua và hiến tặng cho Nhà nước di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài.
3. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm xác định giá trị; đề xuất mua, đưa và cấp giấy phép nhập khẩu di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước; đề xuất khen thưởng cho tổ chức, cá nhân có công nước phát hiện, thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc mua và hiến tặng cho Nhà nước di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài.
4. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm hướng dẫn về mức chi để mua và đưa di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước; đề xuất cơ chế, chính sách để khuyến khích tổ chức, cá nhân mua và hiến tặng cho Nhà nước di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài.
5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/duong-hoi-huong-cho-co-vat-post503293.html