Đường huyết mạch thành đường 'lưng trâu, chết chóc' ở Bình Dương
Với kinh phí đầu tư hơn 3.500 tỷ đồng, đường Mỹ Phước Tân Vạn (Bình Dương) được xem là tuyến huyết mạch của địa phương nối thông với các tỉnh, thành phố lân cận. Thế nhưng, dù chỉ mới đưa vào sử dụng thời gian ngắn, tuyến đường này trở thành nỗi ám ảnh người đi đường, là cung đường 'chết chóc' vì xuất hiện 'lưng trâu' chạy dài suốt tuyến.
Đường Mỹ Phước Tân Vạn được đầu tư xây dựng bằng hình thức BOT với tổng kinh phí hơn 3.500 tỷ đồng. Con đường có chiều dài gần 30 km đường chính và 12 km đường gắn với cầu vượt và các nút giao thông cắt liên thông để kết nối với bên ngoài. Điểm đầu đường từ Khu công nghiệp và Đô thị Mỹ Phước đi qua các KCN lớn nằm trên 4 thị xã, thành phố gồm: Bến Cát, Thủ Dầu Một, Thuận An và Dĩ An đến cửa ngõ sân bay, cảng biển quốc tế.
Đường được khởi công năm 2009 và kế hoạch hoàn thành là 4 năm. Tuy nhiên, tuyến đường Mỹ Phước Tân Vạn đưa vào sử dụng chậm hơn dự kiến. Năm 2015, tuyến đường huyết mạch này cho xe lưu thông. Tuy nhiên, hiện nay đường xuống cấp trầm trọng, “lưng trâu” chạy dài hầu hết tuyến đường. Một số đoạn đường xuất hiện hố voi, “lưng trâu” sâu được cơ quan chức năng chắp vá.
Ghi nhận của PV Tiền Phong, hiện đường Mỹ Phước Tân Vạn điểm sụt lún sâu hơn 10cm tạo rãnh nước khi mưa xuống chạy dài suốt tuyết. Do đường xuống cấp nên liên tục xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng dẫn đến chết người, trở thành nổi ám ảnh của người đi đường và người dân sống hai bên đường.
Ông Lê Anh Hựu (thợ sửa xe gần đường Mỹ Phước Tân Vạn) cho biết: “Đường Mỹ Phước Tân Vạn xuống cấp trầm trọng, xuất hiện “sống trâu” gây nguy hiểm cho người đi đường. Hầu như ngày nào cũng xảy ra tai nạn giao thông, phần vì đường quá đông phương tiện, phần vì đường xấu, gồ ghề gây trơn trượt cho xe máy. Tôi từng đưa nhiều nạn nhân đi cấp cứu vì họ đi xe máy tự té trên đường”.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Mến (một người dân sống gần đường Mỹ Phước Tân Vạn) cho biết thêm, mỗi lúc trời mưa đều xảy ra tai nạn, chủ yếu là xe máy. “Phần đường dành cho xe máy quá tải, nhiều người lấn làn xe ô tô để đi nhanh. Tuy nhiên, làn đường ô tô “sống trâu” cao, gồ ghề nhiều xe máy lạc tay lái tự té. Một số vụ tai nạn chết người do tự té rồi xe ô tô cán qua người”, bà Mến nói.
Theo phản ánh của người dân, đường Mỹ Phước Tân Vạn xuất hiện nhiều hố voi, lưng trâu từ hai năm trở lại đây nhưng độ lún sâu đến hơn 10cm mới xảy ra hai tháng nay. Anh Lê Anh Tuấn (người được mệnh danh là “hiệp sĩ” bóng đêm, chuyên cứu người gặp nạn) cho biết: “Nhiều vụ tai nạn xảy ra trong đêm trên đường Mỹ Phước Tân Vạn. Buổi tối, ít phương tiện đi lại, một số người đi xe máy chạy sang đường ô tô. Do đường có “lưng trâu” khiến người điều khiển xe máy lạc tay lái té xuống đường. Nhiều xe máy chạy song song với ô tô cũng tự té do cán lên đường “lưng trâu”.
Nói về tuyến đường Mỹ Phước Tân Vạn, ông Trần Bá Luận - Giám đốc Sở GTVT Bình Dương, cho biết nguyên nhân đường hằn, lún, “lưng trâu” do lưu lượng và tải trọng của các phương tiện lưu thông trên tuyến đường rất cao như xe container, xe tải. Trong thời gian qua, Sở Giao thông - Vận tải và Tổng Công ty Becamex IDC (đơn vị xây dựng) đã thường xuyên rà soát, sửa chữa, khắc phục những đoạn tuyến bị hằn lún vệt bánh xe, cào bóc lớp nhựa bị hằn lún, thảm lại bê-tông nhựa nóng, bê-tông xi măng. Hiện nay, đang tiếp tục duy tu, dặm vá, sửa chữa các đoạn tuyến bị hằn lún vệt bánh xe.
Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Bình Dương cho biết thêm, bên cạnh việc tiếp tục đầu tư nâng cấp mở rộng những tuyến đường giao thông đối nội và đối ngoại của tỉnh, tuyến Mỹ Phước - Tân Vạn cũng cần được tiếp tục đầu tư xây dựng các giao lộ khác như cầu vượt, hầm chui, cầu vượt bộ hành.
Mới đây, HĐND tỉnh Bình Dương vừa thông qua việc xây trạm thu phí trên đường Mỹ Phước Tân Vạn là một trong những hạng mục trong dự án "Tạo cảnh quan, chống ùn tắc giao thông trên tuyến đường Mỹ Phước Tân Vạn, ĐT 746, ĐT747B, ĐT743". Bình Dương đã trình đề án đến các bộ, ngành xem xét.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể vừa có văn bản yêu cầu Tổng cục Đường bộ, các nhà đầu tư BOT kiểm tra, rà soát và khẩn trương khắc phục các vị trí hằn lún vệt bánh xe đối với các tuyến đường đầu tư theo hình thức này. Động thái này được thực hiện khi nhiều tuyến đường đầu tư hình thức BOT xuống cấp trầm trọng sau thời gian ngắn đưa vào sử dụng. “Tổng cục Đường bộ đề xuất hình thức xử lý đối với các đơn vị chậm trễ trong việc sửa chữa, khắc phục hằn lún vệt bánh xe ảnh hưởng đến an toàn giao thông, như dừng thu phí, cấm tham gia đấu thầu các dự án”, Bộ trưởng GTVT yêu cầu.