Đường không lối về của người đàn bà máu lạnh
Sau khi trả án tù vì tội Giết người trở về, thị vẫn tiếp tục nhắm mắt trượt dài vào các tệ nạn đến nỗi lại thêm một lần nữa cầm dao giết người cướp của chỉ vì nợ nần bủa vây mà không có khả năng chi trả.
Sáng ngày 2/8/2018, tại chùa Phước Long (phường 1, quận 10, TP.HCM), phật tử đã tập họp gần như đông đủ để chuẩn bị cho một buổi sinh hoạt thường kỳ. Mãi không thấy bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (pháp danh Hải Hiếu, một nữ tu tại gia) có mặt như đã hẹn, Sư thầy Đặng Văn Thơm (sư trụ trì chùa Phước Long) gọi điện cho bà Nhàn nhưng không ai bắt máy. Một lúc sau, sư thầy gọi lại thì đầu dây bên kia có tiếng một người phụ nữ trung niên a lô rồi vội vàng cúp máy, ông Thơm nhận ra đó không phải là giọng nói của bà Nhàn. Sau đó thì điện thoại không còn liên lạc được nữa.
Nghi ngờ có chuyện chẳng lành, sư thầy lo lắng lập tức đến nhà bà Nhàn ở hẻm số 339 đường Kênh Tân Hóa, phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú để xem xảy ra chuyện gì thì phát hiện vị nữ tu gục chết trong nhà, trên cơ thể có rất nhiều vết thương, hiện trường có nhiều xáo trộn. Sư thầy bèn đến công an phường trình báo.
Hai mươi ngày sau người dân thuộc phường 4, TP Vĩnh Long vô cùng ngạc nhiên khi thấy công an xuất hiện tìm một người đàn bà cũng vừa xuất hiện tại đây một thời gian ngắn. Đó chính là Nguyễn Hồng Loan (49 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TP.HCM), nghi can sát hại nữ tu Hải Hiếu. Bà ta đã kịp uống thuốc trừ sâu tự tử nhưng được các chiến sĩ công an đưa đi cấp cứu kịp thời nên đã bảo toàn tính mạng. 3 ngày sau nghi can Hồng Loan chính thức bị Công an TP.HCM bắt giữ.
Nguyễn Hồng Loan được biết đến như một người đàn bà có lối sống buông thả, ăn chơi bạt mạng, đam mê cờ bạc và nợ nần như chúa chổm. Ở cái tuổi xấp xỉ 50 như người ta thì đã là một người phụ nữ chín chắn, hết lòng chăm lo cho mái ấm gia đình; một người mẹ gương mẫu cho con cái soi vào mà sống làm người tử tế. Còn thị thì cứ nhắm mắt trượt dài vào các tệ nạn đến nỗi cầm dao giết người cướp của chỉ vì nợ nần bủa vây mà không có khả năng chi trả.
Mà có phải đây là lần đầu tiên thị phạm tội giết người đâu. Năm 2005, Nguyễn Hồng Loan đã bị Tòa án nhân dân Tối cao tại TP.HCM tuyên phạt 9 năm tù về tội Giết người. Chấp hành hình phạt tù được 4 năm thì thị được đặc xá tha tù trước thời hạn vào năm 2009.
Bốn năm giam mình đằng sau song sắt nhà tù những tưởng người đàn bà tội lỗi ấy đã biết sợ, biết nhận ra lỗi lầm, biết ăn năn hối cải mà sống đàng hoàng lương thiện hòng làm lại cuộc đời. Nhưng không, thị vẫn chứng nào tật nấy, ngựa quen đường cũ. Trở về với cuộc sống đời thường thị vẫn lao vào cờ bạc, nợ nần. Và cuối cùng giẫm đúng vào vết trượt năm xưa. Cú ngã lần này không còn cơ hội để người đàn bà ấy đứng lên nữa. Vĩnh viễn không còn cơ hội.
Phiên tòa xét xử đối với bị cáo Nguyễn Hồng Loan được mở tại Tòa án nhân dân TP.HCM. Theo cáo trạng, do mượn tiền của nhiều người tiêu xài và đánh bạc nhưng không có tiền để trả nên bị cáo Loan nảy sinh ý định giết bà Nhàn để cướp tài sản.
Tối ngày 1/8/2018, bị cáo Loan đến nhà bà Nhàn kể lể, giả vờ xin xuống tóc đi tu. Bị bất ngờ, bà Nhàn bảo bị cáo Loan về suy nghĩ kỹ lại. Nếu nhất quyết xuất gia đầu Phật thì 4h sáng hôm sau (02/8/2018) đến để bà làm lễ cắt 3 chùm tóc rồi khi nào xuống tóc cũng được.
Y hẹn, bị cáo Loan mang theo một giỏ quần áo cá nhân, giấu con dao trong túi rồi đi bộ đến nhà bà Nhàn. Sau khi làm lễ cắt 3 chùm tóc cho bị cáo xong, bà Nhàn dẫn bị cáo vào nhà tắm để rửa mặt.
Chớp lấy thời cơ khi bà Nhàn đi vào nhà tắm, bị cáo đi theo, lấy dao đâm liên tiếp nhiều nhát vào người khiến nạn nhân tử vong tại chỗ. Sau đó, bị cáo lục lấy 70 triệu đồng tiền mặt, 3 sổ tiết kiệm, một điện thoại di động iPhone 7 Plus và một chiếc xe máy của bà Nhàn rồi bỏ trốn.
Trước khi về nhà người quen ở tỉnh Vĩnh Long để lẩn trốn, bị cáo đem xe máy lấy được cất vào khu nhà trọ của bà Nguyễn Thị Thu Thủy - là dì của bị cáo - rồi nhờ người chở đi trả nợ. Tại Vĩnh Long, bị cáo đã bị công an phát hiện và bắt giữ khi có ý định tự tử để chạy tội.
Tại phiên tòa, bị cáo Loan cho rằng, vì nợ nần chồng chất, cảm thấy cuộc sống bế tắc nên chán nản có ý định xuống tóc đi tu thật. Nhưng vì bị chủ nợ đòi tiền rát quá nên mới nảy sinh ý định giết bà Nhàn cướp của.
Được hỏi tại sao lại có ý định cướp của một người tu hành. Bị cáo trả lời, sau khi mãn hạn tù lần trước cách đây gần 10 năm, bị cáo về sinh sống gần nhà bị hại, thấy bà Nhàn thường xuyên bỏ tiền ra giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn, trẻ em cơ nhỡ, cá nhân bị cáo cũng nhiều lần được giúp đỡ nên bị cáo nghĩ bà Nhàn có nhiều tài sản.
Được nói lời sau cùng, bị cáo Loan khóc nức nở, bày tỏ sự hối hận về những việc làm của mình và xin gia đình nạn nhân tha thứ: “Bị cáo không dám nhìn mặt ai sau những tội lỗi đã gây ra kể cả gia đình và chồng mình. Nhưng bị cáo đã rất thành khẩn, xin tòa cho bị cáo cơ hội để được về với con”. Những giọt nước mắt đổ ra ở tại phiên tòa cho dù là của bị cáo, bị hại hay của người dự khán đều thường làm cho người ta thấy cảm thương và tiếc nuối. Nhưng trong phiên tòa này, những giọt nước mắt của bị cáo Nguyễn Hồng Loan không làm cho bất kỳ ai động một chút lòng trắc ẩn, mặc dù thị cứ ngằn ngặt khóc.
Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử nhận định, hành vi của bị cáo Loan thuộc trường hợp có tính chất côn đồ, thực hiện hành vi một cách quyết liệt, có động cơ mục đích giết người, cướp tài sản ngay từ đầu, một lúc phạm nhiều tội. Sau khi phạm tội, bị cáo bỏ trốn, tiêu hủy chứng cứ gây khó khăn cho cơ quan điều tra. Bản thân bị cáo có nhân thân xấu, xét bị cáo không còn khả năng cải tạo, giáo dục. Từ đó, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo mức án Tử hình.
Mức án tử hình được tuyên đối với bị cáo Nguyễn Hồng Loan là hoàn toàn xứng đáng. Song, vụ án đã để lại nhiều điều khiến cho người ta phải suy nghĩ. Đó là việc phạm tội có tính hệ thống dù đã được cải tạo của một người phụ nữ đã làm vợ, làm mẹ. Nạn nhân bị thảm sát dưới tay bị cáo là một người vô tội, đại diện cho sự thiện lương: một nữ tu. Tội ác không chừa một nơi nào, không chừa một ai nếu như vẫn còn những con người sống buông thả, bê tha, không có trách nhiệm với bản thân gia đình và xã hội.