'Đường kim mũi chỉ' trong tranh Hoàng Đăng Nghiễm
Triển lãm 'Đường kim mũi chỉ' của Hoàng Đăng Nghiễm trưng bày 22 tác phẩm tuyệt đẹp nhằm tìm kiếm ý niệm liên thông giữa vật liệu và chất liệu hội họa.
Triển lãm “Đường kim mũi chỉ” khai mạc lúc 18 giờ ngày 13/5, kéo dài đến ngày 31/5/2024, tại Blanc de Blancs (83-85 Nguyễn Huệ, Q.1, TPHCM) do Art Key tổ chức.
Ban Tổ chức triển lãm cho biết, sẽ trưng bày 22 tác phẩm vật liệu tổng hợp, khổ lớn, chia thành 4 chủ đề: Đường kim mũi chỉ, Cát bụi vẫn còn, Hàn gắn, Vá khâu những tàn tích.
Gọi đây là tác phẩm chất liệu tổng hợp cũng tạm được, nhưng thật ra thì Hoàng Đăng Nghiễm tìm kiếm một ý niệm liên thông giữa vật liệu và chất liệu. Điều này quan trọng hơn rất nhiều.
Nhà nghiên cứu Lý Đợi cho rằng, họa sĩ Hoàng Đăng Nghiễm đã dùng một kỹ thuật “vẽ” ít giống ai để xóa nhòa khoảng cách về vật liệu và chất liệu trên tác phẩm. Nói cách khác, vật liệu trở thành chất liệu và ngược lại, nên câu chuyện và thẩm mỹ được hòa quyện ngay từ chính những đường kim mũi chỉ đầu tiên.
Màu mà Hoàng Đăng Nghiễm chọn nhuộm lên toan/bố được lấy từ nhiều nguồn, nhưng chủ yếu từ màu của các loại rễ cây rừng của người H’mông ở Sapa, Ba-na và Cơ-tu ở Tây Nguyên… Ngoài ra còn lấy từ người dân tộc ít người thiểu số ở nước bạn Lào.
Có thể tình cờ, nhưng kết quả bề mặt cho thấy nhiều tác phẩm của Hoàng Đăng Nghiễm là sự kết hợp của tinh thần huyền thoại hóa với ký hiệu, biểu tượng, biểu hiện, ý niệm và tối giản.
Đây là một sự liên nối thú vị, giữa một hiệu ứng bề mặt có tính công nghiệp, giống như vải bao bố ở các cảng xuất khẩu, giống vải jean, với các chất liệu rất truyền thống của các dân tộc ít người, bản địa.
Nói về ý niệm của mình, họa sĩ Hoàng Đăng Nghiễm cho biết: “Mỗi mũi khâu là một kết nối, một chữa lành, là nhịp tim, là hơi thở. Vá khâu những đứt gãy của các sợi dệt chữ thập. Hàn gắn những rạn nứt tâm hồn. Trân trọng những giá trị còn sót lại”.