Đường lậu vẫn tung hoành trên thị trường Việt Nam
Đường lậu đang quay trở lại mạnh mẽ, đe dọa trực tiếp đến ngành đường và sức khỏe người tiêu dùng dưới nhiều hình thức tinh vi hơn.
Ngành mía đường đóng góp rất lớn trong việc tạo công ăn việc làm, nộp ngân sách. Thế nhưng bất chấp các biện pháp phòng vệ thương mại, ngành này vẫn đang đối diện với vấn nạn đường lậu bán phá giá, tác động không nhỏ đến sức mạnh thương hiệu đường Việt Nam.
Đường cát lậu Thái Lan, Campuchia lan tràn
Việc siết chặt biên giới nhằm phòng chống dịch COVID-19 đã khiến cho đường cát nhập lậu vào thị trường Việt Nam có phần suy giảm. Tuy nhiên, đường cát nhập lậu từ Thái Lan, Campuchia vẫn được “phù phép” để rao bán trên thị trường.
Tại khu vực chợ Bình Tây như đường Phan Văn Khỏe, Lê Tấn Kế... phóng viên ghi nhận có hơn 10 sạp hàng bán gia vị. Tại một số quầy sạp trưng bày đường cát đóng trong bao loại 50 kg và ghi rõ tên các công ty sản xuất đường trong nước. Tuy vậy, có sạp không trưng bày loại đường đóng trong bao mà chỉ bán đường đã được sang chiết vào cây 12 kg (bao xá).
Liên lạc với một số nhà phân phối, chúng tôi được biết: Hiện nay đường Long An không có, chỉ có đường cát Campuchia giá bán 18.500 đồng/kg nếu mua bao 50 kg và mua cây 12 kg thì giá 19.000 đồng/kg.
Một số nhà cung cấp nguyên liệu pha chế còn rao bán đường cát trắng đóng trong bịch loại 1 kg với giá 19.500 đồng. Nhưng khi chúng tôi hỏi loại đường cát này của Long An hay hiệu nào thì người bán cho biết “đây là đường cát Thái Lan chiết ra từ bao 50 kg và chỉ bán một loại này”.
Bà Hòa, một tiểu thương ở chợ Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình, TP.HCM, cho hay thường mua đường của các công ty đã được người bán san sẵn ra thành cây 12 kg.
“Tùy vào sức mua tại chợ, có khi tôi mua bao 50 kg của các công ty lớn rồi về tự san ra bịch trọng lượng 1 kg, 2 kg để ai đi chợ mua ít nhiều đều dễ bán, giá cũng rẻ hơn” - bà Hòa nói.
Doanh nghiệp mía đường nội địa lao đao
Theo Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) TP.HCM, riêng trong năm 2020, các lực lượng chức năng đã phát hiện hơn 21 tấn đường cát nhập lậu. Điển hình là vào tháng 11-2020, Đội quản lý thị trường số 12 kiểm tra chi nhánh Công ty TNHH MTV BT Food tại tỉnh lộ 43, Thủ Đức do ông LVB làm giám đốc. Tại đây, cơ quan chức năng đã lập biên bản tạm giữ hơn 10 tấn đường cát do Thái Lan sản xuất, không hóa đơn chứng từ, không nhãn, không rõ nguồn gốc để xử lý.
Mới đây nhất vào ngày 15-5-2021, lực lượng quản lý thị trường TP.HCM phối hợp với lực lượng công an kiểm tra và thu giữ hơn 140 tấn đường cát không rõ nguồn gốc, nghi nhập lậu được chở trên ba xe tải và container khi các phương tiện đang đậu ở quận Bình Tân và huyện Hóc Môn, TP.HCM. Các bao đường có trọng lượng 50 kg được in dòng chữ Erawan Sugar, sản xuất tại Thái Lan. Ước tính ban đầu, tổng trị giá lô hàng hơn 2 tỉ đồng.
Như vậy tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép mặt hàng đường qua biên giới vẫn tiếp tục diễn ra phức tạp. Theo một số chuyên gia, lượng đường nhập lậu bị cơ quan chức năng tịch thu hiện vẫn rất ít so với lượng đường nhập lậu trên thực tế.
Ông Thái Văn Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa, cho biết sau khi Bộ Công Thương quyết định điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía xuất xứ từ Thái Lan đã có tác động tích cực, kéo giá đường trong nước tăng lên.
Tuy nhiên, việc tiêu thụ đường của các nhà máy vẫn không thuận lợi do đường cát nhập lậu có chiều hướng gia tăng trở lại từ đầu tháng 4-2021 dưới hình thức tinh vi hơn. “Từ đầu năm đến nay, công ty tôi tồn gần 7.000 tấn đường cát trắng” - ông Hùng dẫn chứng.
Người tiêu dùng khó phân biệt đường lậu
Thực tế cho thấy vẫn còn tình trạng một số đối tượng phù phép đường lậu để bán ra thị trường. Trong đó phổ biến nhất là sang chiết vào các loại bao bì trọng lượng 0,5 kg, 1 kg không nhãn mác hoặc mang nhãn mác của doanh nghiệp đóng gói.
Chính vì vậy người tiêu dùng rất khó phân biệt được đâu là đường nhập lậu, đâu là đường của các thương hiệu uy tín trong nước. Chị Trần Thị Mỹ, nhà ở quận Tân Bình, TP.HCM, cho hay vẫn thường mua đường trong chợ cho tiện: “Tôi chỉ nghe nói nếu dùng đường cát bị tẩy trắng có hại cho sức khỏe nhưng làm sao có thể phân biệt được. Còn việc phân biệt giữa đường lậu với đường của các công ty trong nước cũng bó tay”.
Nhiều chuyên gia đã cảnh báo về chất lượng đường nhập lậu. Cụ thể do sang chiết một cách thủ công, lén lút nên đường nhập lậu dễ bị nhiễm khuẩn, dễ bị lẫn các tạp chất vào và không đảm bảo theo tiêu chuẩn Việt Nam áp dụng cho đường cát trắng. Chẳng hạn đối với các chất nhiễm bẩn như Asen không lớn hơn 1 mg/kg, đồng không lớn hơn 2 mg/kg, chì không lớn hơn 0,5 mg/kg…
Theo ông Huỳnh Ngọc Hồ, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang, đối với đường cát nhập lậu bày bán trên thị trường nội địa người tiêu dùng khó phân biệt cũng như xác định được chất lượng. Chỉ có cơ quan quản lý nhà nước tiến hành kiểm tra chứng từ hóa đơn, nếu cơ sở kinh doanh không xuất trình được mới xác định là hàng lậu.
Dự báo thời gian tới hoạt động buôn lậu mặt hàng đường cát qua biên giới sẽ tăng trở lại, đặc biệt tại các tỉnh biên giới Việt Nam Campuchia. Do đó, văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia đề nghị các đơn vị thành viên, lực lượng chức năng tăng cường phối hợp tuần tra, kịp thời phát hiện, đấu tranh bắt giữ và xử lý các hành vi buôn lậu vận chuyển trái phép qua biên giới.
Các chuyên gia khuyến nghị người tiêu dùng cần chủ động lựa chọn các sản phẩm đường. Đó là chỉ mua đường có nguồn gốc, địa chỉ rõ ràng. Qua đó vừa tự bảo vệ mình vừa góp phần thiết thực vào công tác chặn đứng đường lậu.
Nguồn PLO: https://plo.vn/kinh-te/duong-lau-van-tung-hoanh-tren-thi-truong-viet-nam-988963.html