Đường Lê Văn Lương là điển hình của quy hoạch bất cập
'Việc quy hoạch không đồng bộ hạ tầng dẫn đến tình trạng mưa to là ngập lụt, tắc đường. Trong đó, đường Lê Văn Lương là điển hình của quy hoạch bất cập', theo Phó ban Kinh tế T.Ư.
Tại Hội thảo phát triển công nghiệp và đô thị vùng Đồng bằng sông Hồng tổ chức chiều 19/7, ông Nguyễn Duy Hưng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, đánh giá sau gần 17 năm thực hiện Nghị quyết 54, 11 năm thực hiện Kết luận 13 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng đạt nhiều kết quả quan trọng.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế, vấn đề phát sinh, nhất là bất cập về quy hoạch và quản lý quy hoạch.
"Quy hoạch xong nhưng nhà đầu tư vào lại thay đổi"
"Gần đây, dư luận nhắc đến nhiều về quy hoạch thủ đô Hà Nội, trong đó đường Lê Văn Lương là điển hình của việc quy hoạch bất cập. Quy hoạch bất cập, không đồng bộ hạ tầng dẫn đến tình trạng mưa to là ngập lụt, tắc đường…", ông Nguyễn Duy Hưng dẫn chứng.
Đề cập nội dung trên, KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng trong quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị trong vùng vẫn còn nhiều hạn chế; mối liên kết vùng còn yếu.
Đồng thời, kết cấu và chất lượng hạ tầng đô thị còn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, chưa thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng phó với thiên tai, dịch bệnh.
Theo ông Chính, phát triển đô thị xanh văn minh phải có bản sắc, quy hoạch bài bản và thực hiện nghiêm quy hoạch. Quy hoạch phải được tính toán trên cơ sở mật độ dân cư và sự phát triển đồng bộ của hạ tầng, quản lý phát triển đô thị.
“Cứ làm xong quy hoạch nhưng nhà đầu tư vào thì lại thay đổi, điều chỉnh. Như đường Lê Văn Lương (Hà Nội), nhà cứ chồng lên chỉ có lợi cho nhà đầu tư, còn người dân thì khổ. Con đường này đang thành điểm nóng", ông Chính nói.
Chuyên gia cũng lấy ví dụ về khu đô thị Linh Đàm (Hà Nội), diện tích chỉ 3 ha nhưng làm hàng chục tòa nhà cao 40 tầng. Tổng dân số tại khu đô thị bằng số dân của một phường.
Trong khi đó, Hà Nội có 5 khu đô thị vệ tinh. Riêng với khu công nghệ cao Hòa Lạc, thành phố đặt mục tiêu đưa học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng lên nhưng vẫn chưa làm được. Hiện, Hà Nội cũng chưa thể đưa các trường, các cơ quan, nhà máy ra khỏi nội đô.
Vấn đề nhà ở cho người thu nhập thấp cũng là vấn đề vị chuyên gia lưu ý cần tính toán. “Nhà ở xã hội để phục vụ công nhân, cho những người nghèo chứ không phải bỏ ra 30.000 tỷ đồng xây xong rồi người có ôtô xếp hàng mua, không đến tay những người nghèo. Ta có chủ trương chính sách nhưng có đi vào cuộc sống hay không?", ông Chính đặt vấn đề.
Góp ý về những giải pháp phát triển mạng lưới đô thị và nông thôn vùng Đồng bằng sông Hồng, KTS Trần Ngọc Chính cho rằng cần thúc đẩy quá trình đô thị hóa nhanh và bền vững theo hướng tăng trưởng xanh; lấy việc phát triển kinh tế đô thị làm động lực phát triển kinh tế, xã hội của cả nước, các vùng địa phương.
Đô thị lớn quá tải, tắc nghẽn, ngập úng
Trong tham luận gửi đến hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng chỉ ra những bất cập trong vấn đề phát triển hạ tầng vùng Đồng bằng sông Hồng.
Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, hệ thống hạ tầng đô thị của vùng còn thiếu đồng bộ, chưa đảm bảo sự kết nối giữa đô thị và vùng, nhất là về hạ tầng khung, tình trạng ngập úng vẫn còn, đặc biệt tại các đô thị lớn.
Đồng thời, tình trạng quá tải, tắc nghẽn giao thông tại các đô thị lớn như Hà Nội chậm được giải quyết. Hạ tầng cấp thoát nước còn nhiều bất cập, chưa có giải pháp hữu hiệu.
Vì vậy, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho rằng cần đổi mới, nâng cao chất lượng quy hoạch, trong đó có quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng thủ đô và quy hoạch tỉnh để tái cấu trúc hệ thống đô thị phù hợp với xu thế phát triển liên kết lãnh thổ, hành lang kinh tế, mạng lưới hạ tầng.
Ở khía cạnh khác, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng cho rằng tư duy về liên kết vùng cần được thay đổi. Ông Hưng nhắc lại câu nói của Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi trong một hội thảo về liên kết vùng phía nam là “thể chế vùng của chúng ta như một câu lạc bộ”.
Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương kỳ vọng lắng nghe ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học để có những phương án tối ưu về liên kết vùng, liên kết nội vùng, tạo động lực cho phát triển công nghiệp, phát triển kinh tế xã hội vùng Đồng bằng sông Hồng.
Từ đó có những tổng kết, báo cáo, đánh giá để trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54, đặt ra những vấn đề chiến lược, dài hạn trong thời gian tới.