Đường lên ngôi trường chỉ có 2 cô giáo, 34 học sinh: Bên này vách núi, bên kia vực thẳm

Cách duy nhất lên trường Tắk Pổ, nằm chót vót trên núi Ngọc Linh, là đi bộ trên con đường hẹp vừa lởm chởm đá vừa trồi sụt sình lầy, bên vách đá, bên vực sâu.

Hình ảnh 2 cô giáo trẻ mặc áo dài nắm tay học trò tung tăng trên ngọn đồi cỏ mây trong buổi sáng khai giảng năm học 2019-2020 tạo nên “cơn sốt” trên mạng xã hội Facebook không chỉ vì cảnh quá đẹp mà còn vì thông tin gây xúc động về trường của họ.

Cả điểm trường Tắk Pổ (xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) chỉ có 2 cô giáo và 34 học sinh. Trường học chỉ gồm một căn phòng đơn sơ. Nhưng điều đó không khiến cho nụ cười ngày khai trường của cô và trò bớt đi vẻ hân hoan, rạng rỡ.

Nhưng có trực tiếp đi trên con đường đến trường của cô trò Tắk Pổ, trò chuyện cùng họ, mới thấy rõ nhiệt huyết của người cho lẫn sự háo hức của người nhận con chữ ở chốn lưng trời này.

Hình ảnh cô giáo nắm tay học trò tung tăng dạo bước trên ngọn đồi cỏ mây ở điểm trường Tắk Pổ trong ngày khai giảng đã làm lay động hàng triệu con tim. (Ảnh do cô giáo Trà Thị Thu chia sẻ)

Hình ảnh cô giáo nắm tay học trò tung tăng dạo bước trên ngọn đồi cỏ mây ở điểm trường Tắk Pổ trong ngày khai giảng đã làm lay động hàng triệu con tim. (Ảnh do cô giáo Trà Thị Thu chia sẻ)

Tắk Pổ xa ngái

Nằm ở độ cao hơn 2.000 mét so với mực nước biển, huyện Nam Trà My quanh năm mây phủ trắng lưng trời. Tờ mờ sáng, trên chiếc xe máy cà tàng của đồng bào địa phương, xuất phát từ huyện lỵ (Tắk Pỏ, xã Trà Mai), tôi thẳng tiến một mạch lên xã Trà Tập.

 Đường lên Tắk Pổ xa vời vợi.

Đường lên Tắk Pổ xa vời vợi.

Những vòng xe cuộn tròn quyết tâm đặt chân bằng được lên nóc Tắk Pổ của tôi thi thoảng lại bị chắn ngang bởi lời cảnh báo: “Đường lên Tắk Pổ gieo neo, hiểm trở. Người dưới xuôi cuốc bộ không quen sẽ đuối đấy”.

Và khi đã hộ tống tôi chạy hết quãng đường bê tông lòng vòng tầm dăm ba cây số, chiếc xe máy bị bỏ lại dưới chân đồi. Bởi lẽ, ngoài lội bộ ra, không còn cách nào khác để lên Tắk Pổ.

“Đêm qua trời đổ mưa to. Đường trơn trượt, chú phải đi cẩn thận kẻo vấp ngã”, Hồ Văn Khánh - cậu bé tình nguyện dẫn đường lên Tắk Pổ - lưu ý khi thấy tôi tay xách nách mang lỉnh kỉnh đồ đạc.

Theo chân Khánh, tôi hì hục bước, vã mồ hôi hột trong hành trình “vượt chướng ngại vật” đầy gian nan với bất cứ ai không sống ở chốn cheo leo. Con đường rộng chưa đầy 1 mét một bên tựa sát vách núi, bên kia là vực sâu thăm thẳm. Lòng đường lởm chởm sỏi đá, đất trồi sụt những lớp sình lầy.

Những tảng đá lớn nằm chắn cả lối đi.

Những tảng đá lớn nằm chắn cả lối đi.

Hiểm nguy nhất vẫn là địa thế dựng đứng của tuyến đường mòn mà người dân nóc Tắk Pổ tự bao đời mải miết giẫm đạp thành lối đi. Khánh mạnh dạn sải những bước chân thoăn thoắt bởi tuyến đường “độc đạo”, này cậu bé đã quen đi lại nhiều lần.

Lắm đoạn gập ghềnh, tôi chậm rãi nhích từng centimet, trong khi Khánh vẫn giữ nguyên vận tốc, thỉnh thoảng phải dừng lại chờ tôi. Và dù có cẩn tắc đến mấy, tôi vẫn không tránh khỏi những cú ngã nhào khiến quần áo lấm lem.

Ngót 2 tiếng rưỡi đồng hồ cuốc bộ qua 2 khe suối, vượt 3 con dốc cao gồ ghề, tôi thở phào khi đôi chân mình giờ đây đang đứng ở đỉnh đồi.

Trời lúc này dần ngả bóng sang trưa. Từng đám mây bảng lảng, trôi thảnh thơi qua nóc Tắk Pổ. Một khung cảnh bình yên đến lạ trên thảo nguyên bao la, bát ngát, đẹp nao lòng.

Điểm trường Tắk Pổ be bé, xinh xinh tọa lạc phía xa xa ngọn đồi cỏ mây.

Điểm trường Tắk Pổ be bé, xinh xinh tọa lạc phía xa xa ngọn đồi cỏ mây.

Điểm trường Tắk Pổ (thuộc Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Trà Tập) tọa lạc phía xa xa ngọn đồi cỏ mây dần hiện ra trước mắt, be bé và xinh xinh.

Ở đó, 2 cô giáo cùng vỏn vẹn 34 học trò của mình đã tạo nên những hình ảnh làm lay động bao nhiêu con tim trên khắp mọi miền đất nước. Một trong hai cô giáo là Trà Thị Thu đã đăng tải 12 bức ảnh ghi lại buổi khai giảng của điểm trường Tắk Pổ trên trang Facebook có tên Pé Mít, khiến cộng đồng “dậy sóng”.

Như đã hẹn từ trước, cô giáo Thu dành giờ ra chơi của học trò để chia sẻ với tôi câu chuyện đằng sau các bức ảnh. Cô bồi hồi kể, lễ khai giảng diễn ra chậm 30 phút so với dự kiến bởi tối hôm trước, trời bất chợt đổ mưa.

“Thời gian khai giảng dịch chuyển sang 7h. Tuy nhiên, từ 6h, học sinh đã tập trung đông đủ. Trong khi chờ đợi, tôi cùng giáo viên phụ trách lớp mầm non là cô Riah Uối đưa các em ra ngọn đồi cỏ mây chụp ảnh kỷ niệm, xuất phát từ mong muốn tạo niềm vui, sự khăng khít giữa giáo viên và học sinh trước thềm năm học mới”, cô Thu chia sẻ.

Buổi khai giảng không cờ hoa, không tiếng trống. (Ảnh do cô giáo Trà Thị Thu chia sẻ)

Buổi khai giảng không cờ hoa, không tiếng trống. (Ảnh do cô giáo Trà Thị Thu chia sẻ)

Trong lễ khai giảng, hai cô giáo tranh thủ ghi lại những hình ảnh giản dị của buổi tựu trường. Chỉ tính trong 5 ngày đầu tiên xuất hiện trên Facebook, những bức ảnh đó đã thu hút hàng nghìn lượt chia sẻ, gần 6.000 nút like, "thả tim”.

“Bản thân em hay Uối cũng không thể tưởng tượng các bức ảnh lại có sức lan tỏa đến vậy. Bởi lẽ, bình thường, các cô giáo trên đây cũng dành thời gian chụp ảnh vui chơi cùng học trò".

"Em thực sự thấy ấm áp khi nhận được những chia sẻ, động viên từ đồng nghiệp nơi xa cũng như vô số lời chúc mừng, ngợi khen của cộng đồng trên mạng xã hội. Đặc biệt, mấy ngày qua, rất nhiều mạnh thường quân đã liên lạc với em và Uối để được giúp đỡ học trò Tắk Pổ”, Thu nói.

Hình ảnh đẹp đến nao lòng. (Ảnh do cô giáo Trà Thị Thu chia sẻ)

Hình ảnh đẹp đến nao lòng. (Ảnh do cô giáo Trà Thị Thu chia sẻ)

Cô trò và ước vọng mài sắt thành kim

Chiều dần buông. Lũ trẻ ùa ra khỏi lớp như bầy ong vỡ tổ. Hai cô giáo tiễn ra tận cánh cổng trường học. Lúc này, tôi nhìn sang Thu - cô giáo đang dõi theo từng bước chân học trò trở về nhà. Bất chợt, Thu hướng ánh nhìn về phía con đường gian truân, khúc khuỷu dẫn xuống trung tâm huyện.

 Vừa ra trường, Thu tình nguyện lên vùng cao dạy học.

Vừa ra trường, Thu tình nguyện lên vùng cao dạy học.

Giọng trầm ngâm, Thu bộc bạch: “Nhiều nhà hảo tâm ngỏ ý muốn xây trường bằng bê tông cốt thép trên Tắk Pổ nhưng cá nhân tôi nghĩ chưa cần thiết. Cái khó muôn đời quấn riết lấy đời sống bà con Tắk Pổ hay rất nhiều nóc khác ở Nam Trà My là đường sá.

Ước vọng về những con đường bằng phẳng hơn cho đồng bào thuận tiện di chuyển luôn canh cánh trong vòng các cô giáo như tôi khi tình nguyện lên non gieo chữ”.

5 năm trước, Trà Thị Thu tốt nghiệp ngành Sư phạm Tiểu học, Đại học Quảng Nam). Không có ý định xin việc dưới xuôi cho gần nhà (huyện Thăng Bình), cô cầm bộ hồ sơ vượt hàng trăm cây số lên thẳng huyện miền núi Nam Trà My. Điểm trường đầu tiên đón cô vào nghề “gõ đầu trẻ” là Tắk Pổ.

Nhớ lại ngày đầu tiên đặt chân tới vùng đất heo hút, lạ lẫm, Thu kể: “Tháng 10/2014, Nam Trà My mưa rả rích suốt ngày. Vừa nhận quyết định đi dạy, tôi được một đồng nghiệp nam dẫn lên Tắk Pổ. Tất cả đều ngoài sức tưởng tượng của tôi.

Tôi không nghĩ ở chót vót trên đỉnh núi lại có lớp học. Lần đầu đi bộ tới Tắk Pổ, tôi mất gần 2 tiếng đồng hồ. Vất vả nhưng vẫn cố vượt qua chứ nhất quyết không bỏ về dưới xuôi, vì khi tiếp xúc với học trò trên đây, tôi rất thương”.

Sau 3 lần luân chuyển, năm học mới này, Thu “tái hợp” điểm trường Tắk Pổ.

Sau 3 lần luân chuyển, năm học mới này, Thu “tái hợp” điểm trường Tắk Pổ.

Sau một năm gắn bó với Tắk Pổ, Thu trải qua 3 lần luân chuyển sang điểm trường ở những nóc khác của xã Trà Tập, trước khi “tái hợp” Tắk Pổ trong năm học mới 2019-2020. Và dù ở Tắk Pổ hay Răng Dí, Tu Gia, Mô Rỗi, quãng đường cuốc bộ của Thu từ trung tâm xã vào các nóc đều không dưới 1 tiếng đồng hồ.

Cũng như Thu, Riah Uối – cô giáo năm nay bước sang tuổi 23 - “bén duyên” với đỉnh Ngọc Linh từ những ngày đầu ra trường. Từ quê của Uối (xã biên giới Chơ Chun, huyện Nam Giang) lên Nam Trà My là cả một khoảng cách xa xôi diệu vợi.

Không giống Thu, vùng đất nơi Uối sinh ra và lớn lên chẳng khác Nam Trà My nên việc băng rừng vượt suối đối với cô “dễ như trở bàn tay”.

 Riah Uối đảm nhận giảng dạy lớp mầm non của điểm trường Tắk Pổ.

Riah Uối đảm nhận giảng dạy lớp mầm non của điểm trường Tắk Pổ.

“Năm 2018, sau đúng một ngày đi xe đò, em mới tới được Nam Trà My. Ban đầu, em nhận lớp ở nóc Răng Chuổi và phải đi bộ tầm 3 tiếng. Năm học mới này, quãng đường di chuyển được rút ngắn nhưng địa thế hiểm trở hơn”, Uối cho hay.

Khi tôi vô tình nhắc đến ngày 20/11, sâu trong đôi mắt Uôi và Thu dường như ánh lên niềm hạnh phúc bất tận. Vào cái ngày đặc biệt dành cho nhà giáo ấy, họ không nhận được những bó hoa tươi thắm như đồng nghiệp miền xuôi.

“5 năm công tác vùng cao, 20/11 hằng năm, món quà mà em và các cô giáo ở đây nhận là hoa dại, bó rau rừng học trò gửi trao. Ngần ấy thôi cũng đã đủ đầy, xúc động”, Thu cười tươi chia sẻ.

Lớp học trò măng non được Thu và Uối nâng bước.

Lớp học trò măng non được Thu và Uối nâng bước.

Tôi rời Tắk Pổ khi mặt trời khuất xa về phía núi. Xuống tới chân đồi, ngước nhìn lên nóc Tắk Pổ cao vời vợi, tôi chợt nghĩ về bài học Tiếng Việt mà Thu vừa truyền đạt cho học trò lúc chiều: “Mỗi ngày mài thỏi sắt nhỏ đi một tí, sẽ có ngày nó thành kim. Giống như cháu đi học, mỗi ngày cháu học một ít, sẽ có ngày mai thành tài”.

Lời giảng của Thu chợt nhen nhóm trong tôi một hy vọng, rằng ngày mai đây, lớp học trò măng non ở Tắk Pổ mà Thu và Uối đang nâng bước sẽ đi xa đến bến bờ tri thức. Khi ấy, con đường tăm tối của cái nghèo, cái khổ sẽ ở lại phía sau, nhường chỗ cho làng Tắk Pổ bừng sáng.

THANH BA

Nguồn VTC: https://vtc.vn/duong-len-ngoi-truong-chi-co-2-co-giao-34-hoc-sinh-ben-nay-vach-nui-ben-kia-vuc-tham-d497775.html