'Đường lưỡi bò' và sự nhìn nhận của thế giới về một yêu sách phi lý
Yêu sách 'đường lưỡi bò' là cực kỳ phi lý; Không có bất cứ cơ sở pháp lý nào theo luật pháp quốc tế và UNCLOS cho 'đường lưỡi bò'; VN và các nước trong khu vực và trên thế giới chưa từng công nhận bất kỳ một hàm ý về phạm vi quyền đối với vùng biển được gán cho 'đường lưỡi bò'…
Bài liên quan
UNCLOS 1982 - “Hiến pháp của biển”
Việt Nam thực thi UNCLOS 1982 - Hành trình 25 năm
Luật Biển và chủ quyền của Việt Nam
Thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế và quyền của Việt Nam
Đó là quan điểm chung và rất rõ ràng của Việt Nam cũng như dư luận thế giới về yêu sách có tên gọi “đường chín đoạn” hay “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc đã đưa ra.
Từ phán quyết của Tòa án Thường trực Trọng tài (PCA) ở The Hague
Ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại La Hay (Hà Lan) đã ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông sau 3 năm thụ lý.
Trong phán quyết, về “Quyền lịch sử và Đường chín đoạn”, PCA tuyên bố rất rõ: Tòa Trọng tài nhận thấy có thẩm quyền để xem xét tranh chấp giữa các bên liên quan đến quyền lịch sử và nguồn của quyền hưởng các vùng biển tại Biển Đông. Về mặt nội dung thực chất, Tòa kết luận rằng Công ước quy định một cách toàn diện về các quyền đối với các vùng biển, và việc bảo vệ các quyền tồn tại trước Công ước liên quan đến tài nguyên đã được xem xét, nhưng chúng không được thông qua và quy định tại Công ước. Theo đó, Tòa kết luận rằng trong phạm vi quyền lịch sử của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên trong các vùng biển ở Biển Đông, quyền này bị xóa bỏ do chúng không phù hợp với chế định vùng đặc quyền kinh tế trong Công ước. Tòa cũng nhận thấy dù trong lịch sử, những người đi biển cũng như ngư dân từ Trung Quốc cũng như từ các nước khác đã sử dụng các đảo tại Biển Đông nhưng không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy về mặt lịch sử Trung Quốc đã chỉ một mình thực hiện việc kiểm soát vùng nước này cũng như tài nguyên tại đây. Vì vậy, Tòa kết luận không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong “đường chín đoạn””.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ David Stilwell: Các yêu sách hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông được thể hiện bằng "đường chín đoạn" đều là phi pháp và phi lý. Ảnh: EPA-EFE
Như vậy, về quyền lịch sử của Trung Quốc và “đường chín đoạn”, PCA kết luận không có cơ sở pháp lý cho Trung Quốc để tuyên bố quyền lịch sử đối với tài nguyên trong khu vực biển nằm trong “đường chín đoạn”. Về hiện trạng của những cấu trúc (ở Biển Đông): Tòa trọng tài kết luận không có cấu trúc nào của quần đảo Trường Sa có khả năng tạo ra vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa.
Trước đó, tháng 1/2013, Chính phủ Philippines đã quyết định đưa vấn đề tranh chấp với Trung Quốc ra PCA sau khi Trung Quốc chiếm một rạn san hô có diện tích khoảng 225km từ bờ biển Philippines. Manila tố cáo Bắc Kinh vi phạm luật pháp quốc tế, cụ thể: Cản trở hoạt động ngư nghiệp, gây nguy hiểm cho tàu thuyền và không bảo vệ môi trường biển quanh rạn san hô còn được gọi là Bãi Cạn. Trong vụ kiện này, Philippines cáo buộc các tuyên bố chủ quyền và hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông là đi ngược lại luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước của Liên Hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) - một công ước mà cả Trung Quốc và Philippines cùng là thành viên. Lập luận của Philippines bao gồm một số những điểm chính, trong đó có việc: Trung Quốc không có quyền thực hiện “quyền lịch sử” đối với các vùng biển, đáy biển, và vùng đất dưới đáy biển ngoài giới hạn mà nước này được hưởng; Những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, thể hiện qua “đường chín đoạn” mà nước này tự vẽ ra và chiếm gần trọn Biển Đông, là vô giá trị theo Công ước Liên Hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS). Đáng chú ý, PCA kết luận các thực thể nổi (khi thủy triều lên) ở quần đảo Trường Sa là những “bãi đá”, nên các thực thể này không thể có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (EEZ).
Tuy nhiên, phía Trung Quốc tuyên bố không công nhận vụ kiện và từ chối tham gia quá trình tranh tụng. Bắc Kinh nói PCA không có quyền tài phán trong vụ kiện này, đồng thời khẳng định sẽ không “chấp nhận, công nhận hay thực thi” phán quyết.
Các nhà nghiên cứu trên thế giới cho rằng bản đồ “đường chín đoạn” xuất hiện trong một tập bản đồ tư nhân (chứ không phải của nhà nước) nên khi trình ra Liên Hợp quốc đã không có tọa độ ranh giới. Trung Quốc đã không nhất quán khi trong yêu sách phi lý này tuyên bố “vùng nước lịch sử” có trước Công ước Luật Biển 1982 nhưng năm 2009 lại tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý quanh quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa theo quy định của Công ước Luật Biển 1982.
Tới sự “Mập mờ và thiếu cơ sở pháp lý” của “đường lưỡi bò”
Ngày 7/5/2009, Trung Quốc gửi lên Liên Hiệp quốc tấm bản đồ “đường chín đoạn” hay còn gọi “đường lưỡi bò” nhằm khẳng định tuyên bố chủ quyền với hầu hết Biển Đông. Theo yêu sách này, Trung Quốc chiếm khoảng 2 triệu km2 diện tích biển và 13 km2 diện tích đất trên Biển Đông, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và bãi cạn Scaborough.
Ngay sau khi Trung Quốc công bố tấm bản đồ trên, các nước trong khu vực đã không công nhận “đường chín đoạn” mà chính quyền Bắc Kinh vạch ra. Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert del Rosario khi ấy chính thức gửi công hàm ngoại giao đến Bắc Kinh và gọi bản đồ là “tuyên bố vô lý về không gian hàng hải và là vi phạm luật pháp quốc tế”.
Không chỉ các nước có liên quan thể hiện lập trường, quan điểm về “đường chín đoạn” của Trung Quốc, một số quốc gia khác như Mỹ cũng lên tiếng về vấn đề này. Năm 2014, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố báo cáo dài 26 trang khẳng định yêu sách “đường chín đoạn” mà Trung Quốc đơn phương đưa ra tại Biển Đông là không phù hợp với luật pháp quốc tế về biển. Báo cáo này cũng chỉ ra nhiều điểm không hợp lý trong tấm bản đồ “đường chín đoạn” của Trung Quốc.
Tại Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ năm về Biển Đông do Học viện Ngoại giao và Hội Luật gia Việt Nam tổ chức tại Hà Nội tháng 11/2013, nhiều học giả là luật sư uy tín trên thế giới đã cho rằng yêu sách “đường chín đoạn” hay “đường lưỡi bò” của Trung Quốc là mập mờ và thiếu cơ sở pháp lý. Từ việc thiếu cơ sở pháp lý của Trung Quốc với “đường chín đoạn,” các học giả cho rằng các bên khác trong tranh chấp Biển Đông cũng cần làm rõ yêu sách chủ quyền và vùng biển của mình. Cần có yêu sách rõ ràng và phù hợp với luật pháp quốc tế là cơ sở để xác định các vùng biển tranh chấp và phát triển mô hình khai thác chung tại Biển Đông. Trong khi tranh chấp chưa được giải quyết hoàn toàn, các bên cần thúc đẩy việc thảo luận Bộ Quy tắc ứng xử (COC) để quản lý căng thẳng và ngăn ngừa xung đột.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á (Đối thoại Shangri-La) 2014 diễn ra tại Singapore, trước lập luận của đại diện Trung Quốc về “đường chín đoạn”, nhà nghiên cứu Christian Le Miere thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (IISS), cơ quan tổ chức Đối thoại Shangri-La chỉ rõ: “Phần trả lời của đại diện Trung Quốc về “đường chín đoạn” phủ nhận hoàn toàn Luật Biển quốc tế. Bạn không thể tuyên bố chủ quyền rộng lớn đối với biển, chỉ vì bạn tin rằng bạn có quyền với nó trong lịch sử. Cách nghĩ của Trung Quốc là một mớ bòng bong và làm đảo lộn hệ thống quốc tế. Nó sẽ là một ý tưởng khủng khiếp; một sự so sánh theo kiểu ngụy biện”.
Mới đây, tháng 10/2019, Tiểu ban Đông Á - Thái Bình Dương và Chính sách An ninh mạng quốc tế thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã tổ chức buổi điều trần về việc thực hiện Luật Tái bảo đảm châu Á - ARIA. Tại buổi điều trần, Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Đông Á – Thái Bình Dương David Stilwell đã phát biểu về an ninh hàng hải, trong đó có tình hình Biển Đông. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á – Thái Bình Dương David Stilwell cho rằng, các yêu sách hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông được thể hiện bằng “đường chín đoạn” đều là phi pháp và phi lý. Các tuyên bố này không có giá trị pháp lý, lịch sử hoặc địa lý, gây tổn hại đến các nước khác.
Trung Quốc từ lâu đã tận dụng mọi cơ hội để tuyên truyền về “đường lưỡi bò”, từ sách giáo khoa cho đến các tạp chí khoa học, trên hầu hết các lĩnh vực, cả trong nước lẫn trên thế giới. Theo nhiều chuyên gia, nếu không cảnh giác và tăng cường các biện pháp hữu hiệu để kiểm soát, ngăn chặn thì tuyên bố phi pháp, ngang ngược “đường lưỡi bò” của Trung Quốc sẽ âm thầm len lỏi vào cuộc sống thường ngày.