Đường nghề thăm thẳm
Bay với nghề giống như tạo cho nghề một tâm hồn để có thể vui thú với nghề bất chấp hoàn cảnh. Làm nghề như lên đồng. Làm nghề trong sảng khoái. Đứng giảng bài mà như đang hát, đang múa, trồng cây lúa mà như đang vẽ nên mùa màng bằng những nét cọ thời gian và sinh thái.
Thằng em cùng xóm kể về những con cá lia thia năm màu ở Thái Lan. Cá lia thia thôi mà. Nhưng họ đã lai tạo được những con cá có sắc màu tưởng không bao giờ có thể tồn tại. Như anh Hoa Sĩ Hiền trồng được lúa cho hạt gạo đen, trồng bắp cho ra hạt bắp đủ màu. Người nông dân như bay với hạt giống, người nuôi cá vẽ được sắc màu cho con cá, vẽ bằng cây cọ của thiên nhiên.
Người nông dân Hoa Sĩ Hiền trở thành nhà bác học vì lúc nào anh cũng nghĩ tới giống mới. Cánh đồng kia sao chỉ một màu lúa vàng? Chén cơm sao chỉ duy màu trắng. Anh bay thật. Hàng vạn nông dân mới có một người bay như vậy. Nếu hàng vạn nông dân đều bay hết, chúng ta đã có một cánh đồng để ngắm mắt no hồn chớ không đơn thuần no bụng.
Hầu hết mọi người đều chỉ ôm cái nghề của mình giống như người học trò chỉ ôm sách giáo khoa, thuộc sách giáo khoa. Nếu thuộc sách giáo khoa bạn chỉ có thể là một người giỏi thời phổ thông, khi vào học nghề bạn sẽ không bay được. Sách giáo khoa chỉ là đại diện của kiến thức. Nhưng hiện nay chúng ta chỉ chăm chú tìm hiểu chính nó hơn tìm hiểu tính đại diện của nó.
Tại sao những đứa trẻ không thích học. Cha mẹ cứ bảo học bài đi, tức là lôi sách giáo khoa ra học. Một cuốn sách nhỏ xíu học cả năm không nhớ gì, buộc phải ngồi thuộc từng câu. Khi thi, bữa khỏe nhớ kỹ, bữa mệt mỏi quên sạch. Kiến thức thật sự có dễ quên vậy hay không? Kiến thức là những gì rất quý giá, nó là chân lý như một người yêu lý tưởng, lẽ nào dễ dàng quên được. Những gì đứa học trò dễ dàng bị quên khi trái gió trở trời hoàn toàn là kiến thức của người khác. Đứa học trò chưa chấp nhận được mà chỉ gượng gạo chấp nhận nên chắc chắn nó sẽ quên. Muốn hiểu những giá trị trong sách giáo khoa một cách nhẹ nhàng, cách tốt nhất nên trải nghiệm những giá trị đó bằng thực tế, bằng vô vàn những loại sách khác.
Kiến thức về nghề cũng vậy, nếu muốn hiểu về nghề của mình, phải hiểu những nghề khác. Nếu chỉ nghiên cứu về duy nhất cái nghề bạn đang học thì bạn chỉ có thể là một người thợ quen tay mà không kiến thức. Sản phẩm của bạn làm ra không có dấu ấn chất xám của bạn. Muốn có sản phẩm trí tuệ bạn phải nghiên cứu nhiều quy luật lớn hơn ngoài cái quy luật nghề.
Theo tôi, nên học nghề, trải nghiệm nghề một thời gian, để bản thân va vấp và thấy mình còn dốt nát rồi hãy học về triết học hoặc lịch sử. Khi đó đôi tay đôi mắt quen nghề phối hợp với một cái đầu thấu rõ quy luật lớn của sự sống mà vận hành quy luật nhỏ của nghề thì nghề mới có cơ hội thăng hoa. Đó là kiểu ăn khi đói, khi thèm.
Tôi ngày xưa khi được phân công dạy vẽ vốn dĩ chả có kiến thức gì về vẽ. Tôi buộc phải ngồi vẽ, thấy mình dốt Mỹ thuật trầm trọng. Tôi có hàng ngàn câu hỏi đại khái như làm sao để nổi bật trọng tâm, làm sao để làm một bức tranh treo trên tường nhìn hoài không ngán và rồi làm sao để có thể vẽ được cái hồn của tạo vật… Khi đói khát kiến thức, tôi học vẽ một cách hứng thú, cảm giác học sướng như được cà phê với một người bạn tri âm tri kỷ quá tài giỏi, giải đáp đúng những gì tôi đang thắc mắc. Khi cảm thấy mình đói kiến thức tôi có thể học được từ thiên nhiên, từ những sự sắp đặt xung quanh thậm chí học từ chính những đứa học trò bé con của mình .
Theo tôi nghĩ, những năm phổ thông là những năm nên cho các bạn trẻ thực hành làm những nghề các bạn yêu thích. Các bạn ước làm bác sĩ nên cho bạn được đứng trước một bệnh nhân đang nhăn nhó và dễ nổi quạu vì đau đớn. Các bạn học xây dựng sẽ phải đứng trước một bản vẽ về những công trình đồ sộ mà các bạn không biết làm sao người ta có thể xây dựng được nó. Hãy để các bạn học xây dựng tự dán những viên gạch trên một cái nền, bạn thiết kế tự may một cái áo cho chính mình. Khi đó các bạn sẽ thối lui hoặc là khát khao tìm hiểu về sự phức tạp công việc mình sẽ dấng thân vào. Phải chạm nghề từ đó, làm nghề từ những ngày học phổ thông. Làm nghề thời phổ thông không phải để kiếm tiền mà là để hiểu mình có gì, cần gì.
Học nghề trước, vật lộn với khó khăn của nghề tự nhiên thèm gặp những người thầy uyên bác, từ đó mới có thể xem những người thầy giỏi nghề là báu vật.
Còn hiện tại, học đại cương trước, triết lý sâu sa trước, rồi mới học nghề thì giống như kiểu ăn ngon, uống bổ khi cơ thể chẳng cần. Khi cơ thể chưa thèm thì món ăn bổ dưỡng chỉ là thứ nhìn thôi đã ngán. Sinh viên đang bị stress trầm trọng vì kiểu dạy đó, học tệ hơn không học. Một số khác chọn cách học nghề để không phải trải qua những năm đại cương mất thời gian mà còn đáng sợ. Học nghề đơn thuần thì người làm nghề sẽ đơn điệu, thiếu những kiến thức bổ trợ để tạo nên chiều sâu, tạo nên hồn cốt của sản phẩm, khi đó đường nghề trở thành gánh nặng, chỉ có thể bò lếch cho qua ngày đoạn tháng. Khó lòng mà bay bổng được.
Bay với nghề giống như tạo cho nghề một tâm hồn để có thể vui thú với nghề bất chấp hoàn cảnh. Làm nghề như lên đồng. Làm nghề trong sảng khoái. Đứng giảng bài mà như đang hát, đang múa, trồng cây lúa mà như đang vẽ nên mùa màng bằng những nét cọ thời gian và sinh thái.
Bay với nghề, đường nghề sẽ không còn thăm thẳm nữa…
Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/duong-nghe-tham-tham-29463.html