Đường Nguyễn Trãi xảy ra nhiều vụ tai nạn, va quệt vào dải phân cách

Sau 1 tháng đặt dải phân cách cứng trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) ùn tắc vẫn xảy ra hàng ngày, thậm chí còn có nhiều vụ tai nạn, va quệt vào dải phân cách.

Theo thông tin từ Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội, sau 1 tháng thí điểm phân làn trên trục đường Nguyễn Trãi, tình hình giao thông trên tuyến đường đã có cải thiện, đặc biệt tại thời gian cao điểm sáng, chiều từ Khuất Duy Tiến đi Ngã Tư Sở và ngược lại; tại đây đã giảm ùn ứ giao thông trên tuyến và các phương tiện lưu thông đã trật tự hơn.

Cùng đó, một bộ phận người tham gia giao thông đã có ý thức hơn đi đúng phần đường của mình khi lưu thông trên tuyến đường Nguyễn Trãi; phương tiện xe buýt lưu thông thuận tiện, đi đúng làn đường và trật tự hơn, góp phần giảm ùn ứ giao thông, đảm bảo an toàn giao thông.

Tuy nhiên, theo Sở GTVT Hà Nội, trong quá trình thí điểm triển khai phân làn, đã có hiện tượng phương tiện va quyệt vào biển báo, dải phân cách. Cụ thể, tính riêng trong 10 ngày đầu thí điểm, từ ngày 6/8 đến ngày 16/8, đã xảy ra 54 sự cố va quệt vào biển báo, lốp phản quang, trụ đảo mũi tên…

Một vụ va quệt vào dải phân cách trên đường Nguyễn Trãi. (Ảnh: Đinh Luyện)

Một vụ va quệt vào dải phân cách trên đường Nguyễn Trãi. (Ảnh: Đinh Luyện)

Sở GTVT Hà Nội cũng cho biết, sau thời gian 10 ngày đầu thí điểm, người tham gia giao thông đã quen với phương án nên đã ít xảy ra sự cố va quyệt vào dải phân cách.

Để đánh giá chính xác hơn nữa phương án thí điểm trong thời gian học sinh, sinh viên đi học trở lại Thủ đô và thời điểm lưu lượng phương tiện gia tăng vào thời điểm cuối năm 2022, Sở GTVT Hà Nội kiến nghị tiếp tục triển khai thí điểm phương án trong thời gian 3 tháng (tiếp tục bắt đầu từ ngày 6/9 đến ngày 31/12/2022) và điều chỉnh phương án cho phù hợp với tình hình giao thông thực tế trên tuyến đường Nguyễn Trãi.

Cụ thể, giải pháp Sở GTVT Hà Nội đưa ra để khắc phục những hạn chế là tiếp tục điều chỉnh thu ngắn các vị trí dải phân cách bằng trụ đảo mũi tên từ 6-8m cho phù hợp thực tế (thu ngắn dải phân cách tại đầu hầm chui Khuất Duy Tiến, gần khu vực tòa nhà Hoàng Huy; thu ngắn dải phân cách tại khu vực nút giao Vũ Trọng Phụng; thu ngắn dải phân cách tại đầu cầu vượt Ngã Tư Sở…).

Ngoài ra, tiếp tục bổ sung các biển báo hiệu lệnh kết hợp chỉ dẫn tại các đầu giải phân cách bằng trụ đảo mũi tên để các phương tiện nhận biết tốt hơn phương án tổ chức giao thông.

Như Lao động Thủ đô đã nhiều lần đề cập, dù phương án thí điểm phân làn đường Nguyễn Trãi được dư luận ủng hộ, tuy nhiên sau một thời gian thí điểm, việc triển khai vẫn thiếu quyết liệt, hiệu quả không mang lại như mong muốn.

Dễ thấy, hiện tình hình ùn tắc giao thông trên tuyến vẫn diễn ra phức tạp. Ùn tắc vào giờ cao điểm ở cầu vượt Ngã Tư Sở vẫn diễn ra nghiêm trọng. Tại một số “điểm nóng” như điểm giao đường Khương Đình - Nguyễn Trãi đến cầu vượt Ngã Tư Sở; điểm giao cắt với đường, phố và ngõ nhỏ thường xuyên xảy ra xung đột giao thông giữa các phương tiện.

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan khiến ùn tắc, xung đột các dòng phương tiện do có nhiều điểm giao cắt thì còn nguyên nhân từ chính ý thức người dân.

Tại đây, ở các điểm đầu - cuối dải phân cách, dù có biển báo phân làn bắt buộc và sự điều tiết, hướng dẫn của lực lượng chức năng như Thanh tra Sở GTVT Hà Nội, Cảnh sát giao thông, Công an khu vực… nhưng nhiều phương tiện vẫn cố tình đi ngược chiều, đi sai làn.

Tình trạng ô tô dừng, đỗ bất chấp biển cấm vẫn diễn ra phổ biến, làm ảnh hưởng đến luồng lưu thông của làn xe máy, xe thô sơ và xe buýt (2 làn này nằm bên trong, sát mép đường); tình trạng xe máy đi ngược chiều vẫn diễn ra phổ biến.

Quanh vấn đề này, ông Nghiêm Quốc Thắng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội cho rằng, việc phân làn xe máy, ô tô trên đường Nguyễn Trãi có ý nghĩa lớn với giao thông Thủ đô. Tuy nhiên, ý nghĩa của hoạt động này tốt nhưng cách thức triển khai lại chưa tốt, cần phải khắc phục ở nhiều điểm.

Chẳng hạn, với trục đường Nguyễn Trãi, theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội, một bộ phận người tham gia giao thông chưa nghiêm túc chấp hành yêu cầu phân làn của các cơ quan chức năng. “Ý thức người dân còn kém. Với hoạt động này, tôi cho rằng cần tổ chức lâu dài và mở rộng đại trà hơn. Nói cách khác, ngoài kéo dài thời gian thí điểm thì nên thí điểm phân làn từ phía khu vực hầm chui Thanh Xuân đến hết tuyến. Việc kéo dài sẽ khắc phục được thói quen đi lại tự do của một bộ phận người dân” - ông Nghiêm Quốc Thắng góp ý.

Đường Nguyễn Trãi có nhiều điểm giao rẽ, dễ dẫn đến xung đột giao thông. (Ảnh: Đinh Luyện)

Đường Nguyễn Trãi có nhiều điểm giao rẽ, dễ dẫn đến xung đột giao thông. (Ảnh: Đinh Luyện)

Để thí điểm mang lại hiệu quả tốt hơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội cho rằng, những người triển khai hướng dẫn phân làn cũng phải nghiêm túc thực hiện.

Nói cách khác, nếu lực lượng chức năng chỉ túc trực phân làn, hướng dẫn trong khung giờ cao điểm, còn lại các khoảng thời gian khác không bố trí người thì phương tiện tham gia giao thông sẽ không chấp hành. Về lâu dài sẽ dẫn đến cảnh “nhờn luật”. Cần phải nghiêm túc và quyết liệt hơn ở vấn đề này.

Về lâu dài, Hà Nội cũng cần triển khai đồng bộ các giải pháp giảm phương tiện giao thông cá nhân. Việc giảm phương tiện cá nhân có thể thông qua cách tăng cường phát triển vận tải hành khách công cộng và dành đường riêng cho xe buýt. Chỉ khi xe buýt đi nhanh, thể hiện được ưu điểm trước các loại hình phương tiện khác thì mới có thể thu hút người dân.

Đinh Luyện

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/duong-nguyen-trai-xay-ra-nhieu-vu-tai-nan-va-quet-vao-dai-phan-cach-146340.html