Đường 'Nhuệ' đánh người ở trụ sở CA: Không xác định được bị can là vô lý
Nhận xét việc tạm đình chỉ điều tra vụ án, chuyên gia tâm lý tội phạm học cho rằng vụ án xảy ra ban ngày mà không xác định được bị can là vô lý.
Khó chấp nhận lý do tạm đình chỉ
Cơ quan CSĐT Công an thành phố Thái Bình vừa phục hồi điều tra vụ án liên quan đến Nguyễn Xuân Đường (tức Đường "Nhuệ", 49 tuổi) bị tố đánh người tại trụ sở Công an phường Trần Lãm, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình 6 năm trước. Nhiều người dân ở tỉnh Thái Bình cảm thấy việc tạm đình chỉ điều tra vụ án "cố ý gây thương tích" xảy ra ngày 18/11/2014 vì không xác định được bị can là rất khó hiểu và thiếu thuyết phục.
Theo tố cáo, Nguyễn Xuân Đường và đồng bọn đã có hành vi đánh hai mẹ con bà Đinh Thị Lý và anh Mai Bá Duy (con bà Lý) tại trụ sở công an phường Trần Lãm vào ngày 18/11/2014. Hậu quả khiến anh Duy bị thương tích 15%.
Nhận xét về việc tạm đình chỉ điều tra vụ án này, Th.s, trung tá Đào Trung Hiếu - chuyên gia tâm lý tội phạm học (Bộ Công an) cho biết: “Vụ án xảy ra giữa ban ngày, ngay tại trụ sở cơ quan công an, trong giờ làm việc... thì thật khó hiểu khi nói không xác định được bị can. Sẽ rất khó thuyết phục với căn cứ tạm đình chỉ điều tra như vậy. Sự việc đông người tập trung, gây huyên náo như vậy mà một số cựu lãnh đạo đơn vị này nói rằng do họp giao ban không biết sự việc xảy ra ở phòng tiếp dân, tôi cho rằng cần phải xác minh lại”.
Theo lời ông Hiếu, nếu tố cáo của nạn nhân là đúng thì hành vi của Nguyễn Xuân Đường và đồng bọn có dấu hiệu phạm vào 2 tội là: “Cố ý gây thương tích” và “Gây rối trật tự công cộng”.
Cụ thể, phạm tội gây rối trật tự công cộng bởi hiện trường vụ án là trụ sở của cơ quan nhà nước, cụ thể là tại phòng tiếp dân, nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động tiếp dân, giải quyết những việc liên quan đến hành chính và an ninh trật tự trên địa bàn. Nghĩa là mang tính công cộng.
Hành vi đánh người dân tại địa điểm này không chỉ cản trở và làm gián đoạn hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước, mà còn gây hậu quả rất nghiêm trọng về chính trị. Cụ thể là gây ảnh hưởng vô cùng xấu đến hình ảnh, uy tín, danh dự của lực lượng công an nhân dân.
Trụ sở cơ quan công an là nơi an toàn, tại đó người dân được bảo vệ, tội phạm bị xử lý. Hành động tấn công người dân tại địa điểm này thể hiện thái độ ngang ngược, hung hãn, coi thường kỷ cương phép nước, coi thường danh dự, uy tín của lực lượng công an nhân dân. Hậu quả nghiêm trọng ở chỗ làm mất lòng tin của người dân vào khả năng bảo vệ pháp luật của lực lượng này.
Do đó, nếu không quyết liệt điều tra làm rõ có thể dẫn đến việc bỏ lọt tội phạm. Đặt trong bối cảnh cụ thể của sự việc này, dư luận đã rộ lên nghi vấn về sự thiếu trách nhiệm trong công tác điều tra, hoặc có thể có yếu tố dung túng, bao che tội phạm khi tạm đình chỉ điều tra vụ án với lý do thiếu thuyết phục.
“Tất nhiên, đến nay chưa có căn cứ nào để xác định có tiêu cực trong điều tra vụ án, mọi việc hạ hồi phân giải, nhưng vì việc tạm đình chỉ điều tra đã gây băn khoăn và phản ứng mạnh mẽ từ dư luận, nên có thể phải xem xét, thậm chí điều tra độc lập về hành vi tố tụng này, xem có hay không có hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp, để minh oan cho anh em nếu không có lỗi, hoặc xử lý công minh, nghiêm khắc nếu có sai phạm trên tinh thần không có vùng cấm trong xử lý”, ông Hiếu đề nghị.
Về việc cơ quan CSĐT Công an TP Thái Bình phục hồi điều tra vụ án này, ông Hiếu cho rằng việc làm này là hoàn toàn có căn cứ và cần thiết, đáp ứng các yêu cầu về chính trị và pháp luật.
Vụ án Đường “Nhuệ" có sự tương đồng với Khánh "Trắng"
So sánh vụ án Đường “Nhuệ” cùng đồng bọn, với vụ Năm Cam (trùm tội phạm có tổ chức khét tiếng ở Việt Nam, đặc biệt là tại TP.Hồ Chí Minh), Khánh "Trắng" (Dương Văn Khánh, cầm đầu băng đảng xã hội đen khét tiếng Hà Nội trong những năm cuối của thế kỷ 20), trung tá Hiếu cho biết đây đều là 3 băng nhóm tội phạm có tổ chức. Tuy nhiên 3 băng nhóm này khác nhau về quy mô tội phạm.
“Xét về tầm mức, vị thế, mức độ ảnh hưởng trong giới giang hồ, sự lọc lõi, liều lĩnh trong thủ đoạn phạm tội... thì Năm "Cam" thuộc dạng “ngồi chiếu trên”.
Tại Việt Nam, chưa có tổ chức tội phạm nào xếp ngang hàng được với chúng. Năm "Cam" có vị thế là "trùm của trùm", quan hệ sâu rộng với giang hồ cả nước. Y đứng đằng sau mọi việc, chỉ ra lệnh hay chỉ đạo cho một đầu mối và qua rất nhiều lớp người trung gian khác nhau mới đến đàn em có trách nhiệm thực thi.
Trong khi đó, Đường "Nhuệ" và Khánh "Trắng" lại trực tiếp nhúng tay vào hành vi phạm tội cùng với đàn em. Cụ thể như Đường "Nhuệ" trực tiếp đánh người, dẫn quân đi đập phá, thu nợ, thu phế... do đó, có thể thấy về mức độ, vị thế trong giới tội phạm thì Khánh “ trắng” và Đường “Nhuệ” “chưa đến tuổi” để so sánh với Năm "Cam", ông Hiếu phân tích.
Vẫn theo chuyên gia này, “đẳng cấp” của ổ nhóm Đường “Nhuệ” có nét tương đồng, gần gũi với băng Khánh “Trắng” hơn. Chúng đều hoạt động dưới vỏ bọc pháp nhân là các doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh hợp pháp; tích cực làm từ thiện để tạo bộ mặt sạch sẽ nhằm che mắt thế gian; chú trọng mở ra các mối quan hệ với giới chính trị, cán bộ công chức trong cơ quan nhà nước để dễ bề làm ăn, thậm chí có thể đã tạo ra những mối quan hệ “cộng sinh” dựa vào nhau mà kiếm tiền với những phần tử biến chất trong cơ quan nhà nước.
Về diễn biến vụ án Đường "Nhuệ" trong thời gian tới, trung tá Hiếu cho rằng người dân hãy tin tưởng vào việc xử lý tội phạm của Công an tỉnh Thái Bình. Trước hết, vụ án do Công an tỉnh này chủ động mở ra trước khi dư luận lên tiếng hay nhận chỉ đạo từ cấp trên. Điều đó phản ánh sự tích cực, chủ động của đơn vị này trong trấn áp tội phạm, từ khi có giám đốc mới.
Thêm nữa, hiện việc giải quyết vụ án đã nhận được quan tâm sâu sát của Chính phủ và Bộ Công an. Cụ thể vừa qua Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã có ý kiến chỉ đạo, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cũng liên tục có những yêu cầu, chỉ đạo Công an tỉnh Thái Bình thực hiện trong quá trình làm án.