Dương Nỗ mãi ấm hơi Người
Xuôi theo dòng Phổ Lợi, chúng tôi về làng Dương Nỗ, xã Phú Dương, huyện Phú Vang (Thừa Thiên-Huế), thăm lại miền quê nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có thời gian sinh sống khi còn niên thiếu. Nằm bên bến nước sông Phổ Lợi, nhà lưu niệm Dương Nỗ nơi ông Nguyễn Sinh Sắc và hai con trai Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung (Hồ Chí Minh) đã sống và học tập trong những năm 1898-1900.
Trong ngôi nhà nhỏ bé, vẫn còn đó những vật dụng sinh hoạt làm gợi nhớ hình ảnh cậu bé Cung thông minh, hiếu động ngày nào. Sân đình làng Dương Nỗ gắn liền với các lễ hội vui và những cuộc họp bàn công việc của các bậc lớn tuổi, có bóng dáng của cậu bé Cung ở tuổi xấp xỉ lên mười. Những ngày tháng Năm này, nhà lưu niệm Dương Nỗ dường như tấp nập hơn. Bà con quanh vùng và cấp ủy, chính quyền địa phương mang nhiều lễ vật đến dâng lên ban thờ Bác tại nhà lưu niệm.
Theo sử sách ghi lại, năm 1898, sau khi thi Hội lần thứ hai không đỗ, thân phụ Bác Hồ là ông Nguyễn Sinh Sắc do một người bạn giới thiệu và được gia đình ông Nguyễn Sĩ Ðộ - làm chức Hương bộ trong làng, mời về nhà dạy học tại làng Dương Nỗ. Trong thời gian này chỉ có hai anh em Khiêm, Cung theo cha về đây để ông Sắc có điều kiện dạy học cho hai con.
Vậy là sống ở làng Dương Nỗ chỉ vẻn vẹn có 2 năm, nhưng đó là một quãng thời gian cực kỳ quan trọng trong cuộc đời của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Chính lớp học chữ Hán của cha trong ngôi nhà ở làng Dương Nỗ hơn 100 năm trước, Bác Hồ đã được học những chữ Hán đầu tiên, đặt nền móng cho nền học vấn Hán học của Người. Ông Nguyễn Sinh Sắc cũng chính là người thầy đầu tiên trong cuộc đời Hồ Chí Minh. Con sông Phổ Lợi, đình làng, bến Đá, am Bà… ở làng Dương Nỗ là những nơi in đậm dấu ấn tuổi thơ của Bác.
Hơn 120 năm qua, Dương Nỗ dường như vẫn còn đó hơi ấm của Người, con sông Phổ Lợi hiền hòa nay được nối bằng cây cầu vững chắc nhộn nhịp người qua. Những con đường bê tông rộng rãi thay thế cho những con đường làng nhỏ bé và lầy lội xưa kia. Ông Nguyễn Văn Hạnh, người đảm nhiệm việc bảo vệ, chăm sóc nhà lưu niệm cho biết: “Vào dịp lễ, tết và sinh nhật Bác... nhiều cơ quan, địa phương đến đây dâng hoa, thắp hương báo công với Bác. Ở Dương Nỗ nhiều người dân đã học và làm theo Bác bằng những hành động, việc làm thiết thực, không chỉ vươn lên thoát nghèo mà còn giúp đỡ được nhiều hộ gia đình khác. Tiêu biểu như gia đình ông Đỗ Chiến, từ tổ hợp nhỏ sản xuất hàng gia dụng, ông đã đầu tư vốn mở rộng quy mô sản xuất máy gặt lúa, tuốt lúa và hàng cơ khí tạo việc làm cho gần 20 người và mỗi năm thu lãi hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra ông còn đào tạo nghề miễn phí cho nhiều người dân trong vùng và tích cực đóng góp vào các quỹ phúc lợi xã hội…”.
Theo ông Dương Ngọc Dũng, Bí thư Đảng ủy xã Phú Dương: Người dân xã Phú Dương nói chung, người làng Dương Nỗ nói riêng rất tự hào về quê hương mình, nơi có những kỷ niệm gắn với tuổi thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì thế, ai cũng ra sức phấn đấu học tập, lao động thật tốt sao cho xứng đáng với công lao trời biển của Người. Kết quả những năm qua, làng Dương Nỗ và xã Phú Dương đã có bước phát triển đáng kể. Nhiều năm liền Đảng bộ, chi bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đạt trong sạch vững mạnh, các lĩnh vực kinh tế-xã hội và đời sống nhân dân không ngừng nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, tình hình an ninh chính trị luôn ổn định. Trước đây, bà con hầu như phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp thì nay đã mở rộng các ngành nghề như: Nghề chạm trổ, nề, mộc và trồng cây cảnh… nâng tỷ lệ ngành nghề dịch vụ trên 70%. Từ một xã nghèo, đến nay Phú Dương đã vươn lên tốp đầu của huyện Phú Vang, hiện nay địa phương đã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới và đang chờ quyết định công nhận của trên.