Đường Quảng Ngãi (QNS): Hàng tồn kho tăng đột biến, có gần 5.000 tỷ gửi ngân hàng vẫn gia tăng vay nợ
Trong 3 tháng đầu năm, các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng và khoản phải thu ngắn hạn khác của Đường Quảng Ngãi đã đăng lên đáng kể. Đặc biệt, giá trị hàng tồn kho bất ngờ tăng đột biến từ mức 947 tỷ hồi đầu năm lên 2.116 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi (mã chứng khoán: QNS) được nhiều người biết đến khi là chủ sở hữu thuơng hiệu Sữa đậu nành (Vinasoy). Từ nhiều năm nay, việc kinh doanh sản phẩm sữa đậu nành Fami đã đem về cho Đường Quảng Ngãi khoản lợi nhuận không nhỏ.
Dữ liệu tài chính hợp nhất quý 1 2023 của Đường Quảng Ngãi cho biết, doanh nghiệp đạt doanh thu 2.129 tỷ đồng, tăng trưởng 17,4% so với cùng kỳ. Chi phí giá vốn chiếm 1.533 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt 595 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp được gia tăng từ 26,7% lên 28%.
Doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ gia tăng gần gấp đôi từ 37,9 tỷ đồng lên 71,4 tỷ đồng, chủ yếu nhờ lãi của nguồn tiền gửi lớn tại ngân hàng. Chi phí tài chính với cơ cấu phần lớn là chi phí lãi vay cũng đồng thời tăng từ 21,8 tỷ đồng lên 38,4 tỷ đồng.
Chi phí bán hàng trong kỳ được tiết chế từ 232 tỷ đồng xuống chỉ còn 210 tỷ đồng nhưng chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng từ 58,9 tỷ lên 62,7 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các loại chi phí và thuế, lợi nhuận sau thuế của Đường Quảng Ngãi còn lại 316 tỷ đồng, tăng tới gần 80% so với cùng kỳ năm trước.
Về tình hình tài chính, kết thúc quý 1.2023, tổng tài sản của Đường Quảng Ngãi ở mức 11.814,5 tỷ đồng, tăng 15,1% so với đầu kỳ. Trong đó, lượng tài sản ngắn hạn của công ty đang chiếm 7.906 tỷ đồng.
Về chất lượng tài sản, thời điểm đầu năm, Đường Quảng Ngãi có 202 tỷ đồng tiền mặt cùng với 4.296 tỷ đồng tiền gửi tại ngân hàng. Chỉ sau 3 tháng, lượng tiền mặt tăng lên 331 tỷ đồng và tiền gửi ngân hàng tăng lên mức gần 5.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong 3 tháng đầu năm, các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng và khoản phải thu ngắn hạn khác của Đường Quảng Ngãi đã đăng lên đáng kể. Đặc biệt, giá trị hàng tồn kho bất ngờ tăng đột biến từ mức 947 tỷ hồi đầu năm lên 2.116 tỷ đồng vào cuối quý 1.2023.
Điều này khiến các nhà đầu tư tỏ ra khá băn khoăn liệu QNS đang toan tính điều gì khi để con số hàng tồn kho bất ngờ “phình to” như vậy sau 3 tháng. Trong khi theo báo cáo giải trình của mình, QNS cho biết, sản lượng tiêu thụ đường tăng tới 90%. Ngược lại thì các sản phẩm như sữa, nước khoáng, bia, bánh kẹo chỉ ghi nhận sự sụt giảm nhẹ về lượng tiêu thụ.
Việc tăng hàng tồn kho cũng khiến dòng tiền kinh doanh của Đường Quảng Ngãi đang âm 416 tỷ đồng tăng so với thời điểm quý 1.2022 (âm 310 tỷ đồng)
Trong cơ cấu nguồn vốn, mặc dù có “của để dành” giá trị lớn tới gần 5.000 tỷ đồng nhưng Đường Quảng Ngãi hiện tại vẫn đang gia tăng vay nợ. Cụ thể, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn của QNS gia tăng từ 1.895 tỷ đồng lên 3.295 tỷ đồng.
Những con số nêu trên cho biết, doanh nghiệp đã đi vay ngắn hạn thêm tới 1.400 tỷ đồng chỉ trong 3 tháng đầu năm.Việc đi vay đã khiến chi phí lãi vay trong kỳ đã tăng từ 21,8 tỷ cùng kỳ lên 38 tỷ đồng.
Các khoản nợ gia tăng trong kỳ của QNS chủ yếu đến từ 3 ngân hàng là Ngân hàng Công thương Quảng Ngãi với 885 tỷ đồng; ngân hàng Ngại thương Quảng Ngãi với 980 tỷ đồng; ngân hàng Đầu tư và Phát triển Quảng ngãi với 1.429 tỷ đồng.