Đường Quảng Ngãi (QNS): Mỗi tháng lãi 168 tỷ, mang 5.500 tỷ gửi ngân hàng
Trong bối cảnh giá mía đường đang trong giai đoạn tăng 'thẳng đứng', các doanh nghiệp trong ngành nói chung và CTCP Đường Quảng Ngãi (mã: QNS) nói riêng cũng được hưởng lợi khi thu về kết quả kinh doanh quý II/2023 tăng mạnh so với cùng kỳ. Cùng đó, thị giá cổ phiếu cũng đang trong 'vùng đỉnh'.
Lãi nghìn tỷ nửa đầu năm, cổ phiếu QNS lập đỉnh
Theo BCTC quý II vừa công bố, Đường Quảng Ngãi ghi nhận doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ.
Cụ thể, tính riêng quý II, doanh thu QNS đạt 3.152 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ. Chi phí vốn tăng ít hơn với 39,6%, dẫn tới lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 997 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 712 tỷ đồng, tăng trưởng trên 95% so với số lãi 365 tỷ đồng đạt được nửa đầu năm ngoái.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, chủ thương hiệu sữa đậu nành Fami ghi nhận doanh thu 5.282 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ. Trong đó vẫn chủ yếu đến từ bán thành phẩm với hơn 5.090 tỷ, bán hàng hóa 190 tỷ và cung cấp dịch vụ 18 tỷ. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.028 tỷ đồng, tăng 90% so với nửa đầu năm ngoái.
Năm 2023, trong bối cảnh ngành sữa còn đối mặt với rủi ro lãi suất cao, sức mua hàng tiêu dùng nói chung và mặt hàng sữa nói riêng bị ảnh hưởng không ít. Ngoài ra, lạm phát dẫn đến giá nguyên vật liệu, nhiên liệu tăng cao, đặc biệt là biến động tỷ giá có thể làm tăng chi phí sản xuất, QNS vẫn tự tin cho kế hoạch doanh thu cao nhất lịch sử với 8.400 tỷ đồng cùng lợi nhuận sau thuế 1.028 tỷ, con số nghìn tỷ duy trì kể từ năm 2015 đến nay. Dù kết quả kinh doanh 6 tháng chính thức thấp hơn một chút so với ước tính doanh nghiệp công bố trước đó, tuy nhiên QNS đã vượt kế hoạch lợi nhuận cho cả năm 2023.
Theo phân tích của SSI Research ngày 21/7, mảng mía đường tiếp tục là động lực tăng trưởng chính cho doanh thu và lợi nhuận của QNS trong nửa đầu năm, với sản lượng tiêu thụ tăng mạnh 126% so với cùng kỳ, đạt 120.000 tấn, mang về khoảng 2.200 tỷ đồng doanh thu và 470 tỷ lợi nhuận trước thuế. Do sức tiêu thụ yếu nên sản lượng sữa đậu nành giảm nhẹ 12%, thu về khoảng 2.000 tỷ và lợi nhuận trước thuế 430 tỷ.
Cùng với đà tăng mạnh của giá mía đường thế giới từ đầu năm đến nay, cổ phiếu của nhóm ngành này nói chung và QNS nói riêng cũng ghi nhận tín hiệu tích cực. Kết phiên 25/7, thị giá ở mức 53.400 đồng/cp, tăng 47% so với vùng giá 36.400 đồng/cp của phiên đầu năm (3/1). Đây cũng là mức giá vùng đỉnh của cổ phiếu QNS từ đầu năm đến nay.
Mang 5.500 tỷ gửi ngân hàng
Về cơ cấu tài chính, tính đến hết quý 31/6/2023, QNS có tổng tài sản 11.832 tỷ đồng, tăng 15% so với đầu năm. Đáng chú ý là khoản tiền mặt cùng tiền gửi 5.504 tỷ đồng, chiếm tới 47% tổng tài sản, trong đó chỉ có gần 4 tỷ tiền mặt, còn lại là gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn trên 3 tháng đến 1 năm. Khoản tiền gửi này đã mang về cho doanh nghiệp 153 tỷ đồng trong nửa đầu năm, tăng gấp đôi so với 6 tháng đầu năm 2022.
Hàng tồn kho tăng 85% so với đầu năm lên 1.756 tỷ đồng do sự tăng mạnh của hàng mua đang đi đường và thành phẩm. Trong kỳ, chi phí xây dựng dở dang tăng gấp đôi lên 69 tỷ đồng do QNS tăng quỹ cho dự án nhà máy điện sinh khối, tăng tiền vào dự án sản xuất sữa theo công nghệ Wholesome soy và đầu tư nâng cấp máy móc thiết bị của nhà máy sữa.
Bên kia bảng cân đối, QNS ghi nhận 4.102 tỷ đồng nợ phải trả, tăng 46% so với đầu năm do sự tăng mạnh của vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn (tăng gần 1.000 tỷ từ đầu năm). Theo thuyết minh, hiện nay QNS đang có 2.861 tỷ nợ ngắn hạn 3 ngân hàng là BIDV Quảng Ngãi (1.266 tỷ), VietinBank Quảng Ngãi (834 tỷ) và Vietcombank Quảng Ngãi (760 tỷ).
Ngoài ra, doanh nghiệp còn trích 67 tỷ đồng dự phòng chi phí thu mua vùng nguyên liệu và chi phí sửa chữa, trong khi đầu năm không ghi nhận khoản này. Còn các chi phí khác thay đổi không đáng kể.
Vốn chủ tính đến hết quý II ghi nhận 7.730 tỷ, tăng nhẹ 3,5% từ đầu năm. Trong đó vốn góp của chủ sở hữu 3.569 tỷ, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 3.935 tỷ đồng.