Đường sá lại 'vào mùa'... đào bới?
Cuối năm, hàng loạt tuyến đường phố từ lớn đến nhỏ trên địa bàn Hà Nội lại được đào bới, cải tạo mặt đường, lát đá vỉa hè, xén dải phân cách,... ảnh hưởng lớn đến việc lưu thông của các phương tiện và đời sống sinh hoạt của người dân, gây ùn tắc giao thông.
Hàng loạt các tuyến đường phố được cải tạo, sửa chữa vào dịp cuối năm, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống sinh hoạt của người dân
Từ cuối tháng 11/2019,người dân di chuyển cũng như sống trên địa bàn các tuyến phố Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư (quận Hoàn Kiếm); Thái Hà, Hoàng Cầu (quận Đống Đa); Trần Xuân Soạn, Ngô Thì Nhậm (quận Hai Bà Trưng) gặp phải nhiều khó khăn do vỉa hè được lật lên để lát đá, mặt đường được cào bóc sửa chữa.
Việc này không chỉ gây phiền toái cho người tham gia giao thông mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của sinh hoạt hàng ngày của người dân hai bên đường. Nhiều dân cho rằng, việc cải tạo sửa chữa, nâng cấp đường sá là công việc làm thường xuyên góp phần bảo đảm an toàn giao thông và mỹ quan đô thị. Nhưng không hiểu vì sao cả năm không triển khai mà cứ đến dịp cuối năm lại tiến hành...?
Theo các chuyên gia, về điều kiện giao thông, cuối năm tuyệt đối không phải là thời điểm phù hợp để đào bới. Vì những tháng cuối năm mật độ giao thông lớn, yêu cầu luân chuyển hành khách, hàng hóa tăng lên đột biến. Nếu mọc thêm các lô cốt, các điểm sửa chữa này kia thì ùn tắc lại thêm ùn tắc.
Bên cạnh đó, việc thi công hàng loạt các dự án sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng không khí, môi trường. Đây là giai đoạn thời tiết hanh khô, ô nhiễm không khi liên tục được cảnh báo; việc đồng loạt cải tạo sửa chữa các tuyến đường sẽ kéo theo một lượng bụi lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dân.
Đặc biệt, việc dồn dập thi công các công trình dịp cuối năm khiến người dân không khỏi lo lắng trước nguy cơ tạo ra các công trình kém chất lượng. Bởi lẽ một số đơn vị thi công ngày lễ, Tết có tâm lý lợi dụng tình hình gấp gáp; đơn vị quản lý dễ bỏ qua sai sót nhỏ, dễ nghiệm thu... để luồn lách, thi công không đảm bảo chất lượng.
Việc cải tạo, sửa chữa hàng loạt tuyến đường phố dịp cuối năm khiến tình trạng ùn tắc giao thông càng thêm nghiêm trọng
Cứ đến cuối năm là hàng loạt tuyến đường, vỉa hè, dải phân cách tại Hà Nội lại được cào bóc sửa chữa, lát đá ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt của người dân, gây ùn tắc giao thông. Vậy, đào đường vào các dịp cuối năm có phải là việc làm “bất khả kháng”?
Trao đổi với PV Báo Nhà báo & Công luận xoay quanh vấn đề trên, chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên (Nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội) cho biết, việc duy tu bảo dưỡng, nâng cấp phát triển hạ tầng giao thông đảm bảo thông thoáng, vệ sinh môi trường phục vụ nhu cầu đi lại của người dân là nhiệm vụ và chức năng phải làm thường xuyên các Sở chuyên ngành trong đó có: Sở GTVT, Xây dựng, Tài chính, Kế hoạch đầu tư,...
Thế nhưng ở đây dư luận đặt ra những vấn đề xoay quanh việc cứ cuối năm, gần Tết mới tiến hành duy tu, cải tạo sửa chữa hàng loạt vỉa hè, tuyến đường trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Điển hình là việc cải tạo sửa chữa 46 công trình hạ tầng giao thông mà Sở GTVT Hà Nội đang tiến hành thực hiện.
"Được biết kế hoạch duy tu, bảo dưỡng hạ tầng giao thông phải được xây dựng từ Quý I hàng năm và kết thúc tháng đầu tiên các Sở ban ngành duyệt xong dự án, đề án và duyệt xong cả kinh phí, phân bổ kinh phí cho các ngành ngay từ đầu năm.
Có thể nói, về mặt phương pháp rất khoa học vì được định hướng trước một bước. Việc cải tạo, sửa chữa các công trình hạ tàng giao thông cần có kế hoạch chi tiết, bài bản và rất hoàn chỉnh vì nó liên quan đến đầu tư phương tiện, nhân lực, tổ chức lao động... và nhiều thứ khác chứ không phải như người bán rau ngoài chợ thích thì ra bán", Nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội khẳng định.
Chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên - Nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội
Nhưng mà lạ ở đây là đến cuối năm, Sở GTVT Hà Nội mới công bố hàng loạt các công trình, dự án cải tạo sửa chữa; đây là điều mà người dân thấy hết sức bất cập. Bất cập này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng công trình, phải làm gấp thì chất lượng không đảm bảo do sự vội vàng trong quá trình thi công.
"Bên cạnh đó là vấn đề giá thành, khi làm gấp rồi thì giá nào cũng phải làm. Điều này khiến giá thành lao động, giá vật tư tăng cao hơn so với bình thường. Vật tư yêu cầu phải đảm bảo chất lượng, phù hợp với công trình. Nếu cuối năm mới làm thì lấy tiền đâu để chuẩn bị, mua vật tư...?
Tất cả các yếu tố trên ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công trình, giá thành và thậm chí là khiến dự án chậm tiến độ.
Đặc biệt, việc thi công, cải tạo ồ ạt các dự án, công trình hạ tầng giao thông dịp cuối năm khiến dư luận không khỏi đặt ra câu hỏi liệu có phát sinh tiêu cực trong việc chạy vốn, tiêu thụ cho hết vốn; tiêu cho hết tiền, tiêu cho hết kế hoạch; khi tiêu cho hết tiền thì tiêu bất cứ giá nào, bất cứ kiểu nào...?", chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên cho biết thêm.
Chuyện đào đường, sửa đường vào dịp cuối năm đã gần như trở thành điệp khúc của đô thị; đặc biệt là tại các đô thị lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Với mác “chỉnh trang đô thị” hoặc cải thiện ùn tắc giao thông; các dự án đào đường, xén dải phân cách, lát đá vỉa hè được thực hiện rầm rộ trên khắp các tuyến đường to nhỏ.
Vừa quan, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 1658/CĐ-TTg về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Canh tý và Lễ hội xuân 2020. Trong đó chỉ đạo các đơn vị tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những vi phạm về trật tự an toàn giao thông; đặc biệt là những vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn, ùn tắc giao thông. Các dự án đào đường, cải tạo vỉa hè phải chăng đang đi ngược lại với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ...?
Hơn lúc nào hết, các cơ quan chức năng cần nhìn nhận ở góc độ ý thức về tầm quan trọng của công tác chỉnh trang đô thị để điều chỉnh trong cách làm. Các dự án cải tạo sửa chữa cần được lên kế hoạch một cách tổng thể và dài hạn để từ đó có thời gian thẩm định, đánh giá vào những thời gian phù hợp.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/duong-sa-lai-vao-mua-dao-boi-post72426.html