Đường sách chuyện tình: Vợ chồng giận nhau vì.. nồi rau luộc
Ở đường sách, bà cầm cuốn báo thong dong đi trước. Ông xách hai cốc nước tất tả theo sau. Một cốc cho ông và một cốc cho bà.
Hỏi chuyện mới biết, họ đã gắn bó với nhau từ ngày hai mấy xuân xanh, lứa tuổi đẹp nhất của đời người. Năm nay, ông 88 tuổi, bà đã ngoài 80, tóc cả hai đều đã bạc trắng. Họ có với nhau 3 mặt con, cả ba đều đã khôn lớn. Nhưng nhìn cách ông bà chăm sóc cho nhau, từng nụ cười, ánh mắt mới hiểu họ vẫn như ngày mới yêu.
Câu chuyện được chúng tôi ghi lại ở đường sách TPHCM ngày cận Tết mong sẽ là chút gia vị ngọt ngào cho mỗi gia đình trong những ngày sum họp, đoàn viên.
1.
Ông vẫn còn nhớ như in cái ngày đầu tiên gặp bà, ấn tượng đầu tiên chính là bà đẹp. Nét đẹp dịu dàng, thanh tao của người con gái miền Tây khiến bao người trong công ty ngày ấy say đắm. Trong đó có ông. Quen nhau 3 tháng, ông chính thức tỏ tình.
- Ông hỏi bà vậy nè: “Bà có biết tui là ai hông?”
- Biết chứ, làm chung với nhau mấy tháng mà, sao không biết anh. Bà trả lời vậy.
- Thế hôm nay, tui muốn nói tui yêu bà mà tui không biết làm sao hết. Nghĩ đi rồi cho tui câu trả lời. Tui có ba bộ quần áo với một đôi giày thôi. Bà có yêu tui không?
Bà chỉ cười, má ửng hồng.
Khoảng 1 năm sau ông bà chính thức về một nhà. Tiểu thư miền sông nước chính thức trở thành vợ chàng trai chỉ có ba bộ quần áo và đôi giày lận lưng.
Nói ông nghèo cũng không hẳn, tính ông vốn giản dị, làm ăn khấm khá nhưng làm nhiêu ông chỉ giữ một phần còn lại ông gửi về cho gia đình nuôi các cháu ăn học. Sau này, có gia đình riêng, ông mới giữ lại để lo cho gia đình nhỏ của mình. Tôi thắc mắc hỏi bà, tại sao giữa bao nhiêu người thành đạt, khá giả theo đuổi, bà lại chọn ông- chàng trai chỉ có ba bộ quần áo và đôi giày nhỏ, bà cười bảo: “Vì thương!”
2.
Ở bên nhau đến gần cạn đời người, ông bà cũng chẳng nhớ nổi bao nhiêu trận giận hờn, cãi vã. Nhưng có cãi thế nào, chưa một lần ông xưng mày-tao, câu trước câu sau vẫn là: “anh-em”. Câu chuyện ông bà giận nhau vì cái nồi rau sau này vẫn được các con nhớ mãi. Mỗi lần nhắc lại, cả nhà lại phá lên cười.
Chuyện là hôm đó, ông làm vườn, bà ở nhà cơm nước. Cũng gần xong xuôi rồi, chỉ còn nồi rau luộc. Vốn yêu thích cây cỏ nên bà tính để đó xíu, đi chăm cây, ai dè mải chăm bà quên luôn nồi rau đang luộc. Kết quả, rau nát nhừ, ăn chẳng được. Ông làm mệt, chẳng có rau ăn nên có lớn tiếng. Bà giận, bảo cô con gái út đưa ông lên Sài Gòn chơi.
Ông đi. Tối đi siêu thị cùng con cháu, ông chẳng chọn gì cho mình chỉ chăm chăm những món vợ thích: “Này là má mày thích lắm nè”, “Mua cái này cho bả”… Vừa lên Sài Gòn hôm trước thì hôm sau ông đòi về vì sợ bà ở nhà mình ên buồn. Ông về xách theo giỏ quà là những món bà thích. Vậy là huề.
Ông bảo cái bát cái đũa không chân còn đụng nhau huống gì con người. Quan trọng là “nhường nhịn”. Bà cãi thì ông nghe. Ông lớn tiếng, thì bà nhịn. Nhịn vợ chồng mình chớ nhịn ai đâu mà sợ thiệt.
3. Cuộc trò chuyện dang dở bởi ông bà phải tiếp tục tham quan cùng con cháu. Bà lại thủng thẳng đi trước, ông xách hai cốc nước theo sau.
Tôi nhớ có một câu nói như thế này: Chỉ mất 3 giây để nói lời yêu, nhưng phải mất cả cuộc đời để chứng minh điều đó. Ông đã dùng cả cuộc đời mình đã chứng minh bằng những điều rất giản dị: Gần 60 năm bên nhau, ông vẫn là người dậy sớm pha cafe cho cả nhà, luôn nhớ những món bà thích, và dù có đi đâu, ăn sang mặc sướng đến đâu ông cũng chỉ muốn về bên bà.
“Kiếp sau nhất định ông sẽ làm con gái, chớ làm đàn ông khổ quá, cả đời hầu hạ bả thôi. Đến bây giờ vẫn hầu luôn”, ông nhìn bà cười hạnh phúc. Thấy mấy sợi tóc lòa xòa bết mồ hôi che mắt kính bà, ông vươn tay, nhẹ nhàng vén lại.